Indonesia mưu tìm một lập trường chung cho ASEAN về vụ tranh chấp lãnh hải

  • Simone Orendain

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đi thăm Việt Nam và Kampuchea và nói chuyện với một số nước thành viên ASEAN khác

Tuần này, các nhà lãnh đạo ở đông nam châu Á đã cố gắng mưu tìm sự đồng thuận về cách thức giải quyết các vụ tranh chấp ở Biển Ðông. Từ Manila, thông tín viên VOA Simone Orendain tường thuật rằng một số giới chức sắp đi đến chỗ đồng ý về một tập hợp các nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề.

Tuần trước, các nhà lãnh đạo ASEAN họp tại một hội nghị thượng đỉnh ở Kampuchea đã không công bố được một thông cáo chung lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của tổ chức bởi vì có sự bất đồng về cách thức giải quyết vụ tranh chấp ở Biển Ðông.

Bộ Ngoại giao Philippin đã tiếp hai vị khách bất ngờ trong tuần này. Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Indonesia ghé qua Manila với đề nghị về 6 nguyên tắc và hôm nay Ngoại trưởng Malaysia đến thăm để thảo luận các nguyên tắc đó.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cũng đi thăm Việt Nam và Kampuchea và nói chuyện với một số nước thành viên ASEAN khác.

Các nguyên tắc vừa kể nhấn mạnh đến việc thực thi một bộ quy tắc ứng xử về việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Ðông, áp dụng sự tự chế và không sử dụng vũ lực đồng thời mưu tìm các giải pháp hòa bình.

Tại Jakarta hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Michael Tene tỏ ý cho biết đường lối ngoại giao tạo được sự khác biệt. Ông nói:

“Chúng tôi hy vọng phát biểu này của ASEAN về nguyên tắc cơ bản sẽ được công bố càng sớm càng hay, hy vọng là nội nhật hôm nay, và sẽ là một thông cáo độc lập về Biển Ðông, đề ra các nguyên tắc cơ bản của ASEAN có liên quan đến các vấn đề ở Biển Ðông.”

Trung Quốc và Ðài Loan đòi chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển với tài nguyên cá dồi dào, và giàu trữ lượng dầu khí, đồng thời lại là những tuyến đường hàng hải nhiều tầu bè qua lại. Các quốc gia thành viên ASEAN khác là Philippin, Việt Nam, Malaysia và Brunei đều đòi chủ quyền một phần. Kampuchea thì là một đồng minh của Trung Quốc.

Ông Hoàng Chính, một chuyên gia về an ninh câu Á và là giám đốc Trung tâm về châu Á và Toàn cầu hóa tại trường Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore, nói rằng một sự rạn nứt kéo dài làm suy yếu ASEAN và các nước thành viên.

Ông nói ông không dự liệu nhóm này sẽ có chủ trương nào vững chắc về vụ tranh cãi, nhưng ông nói có được 6 điểm chính vẫn có hiệu quả:

“Một thông cáo như thông cáo của ASEAN nói cho tất cả mọi người, nhất là Trung Quốc, điều thứ nhất, đây là điểm chính yếu. Chúng ta đã đạt được sự đồng thuận, đừng giẫm chân lên nó. Ðiều thứ hai, nó ngăn chặn được tình hình không trở nên xấu hơn.”

Ông Hoàng là diễn giả được mời phát biểu tại một cuộc thảo luận do một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Manila chủ trì.

Tổ chức này có tên là Các Sách lược về Năng lượng cho Lưu vực châu Á Thái Bình Dương. Ông Hoàng nói các vụ tranh chấp với Trung Quốc phải được giải quyết qua đường lối “ngoại giao thầm lặng,” nhất là khi có liên quan đến việc tiếp cận các tài nguyên biển dồi dào.

Theo ông Hoàng, những vụ xích mích như cuộc giằng co tại bãi cạn Scarborough, nơi Manila cáo buộc Bắc Kinh là đánh bắt trộm các chủng loài hải sản có nguy cơ tuyệt chủng, có thể được giải quyết một cách đơn giản. Xét về vị trí ở gần Philippin, lợi ích chính của Trung Quốc là đánh cá, ông nói một thỏa thuận có thể đạt được để Trung Quốc được phép đánh cá trong hải phận Philippin. Ông cho biết

“Nhưng Trung Quốc chỉ được đưa 20 tàu đánh cá mỗi tháng, và phải tôn trọng luật lệ của chúng tôi. Quý vị không thể đánh bắt loài hải sản có nguy cơ tuyệt chủng hay bất cứ gì và quý vị phải chấp nhận sự giám sát của chúng tôi một cách trầm tĩnh. Quý vị không thể công khai coi thường công luận. Nhưng đổi lại, quý vị hãy để cho chúng tôi tiến hành các công tác khoan để khai thác dầu khí. Dù sao chúng tôi cũng sẽ bán lại cho quý vị.”

Ông Hoàng nói Malaysia đang xử lý vụ tranh chấp theo một cách rất giống như thế và nước này vẫn trầm tĩnh về quan hệ với Trung Quốc.

Ông nói khi có liên quan đến vấn đề giải quyết các tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc đòi chỉ mở các cuộc đàm phán với từng nước một. Các nước khác, trong đó có Philippin, muốn có các cuộc đàm phán đa phương. http://www.youtube.com/embed/Ekoz_q7dFUU