Thủ tướng chính phủ lưu vong Tây Tạng Lobsang Sangay kêu gọi tổ chức một đêm canh thức trên toàn thế giới vào ngày thứ tư 18 tháng 2 để lên án những vụ sát hại trong tuần này. Ông tố cáo Trung Quốc đã giết hại 6 người Tây Tạng bằng cách “bắn bừa bãi” vào các đám đông người biểu tình ôn hòa trong những khu vực của người Tây Tạng dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc.
Ông Lobsang nói: “Vì các hành vi tàn ác như thế này và việc đàn áp có hệ thống nhắm vào người Tây Tạng, sự căm hận và phẫn nộ trong khối người Tây Tạng đối với chính quyền Trung Quốc chỉ gia tăng thêm kể từ sau vụ nổi dậy ồ ạt vào năm 2008.”
Trung Quốc thừa nhận đã giết chết 1 người biểu tình, mà Bắc Kinh gán cho là “kẻ gây bạo loạn”, sau khi cáo buộc những người biểu tình là bắt đầu sử dụng dao, gạch đá, và xăng để chống lại công an.
Ông Lobsang kêu gọi Trung Quốc “chú trọng đến những lời kêu gọi” của ít nhất 15 người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối trong năm ngoái. Ông cũng kêu gọi quốc tế can thiệp.
Ông Lobsang nói: “Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế bày tỏ tình đoàn kết và lên tiếng ủng hộ các quyền cơ bản của người dân Tây Tạng và thời điểm cấp thiết này. Tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế và Liên Hiệp Quốc cử một phái đoàn tìm hiểu sự thực đến Tây Tạng và đề nghị để cho các cơ quan truyền thông trên thế giới được đến khu vực này.”
Tại thị trấn Dharamsala miền bắc Ấn Độ đêm qua, các nhà sư Tây Tạng đã dẫn đầu một buổi canh thức để phản đối những vụ giết hại. Nhà hoạt động Tây Tạng Dolkar cho biết các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục.
Ông Dolkar nói: “Chúng tôi rất kinh hoàng khi biết rằng một nhóm người Tây Tạng biểu tình ôn hòa đã bị lực lượng quân đội Trung Quốc bắn. Chúng tôi sẽ phản đối việc này, và sẽ kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế chống lại điều đó.”
Trung Quốc coi Tây Tạng như một phần quan trọng của lãnh thổ lịch sử của họ, và đã chiếm cao nguyên này vào năm 1950. Bắc Kinh nói việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã đem lại lợi ích cho cư dân trong vùng. Tuy nhiên, Trung Quốc đặt vùng này dưới sự kiểm soát chặt chẽ về an ninh và mới đây đã cấm toàn bộ người nước ngoài đến thăm khu vực này.
Người Tây Tạng cáo buộc Trung Quốc là cố tình tìm cách xóa bỏ văn hóa truyền thống Tây Tạng. Họ nói rằng Trung Quốc đã đổ vào lãnh thổ xưa nay vốn của Tây Tạng những người Hán tộc không phải là Tây Tạng phân biệt đối xử với họ. Ông Tenzin Tsundue, một nhà hoạt động và cũng là nhà văn Tây Tạng, mô tả việc Tây Tạng sử dụng bạo lực đối với người biểu tình là một hành động tuyệt vọng.
Ông Tenzin nói tiếp: “Họ xả đạn vào những người là dân du mục hay nông gia. Họ đã mất quyền kiểm soát Tây Tạng. Họ không thể hiểu nổi các nguyện vọng thực sự của dân chúng Tây Tạng. Người dân muốn tự do. Và người dân Tây Tạng đã khẳng định rõ rằngg họ muốn Đức Đạt lai Lạt ma trở về Tây Tạng.”
Đức Đạt lai Lạt ma, lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng, đã vượt biên qua Ấn Độ vào năm 1959 sau một cuộc nổi dậy bất thành chống lại quyền cai trị quân sự của Trung Quốc. Ngài ủng hộ việc để cho Tây Tạng được tự trị dưới quyền Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh coi ngài là một phần tử ly khai giả dạng. Trung Quốc nói họ không có chọn lựa nào khác là nổ súng vào người biểu tình trong tuần này khi họ xoay qua bạo động, và gọi loạt người tự thiêu là “các phần tử khủng bố”.
Nhà lãnh đạo được bầu lên của cộng đồng Tây Tạng lưu vong có cơ sở tại Ấn Độ kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế về vụ lực lượng Trung Quốc sát hại người biểu tình Tây Tạng trong tuần này. Thông tín viên VOA Kurt Achin tại Nam Á ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật từ New Delhi.