Giới hữu trách ở Jakarta hôm 15/1 huy động toàn bộ lực lượng cảnh sát để bảo vệ thủ đô, một ngày sau vụ tấn công đầu tiên của nhóm Nhà nước Hồi giáo tại quốc gia có số dân theo đạo Hồi nhiều nhất thế giới. Thông tín viên Steve Herman của đài VOA gởi bài tường thuật về từ thủ đô của Indonesia.
Ngày hôm nay (15/1), một ngày sau vụ đánh bom và nổ súng gây tử vong cho hai thường dân và 5 kẻ tấn công và gây thương tích cho hơn 20 người, cảnh sát ở Jakarta với súng ống đầy đủ đã bắt đầu tuần tiễu trên đường phố và tại những trung tâm mua sắm.
Ông Mohammad Iqbal, phát ngôn viên cảnh sát Jakarta, cho biết các biện pháp an ninh cũng được tăng cường tại các sứ quán và bệnh viện.
Một số nước, trong đó có Hoa Kỳ, đóng cửa sứ quán trong ngày hôm nay.
Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia Indonesia, ông Badrodin Haiti, hôm nay cho báo chí biết rằng một trong những kẻ tấn công bị hạ sát hôm thứ 5 từng bị bắt giữ về tội oa trữ đạn dược trong thời gian Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến thăm Indonesia.
Ba người, mà cảnh sát mô tả là một kẻ chế bom, một chuyên viên súng đạn và một giáo sĩ, đã bị bắt ngày hôm nay tại Depok, cách Jakarta khoảng 40 kilomet về hướng nam. Các giới chức chính phủ đưa ra những phát biểu trái ngược nhau về vấn đề 3 người đó có liên hệ với nhóm Nhà nước Hồi giáo hay không, nhưng cảnh sát cho biết một lá cờ đen của Nhà nước Hồi giáo được tìm thấy trong vụ đột kích ở Depok.
Tuy xảy ra vụ tấn công hôm thứ Năm, giới hữu trách Indonesia đã nhận được sự khen ngợi của các nhà phân tích an ninh. Các chuyên gia nêu lên sự kiện là hàng trăm người Indonesia ủng hộ Nhà nước Hồi giáo đã đến Syria và một số người trong số đó đã quay về nước.
Bà Sydney Jones, Giám đốc Viện Phân tích Chính sách về Xung đột, nói: “Việc họ lỡ để cho xảy ra một vụ tấn công không nên được xem là một thất bại lớn”. Bà Jones cũng cho rằng những vụ bắt giữ mà cảnh sát Indonesia thực hiện hồi tháng 11 và tháng 12 có thể đã góp phần làm giảm thiểu đáng kể số thương vong của vụ tấn công hôm thứ 5, nhưng một vụ tấn công như vậy là không thể tránh khỏi vì “nhiều hoạt động khủng bố đã được lên kế hoạch trong thời gian qua”. Bà cho rằng nếu mạng lưới Nhà nước Hồi giáo vẫn còn tiếp tục hoạt động với mục tiêu gây thương tổ cho Indonesia, thì “chúng ta sẽ tiếp tục nhìn thấy những mưu toan khủng bố như vậy”.
Trong vụ tấn công hôm thứ 5, do ít nhất 5 hung thủ thực hiện, có 2 quả bom phát nổ bên ngoài một tiệm cà phê Starbuck mà người nước ngoài thường lui tới, trong đó có các nhân viên ngoại giao làm việc tại các sứ quán và văn phòng Liên Hiệp Quốc ở gần đó.
Tuy giới hữu trách Indonesia cho rằng vụ tấn công này có mục đích phỏng theo những vụ tấn công có phối hợp ở Paris ngày 15 tháng 11 năm ngoái, nhưng vụ tấn công đầu tiên của Nhà nước Hồi giáo ở Indonesia đã không gây nên tình huống hỗn loạn và chết chóc nhiều như ở Paris.
Vụ tấn công ở Jakarta, nhắm vào “những mục tiêu mềm”, được thực hiện bởi một nhóm nhỏ những tay khủng bố chưa được huấn luyện kỹ lưỡng và chỉ được trang bị lựu đạn, bom tự chế và súng ngắn. Các nhà phân tích đưa ra giả thuyết là vụ này được thực hiện một cách vội vã vì các nhân vật lãnh đạo của những nhóm kình địch đang tranh nhau để được thừa nhận là “tiểu vương” trong trường hợp Nhà nước Hồi giáo tuyên bố Indonesia là một tỉnh của họ.
Vài giờ sau khi xảy ra vụ tấn công, Giám đốc Cảnh sát Jakarta, ông Tito Karnavian, nói rằng: "Đó chính là lý do tại sao Bahrun Naim [một chiến binh người Indonesia của Nhà nước Hồi giáo] đã lập mưu để thực hiện vụ tấn công này” từ thành phố Raqqa ở Syria".
Hãng tin Aamaq có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo cho biết vụ tấn công Jakarta “nhắm vào người nước ngoài và các lực lượng an ninh có trách nhiệm bảo vệ họ”.
Một giới chức chống khủng bố của chính phủ Mỹ cho đài VOA biết rằng không có lý do để nghi ngờ tuyên bố nhận trách nhiệm của Nhà nước Hồi giáo đối với vụ tấn công này.
Các giới chức quân sự và tình báo Mỹ hồi gần đây đã cảnh báo là Nhà nước Hồi giáo đã bắt đầu chú tâm nhiều hơn tới những vụ tấn công mà họ gọi là tấn công ở bên ngoài, với việc sử dụng nhiều người và nhiều nguồn lực hơn, và dùng vụ tấn công giết chết 130 người Paris làm một kiểu mẫu.
Một giới chức Mỹ giấu tên nói với đài VOA rằng: “Chắc chắn là điều này là một triệu chứng của những tổn thất mà họ đã gánh chịu trong thời gian qua, như tổn thất ở [thành phố] Ramadi [ở Iraq]”.
Giới chức này cho biết Nhà nước Hồi giáo đã nhiều lần cho thấy là khi các lực lượng của họ bị thua trong cuộc giao tranh có tính chất qui ước nhiều hơn, thì họ chuyển sang thực hiện những vụ tấn công có tính chất bất cân xứng, những vụ tấn công khủng bố, cả ở Iraq và Syria lẫn ở các nơi khác.
Hoa Kỳ đã lên án vụ tấn công ở Jakarta. Một thông cáo của Tòa Bạch Ốc nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ chiến lược với Indonesia và với “chính phủ Indonesia trong lúc họ ra sức đưa thủ phạm của vụ tấn công khủng bố man rợ này ra trước ánh sáng công lý và xây dựng một tương lai an toàn hơn”.
Indonesia là nơi từng xảy ra những vụ tấn công khủng bố. Một số người nước ngoài đã bị thiệt mạng khi hai khách sạn hạng sang ở Jakarta bị tấn công bởi hai vụ đánh bom cách nhau chỉ có năm phút vào ngày 17 tháng 7 năm 2009. Trước đó khoảng 4 năm, những vụ đánh bom tự sát và nổ bom xe hơi tại hai địa điểm ở đảo du lịch Bali giết chết hơn 20 người và gây thương tích cho hơn 100 người. Cũng trên đảo du lịch này, hơn 200 người, đa số là du khách Australia, bị thiệt mạng năm 2002 trong vụ tấn công do nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah thực hiện.