Phiên họp mới của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khai mạc trong bối cảnh của các nỗi thống khổ của người dân chịu cảnh lụt lội tàn phá tại Pakistan, tình trạng bạo động và xung đột vũ trang ở nhiều nơi như Afghanistan, Iraq và Somalia cùng những vụ tàn sát bừa bãi nhắm vào thường dân vô tội.
Trong bài diễn văn đọc trước Hội Đồng, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, bà Navi Pillay, đã thu hút sự chú ý đến vai trò sinh tử của các nhà bảo vệ quyền làm người trong việc phơi bày những vụ vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới ra trước công luận.
Bà cho biết những người này cùng với các ký giả và những nhà hoạt động cho xã hội dân sự ở tất cả mọi khu vực đều phải đối mặt với những đe dọa cho mạng sống và an ninh của họ vì công việc mà họ làm.
Bà nói: "Những người bất đồng chính kiến tranh đấu ôn hòa, những người cỗ vũ cho nhân quyền, các luật sư và đại diện báo chí vẫn bị nhắm tới và bị tấn công tàn bạo ở nhiều nước, trong số này có Iran, Iraq và Somalia. Những điều kiện khó khăn, gồm những đe dọa và tấn công gây trở ngại cho công việc của những người tranh đấu cho nhân quyền, các ký giả, những thành viên công đoàn và những người tổ chức cộng đồng lại thường gặp khó khăn gấp bội vì các vụ tranh giành các nguồn tài nguyên thiên nhiên, như trường hợp Angola, Cộng Hòa Dân chủ Congo và Zimbabwe."
Bà Pillay khuyến nghị Hội Đồng Nhân Quyền và cộng đồng quốc tế hãy hỗ trợ và bảo vệ những người tranh đấu cho nhân quyền.
Cao Ủy Nhân Quyền trưng dẫn tình hình vi phạm nhân quyền ở nhiều quốc gia thuộc diện quan tâm đặc biệt. Bà nêu lên vụ những băng đảng tội ác ra tay hạ sát rùng rợn 72 dân di cư từ Mexico.
Bà cho biết bà cảm thấy lo ngại về những tin nói là có một chương trình của Hoa Kỳ nhắm hạ sát những phần tử bị tình nghi khủng bố. Bà chỉ trích tình hình nhân quyền nói chung, tại Kyrgyzstan, nơi tình trạng căng thẳng sắc tộc giữa người Kyrgyzstan và dân sắc tộc Uzbekistan vẫn còn cao.
Nhưng bà Pillay dành những lời phê bình nghiêm khắc nhất cho điều bà gọi là chính sách mới của chính phủ Pháp đối với người du cư Roma, gồm việc giải tán nơi cư trú của họ và trục xuất tập thể họ về quốc gia nguyên quán.
Bà cho biết tiếp: "Những biện pháp đó chỉ làm gia tăng thêm những thành kiến nặng nề đối với người du cư Roma và tình trạng cực kỳ nghèo khó và bị gạt ra ngoài xã hội mà họ sinh sống trong đó. Những ngôn từ vơ đũa cả nắm và kỳ thị của các giới chức và báo chí khi nói đến người du cư Roma tại châu Âu cũng là một vấn đề gây lo ngại nghiêm trọng."
Bà Pillay nêu lên rằng thái độ của nước Pháp đối với dân du cư Roma hiện đang bị Ủy Ban châu Âu và Nghị Viện châu Âu theo dõi sát.
Bà khuyến nghị các nước châu Âu, kể cả nước Pháp, hãy chấp nhận những chính sách cho người du cư Roma hội nhập nhiều hơn để giúp họ thoát ra khỏi tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc đang bắt đầu phiên họp kéo dài 3 tuần giữa lúc có những tin về tình trạng vi phạm nhân quyền lan rộng khắp thế giới và những đe dọa đang leo thang nhắm vào những nhà bảo vệ nhân quyền. Từ phủ Cao Ủy Nhân Quyền tại Geneve, thông tín viên Lisa Schlein gửi về các chi tiết sau đây mời quí vị theo dõi.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1