Đường dẫn truy cập

Tự thiêu đánh dấu một chuyển biến trong phong trào của người Tây Tạng


Ni cô Palden Choetso tự thiêu tại một con đường ở Daofu, Tây Tạng
Ni cô Palden Choetso tự thiêu tại một con đường ở Daofu, Tây Tạng

Tính từ tháng 3 năm ngoái, có ít nhất 16 người Tây Tạng, phần lớn là các nhà sư và ni cô, đã tự thiêu để phản đối các chính sách của chính phủ Trung Quốc. Mặc dầu thoạt đầu phần lớn chỉ xảy ra đơn lẻ ở một khu vực người Tây Tạng thuộc tây nam Trung Quốc, những vụ tự thiêu này đã lan rộng và tăng thêm. Từ tháng 3 đến cuối tháng 9 năm ngoái, 4 người Tây Tạng đã tự thiêu để phản kháng. Từ tháng 10 cho đến cuối tháng trước, có thêm 12 người nữa cũng nối bước làm như thế. 4 vụ xảy ra chỉ riêng trong tháng 1.

Một trong số ít các hình ảnh những vụ tự thiêu đã lọt được ra thế giới bên ngoài là hình ảnh của Palden Choetso, một ni cô ở một vùng Tây Tạng tại tỉnh Tứ Xuyên miền tây nam Trung Quốc. Trong video này, vị ni cô đứng yên khi các ngọn lửa bốc cháy toàn thân bà và sau đó bà ngã xuống đất.

Ni cô Palden Choetso tự thiêu vào tháng 11 và là người Tây Tạng thứ 11 đã viện đến hình thức phản kháng cực đoan này.

Sau cái chết của bà, các ni cô đã tụ tập để ghi nhớ sự hy sinh của bà. Và giữa những tiếng khóc than tuyệt vọng của họ là những lời kêu gọi đòi độc lập cho Tây Tạng thoát khỏi Trung Quốc. Một buổi thắp nến canh thức đã được tổ chức và người Tây Tạng đã xếp hàng dài để tỏ lòng thành kính.

Ông Robbie Barnett, một chuyên gia về Tây Tạng tại trường Đại học Columbia ở New York, nói rằng trong khi con số những vụ tự thiêu tăng lên và lan ra thêm các khu vực khác thì thì người Tây Tạng ở Trung Quốc dường như đã mất hết kiên nhẫn. Ông nhận định:

“Tinh thần dân tộc tăng cao ở các khu vực Tây Tạng hơn bao giờ hết trong lịch sử. Và đó có thể là kết quả của các chính sách xấu của Trung Quốc đã trở nên khắt khe và tàn bạo hơn, nhất là trong 15 năm vừa qua.”

Làn sóng những vụ tự thiêu trong năm vừa qua bắt đầu hồi tháng 3 năm ngoái, khi nhà sư 20 tuổi Phuntsong nổi lửa tự thiêu để kỷ niệm 3 năm vụ đàn áp đẫm máu của Trung Quốc nhắm vào những cuộc biểu tình tại tu viện Kirti ở Aba.

Nhưng vụ tự thiêu của nhà sư Phuntsong không phải là vụ đầu tiên. Vụ phản kháng trước đó dưới hình thức này đã xảy ra vào tháng 2 năm 2009 khi một nhà sư cũng thuộc tu viện vừa kể tự thiêu.

Tổ chức Chiến dịch Quốc tế cho Tây Tạng có trụ sở ở Washington nói rằng nhà sư đó tên là Tapey, đã tự thiêu sau khi chính quyền địa phương cấm các nhà sư tại tu viện tổ chức một lễ cầu siêu theo truyền thông vào dịp năm mới Tây Tạng.

Trong năm vừa qua, 6 trong số 8 vụ tự thiêu đã được thực hiện bởi các nhà sư ở tu viện Kirti, nhưng dần dà các vụ này đã lan ra những nơi khác.

Ông Steve Marshall, một cố vấn kỳ cựu trong Ủy ban Hành pháp Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc, đã dành hơn 2 thập niên nghiên cứu những vụ vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng. Ông nói:

“Điều chúng ta thấy khi các vụ tự thiêu này lan ra, là có những vụ đã xảy ra trước đó ở các quận huyện khác. Chúng ta thấy các vụ tự thiêu đã trở thành tiền lệ và đây là điều mà người Tây Tạng sẽ còn nhớ đến rất lâu.”

Trung Quốc đã thắt chặt an ninh tại các khu vực người Tây Tạng nơi xảy ra những vụ tự thiêu và gán cho những người tự thiêu là các phần tử khủng bố.

Bắc Kinh cũng đã cáo buộc nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt lai Lạt ma là hậu thuẫn cho các hành động đó. Cả Đức Đạt lai Lạt ma và chính phủ lưu vong Tây Tạng đều bác bỏ lời cáo buộc này.

Người đứng đầu chính phủ lưu vong Tây Tạng, ông Lobsang Sangay nói chính quyền của ông không xúi giục bất cứ hình thức phản kháng nào ở Trung Quốc bởi vì những hậu quả của các hành động như thế. Ông cho biết:

“Nếu phản kháng tại Tây Tạng thì thường là sẽ bị bắt giữ, đánh đập, và đôi khi tra tấn nữa. Có khi thì bị mất tích, có khi thì thiệt mạng.”

Những hành động như tự thiêu, theo ông Lobsang và các nhà phân tích, cho thấy người Tây Tạng ở Trung Quốc đã tuyệt vọng đến mức nào.

Các chuyên gia phân tích nói ở Aba và các khu vực Tây Tạng khác, sự kiện có thêm các luật lệ về tôn giáo trong những năm vừa qua đã làm tăng thêm áp lực đối với các nhà sư và ni cô, quản lý tỉ mỉ đời sống của họ và hạn chế quyền tự do đi lại của họ.

Sau đây vẫn là nhận định của ông Steve Marshall thuộc Ủy ban Hành pháp Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc:

“Những quy định này đi đến mức như là buộc phải dùng loại chuông hiệu nào cho điện thoại của mình, được quyền xem các chương trình truyền hình nào, có được giữ hình ảnh của Đức Đạt lai Lạt ma hay không – những chi tiết rất nhỏ nhặt về đời sống hàng ngày của các nhà sư và ni cô. Quan trọng hơn nữa, họ kiểm soát những thứ như có được đi đến nơi nào khác để nghe thuyết pháp hay không. Và nếu đi đâu thì phải xin phép.”

Giáo sư đại học Columbia Robbie Barnett cho rằng các vụ tự thiêu cũng đánh dấu một sự cắt đứt với quá khứ, khi tình hình ở Tây Tạng chỉ gặp sự phản đối của những người sống lưu vong và Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông nói:

“Các vụ tự thiêu đánh dấu một biến chuyển quan trọng, theo đó những gì sẽ xảy ra trong tương lai ở Tây Tạng sẽ được xác định bởi các quyết định của người dân bên trong Tây Tạng. Và những vụ tự thiêu này là một hình thức quyết định rõ ràng và cực kỳ bi thảm, nhưng đó là một hình thức phát biểu chính trị.”

Theo các chuyên gia, có nhiều phần chắc các cuộc phản kháng chống lại các chính sách của Trung Quốc trong các vùng của người Tây Tạng sẽ không sớm chấm dứt, nhất là khi phản ứng của chính phủ ở Bắc Kinh cho đến lúc này vẫn là tăng cường an ninh và ức chế nhân quyền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG