Đường dẫn truy cập

Ít nhất 120 người chết trong những vụ tấn công khủng bố ở Paris


Thi thể các nạn nhân nằm trên vỉa hè bên ngoài một nhà hàng ở Paris, ngày 13 tháng 11, 2015.
Thi thể các nạn nhân nằm trên vỉa hè bên ngoài một nhà hàng ở Paris, ngày 13 tháng 11, 2015.

Những kẻ khủng bố đã tổ chức nhiều vụ tấn công cùng lúc vào tối thứ Sáu tại Paris, giết chết nhiều người bằng súng tự động và những vụ nổ bom.

Ít nhất 100 người thiệt mạng tại một địa điểm duy nhất sau khi những tay súng tấn công một nhà hát ở Paris và cầm giữ nhiều con tin. Sau đó cảnh sát xông vào và giết chết những kẻ tấn công.

Có tới 1.000 khán giả tại nhạc hội này ở nhà hát Bataclan, nơi buổi trình diễn của một ban nhạc Mỹ bị gián đoạn bởi những tiếng súng dồn dập của loại súng trường tự động Kalashnikov.

Một nhân chứng bên trong nhà hát cho biết những kẻ tấn công đã liên tục xả súng vào đám đông và dừng lại chỉ để nạp đạn ba lần. Người này khi đó đang ở gần một lối thoát và thoát được ra ngoài trong những giây mà những tay súng dừng lại.

Nhiều người thoát ra được trong vụ nổ súng qua lại giữa cảnh sát và những tay súng. Những người chứng kiến nói những tay súng hô to khẩu hiệu bằng tiếng Ả-rập "Allahu akbar" (Thượng đế vĩ đại).

Một người phụ nữ được đưa ra khỏi nhà hát Bataclan, ngày 13 tháng 11, 2015.
Một người phụ nữ được đưa ra khỏi nhà hát Bataclan, ngày 13 tháng 11, 2015.

Hàng chục người cũng được cho hay là đã thiệt mạng ở những nơi khác của Paris. Một trong những vụ nổ bom đầu tiên xảy ra ngay bên ngoài một sân vận động, nơi Tổng thống François Hollande và một đám đông lớn đang xem một trận bóng đá giữa đội tuyển quốc gia Pháp và Đức.

Vụ nổ được nghe thấy bên trong sân vận động. Cảnh sát di tản ông Hollande khỏi sân vận động, nhưng khi trận đấu dừng lại nhiều người trong đám đông đã chạy vào sân cỏ và đứng túm tụm trong nỗi sợ hãi. Một số vụ nổ khác xảy ra trong khu vực đó và nhà chức trách cho biết ít nhất một vụ có thể là đánh bom tự sát.

Tình trạng khẩn cấp

Ở những nơi khác của thủ đô nước Pháp, nhiều người thiệt mạng tại một nhà hàng Campuchia. Những vụ tấn công cũng được báo cáo ở những nhà hàng khác.

Nhà chức trách nói tổng cộng ít nhất 120 người đã thiệt mạng và khoảng 200 người khác bị thương - 80 người bị thương nghiêm trọng - tại sáu địa điểm riêng biệt. Nhà chức trách nói họ tin rằng tất cả những kẻ tấn công đều đã chết, và có khoảng tám kẻ tấn công ở khắp những địa điểm tấn công khác nhau.

Chưa có tuyên bố nhận trách nhiệm ngay lập tức về những vụ tấn công.

Tổng thống Hollande cho biết ông đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh đóng cửa biên giới của Pháp - một hành động chưa từng có ở châu Âu trong thế kỷ 21. Tại Washington, Tổng thống Barack Obama nói rằng Mỹ sẵn sàng giúp đỡ bằng bất cứ cách nào có thể.

Ông Hollande đã triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp lúc nửa đêm sau khi ông ra lệnh đóng tất cả cửa khẩu biên giới. Ông cũng hủy chuyến đi đến hội nghị G-20 ở Thổ Nhĩ Kỳ theo lịch sẽ diễn ra vào Chủ nhật.

Những địa điểm bị tấn công
Những địa điểm bị tấn công

Mỹ lên án

Tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi những vụ tấn công có phối hợp này là một "nỗ lực kinh hoàng nhằm khủng bố thường dân."

Phó Tổng thống Joe Biden nói: "Sự dã man như vậy không bao giờ có thể đe dọa được bản chất của chúng ta."

Ngoại trưởng John Kerry mô tả những vụ tấn công là "tàn ác, xấu xa" và "đê hèn."

Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter nói "những vụ tấn công khủng khiếp và man rợ ở Paris còn hơn là một vụ tấn công nhắm vào đất nước hay người dân Pháp—đó là một vụ tấn công vào nhân phẩm chung của chúng ta."

An ninh được tăng cường

Giới chức Mỹ cho biết đại sứ quán Mỹ tại Pháp đang kiểm tra sự an toàn của tất cả công dân Mỹ ở Paris. Tuy nhiên, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết tại thủ đô của Mỹ rằng "không có mối đe dọa cụ thể hoặc đáng tin cậy nào nhắm vào Mỹ."

Nhưng an ninh đã được tăng cường ở một số thành phố lớn của Mỹ để phòng ngừa.

Đỉnh Trung tâm Thương mại Một Thế giới được thắp sáng bằng ba màu của quốc kỳ Pháp để tưởng niệm những nạn nhân của vụ tấn công khủng bố ở Paris, quận Manhattan thành phố New York, Mỹ, ngày 13 tháng 11, 2015.
Đỉnh Trung tâm Thương mại Một Thế giới được thắp sáng bằng ba màu của quốc kỳ Pháp để tưởng niệm những nạn nhân của vụ tấn công khủng bố ở Paris, quận Manhattan thành phố New York, Mỹ, ngày 13 tháng 11, 2015.

Thủ tướng Anh David Cameron viết trên Twitter: "Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ." Ông cho biết ông bàng hoàng về những sự kiện ở Paris và cầu nguyện cho người dân Pháp.

Tại Liên Hiệp Quốc, một phát ngôn viên cho biết Tổng thư ký Ban Ki-moon "lên án những vụ tấn công khủng bố hèn hạ" và "đòi phóng thích ngay lập tức nhiều người đang bị cầm giữ làm con tin ở nhà hát Bataclan."

‘Những điểm yếu của xã hội mở’

Brian Katulis, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nói với VOA rằng những vụ tấn công ở Paris "trông giống như được phối hợp để có tác động tối đa, và để gửi đi một thông điệp."

"Nó cho thấy có rất nhiều điểm yếu trong những xã hội mở mà có thể bị lợi dụng bởi bất cứ nhóm khủng bố nào đang thực hiện những hành động này," ông Katulis nói.

Vụ tấn công quy mô lớn hôm thứ Sáu gợi nhớ tới vụ tấn công của những tay súng Hồi giáo cực đoan vào tháng 1 giết chết 17 người.

Paris sắp sửa tổ chức một hội nghị quốc tế lớn vào tháng sau – những cuộc họp do Liên Hiệp Quốc bảo trợ về những nỗ lực toàn cầu kiểm soát sự tăng nhiệt toàn cầu.

Paris bị tấn công khủng bố:

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG