Cái chết của ký giả truyền hình Ridwan Salamun, bị sát hại trong khi tìm cách quay phim một vụ đụng độ giữa hai làng ở đông nam Maluku, chỉ là sự cố mới nhất về bạo động nhắm vào các ký giả ở Indonesia.
Kể từ hồi đầu tháng 6, đã có ít nhất 6 ký giả than phiền về những lời hăm dọa hay nạt nộ, và vào ngày 2 tháng 8, thi thể của ký giả tự do Ardiansyah Matra’is đã được phát hiện trong một con sông ở Papua.
Liên minh các Ký giả Độc lập đã yêu cầu mở cuộc điều tra tường tận về cái chết của ông này, mà cảnh sát ở Papua đã công bố là một vụ tự vẫn.
Nhà tranh đấu cho nhân quyền và theo dõi truyền thông Andreas Harsono nói rằng các vụ việc cho thấy các vấn đề sâu xa trong thể cách báo giới được quan niệm tại một quốc gia mà các cơ quan truyền thông đã mở rộng sau khi nhà cựu độc tài Suharto bị lật đổ năm 1998.
Ông Harsono nói: “Với sự bùng phát của các công ty truyền thông, các đài truyền hình, truyền thanh, báo chí, và sự bùng phát của các ký giả, các ký giả không được đào tạo tốt đúng cách. Các trường báo chí chẳng hạn phần lớn tập trung ở Java và vẫn còn bị chính phủ kiểm soát. Vẫn có thói quen tự kiểm duyệt, và nhiều khu vực ký giả không được xâm nhập, nhất là đối với ký giả quốc tế, như Papua chẳng hạn.”
Ông Harsono nói tình trạng thiếu chuyên nghiệp có nghĩa là một số ký giả tự dấn thân vào chỗ nguy hiểm vì không được huấn luyện để tường thuật những vụ bạo động hay xung đột.
Cạnh tranh cũng là một vấn đề khác. 15 công ty kiểm soát khoảng 95 phần trăm các cơ quan truyền thông tin tức ở Indonesia. Các chuyên gia phân tích truyền thông nói rằng sự kiện đó tạo ra môt áp lực về thị trường buộc nhiều vị chủ biên phải thỏa hiệp về nội dung và tiếp tục mức lương thấp cho ký giả.
Lương hàng tháng trung bình của một phóng viên ở Jakarta vào khoảng 200 đôla, chỉ cao hơn một chút so với mức lương tối thiểu của thành phố. Ông Harsono nói lương bổng thấp khiến nhiều ký giả dễ bị mua chuộc, và dẫn đến việc tường thuật một cách thiên vị hay thiếu chính xác.
Những người ở các hòn đảo phía ngoài còn gặp khó khăn hơn.
Ông Harsono nói tiếp: "Càng xa đảo Java, các ký giả thường được coi như gặp nhiều rủi ro hơn trong công việc, và hoặc là họ rất tham nhũng – dễ bị mua chuộc – hoặc là họ cực kỳ lý tưởng, đôi khi còn đi đến chỗ vận động cho các ký giả.”
Ông Harsono nói phẩm chất kém của các bài tường thuật khiến một số người đâm ra nghi kỵ các ký giả. Nhưng không phải chỉ vì đào tạo kém và kiến thức về đạo đức làm báo khiến ông quan ngại. Còn có tình trạng thiếu sự bảo vệ của luật pháp.
Phần nhiều do con số lớn các vụ kiện các ký giả về tội phỉ báng hồi năm ngoái, cơ quan theo dõi nhân quyền Freedom House đã liệt giới truyền thông Indonesia vào loại chỉ có tự do phần nào trong cuộc thăm dò về tự do báo chí hàng năm của tổ chức này.
Ông Harsono lo ngại rằng việc hạn chế tiếp cận các đảo phía ngoài và tình trạng thiếu huấn luyện và bảo vệ sẽ tiếp tục gây rủi ro cho mạng sống của ký giả.
Các hiệp hội ký giả ở đông nam châu Á đã lên án những vụ sát hại nhiều ký giả ở Indonesia hồi gần đây. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích về truyền thông nói rằng các tiêu chuẩn thấp của báo giới có thể là một phần của lý do đưa đến những cái chết đó. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Sara Schonhardt gửi về bài tường thuật sau đây.