Sau hai tháng thương thảo, đôi khi gay gắt, những nhà hoạt động xã hội dân sự xuất hiện hôm thứ Ba sau cuộc họp cuối cùng với những bộ trưởng hàng đầu tại New Delhi nói rằng những nỗ lực của chính phủ để ngăn chặn tham nhũng chỉ có tính cách tượng trưng.
Những nhà hoạt động này nằm trong số những thành viên của một Ủy ban hỗn hợp do chính phủ thiết lập sau một chiến dịch của một nhà hoạt động xã hội dân sự Anna Hazare vận động cho một luật nghiêm khắc để chống tham nhũng.
Vụ tuyệt thực của ông Anna Hazare vào tháng 4 vừa qua, kêu gọi bổ nhiệm một nhân viên kiểm tra độc lập, nhiều quyền lực, đạt được sự ủng hộ và chú ý của công luận bất mãn ngày càng tăng về nạn tham nhũng tại Ấn Độ.
Ông Prashant Bhushan, một trong các nhà thương thuyết của xã hội dân sự nói chính phủ không chấp nhận những đề nghị của họ về người được đề cập trong Luật Lokpal, dành cho nhân vật này quyền hạn rộng rãi để truy tố Thủ tướng, các thẩm phán cao cấp và những nhà lập pháp.
Ông Bhushan nói: “Tôi phải thú nhận là tôi rất thất vọng bởi mô hình về Lokpal mà chính phủ đề nghị. Đầu tiên nhân vật Lokpal này sẽ được bổ nhiệm bởi một Ủy ban chọn lựa có tính cách chính trị, Ủy ban này bị chế ngự bởi quyền lực của chính phủ. Quyền hạn và hoạt động của nhân vật này bị giới hạn chặt chẽ, chỉ được điều tra về tham nhũng của các viên chức cao cấp ngoại trừ Thủ tướng, các thẩm phán cao cấp cũng như những thành viên Quốc hội về những hành vi của những người này trong Quốc hội .”
Những người vận động của xã hội dân sự và chính phủ trao đổi những dự thảo luật mà họ muốn được ban hành.
Chính phủ đã bênh vực văn bản của họ về luật chống tham nhũng gọi đây là một dự thảo luật mạnh bạo và độc lập. Tuy nhiên chính phủ cũng công nhận có những sự khác biệt rộng lớn với những gì những nhà hoạt động kêu gọi.
Bộ trưởng Viễn thông Kapil Sibal có chân trong ủy ban soạn thảo dự luật nói đề nghị do những nhà vận động xã hội dân sự đưa ra có phạm vi quá rộng rãi và sẽ làm suy yếu hiến pháp.
Ông Sibal nói: “Chúng ta có thể có một chính phủ song hành bên ngoài chính phủ hay không, chúng ta có thể có lực lượng cảnh sát bên ngoài hành pháp, chúng ta có thể có một loại cảnh sát bên ngoài chính phủ, bất kể hiến pháp Ấn Độ hay không? Đây là câu hỏi chính đưa ra trước nhân dân Ấn Độ.”
Chính phủ sẽ trình bày cả hai văn bản cho tất cả các đảng phái chính trị trước khi đệ trình dự luật ra trước Quốc hội để chấp thuận vào tháng tới.
Trong khi bày tỏ sự thất vọng sâu sắc đối với dự luật do chính phủ soạn thảo, ông Arvind Kejriwal, một nhà hoạt động dân sự nổi tiếng nói phe hoạt động tranh đấu hài lòng vì hiện nay có hàng triệu người chú tâm can dự vào việc luật Lokpal được đề nghị hình hành như thế nào.
Ông Kejriwal nói: “Một cuộc thảo luận nghiêm chỉnh đã bắt đầu trong nước, và tôi nghĩ là từ sau khi được độc lập, chưa có đạo luật nào lại được thảo luận sâu rộng trong quần chúng, do đó chuyện này đã củng cố nền dân chủ.”
Tham nhũng là một vấn đề hàng đầu của Ấn Độ kể từ khi nước này xảy ra một số những vụ tai tiếng của những nhân vật cao cấp được mọi người chú tâm.
Trong khi đưa và nhận hối lộ từ lâu được mọi người chấp thuận trong đời sống của họ, sự bất bình của quần chúng ngày càng tăng sau khi có tiết lộ là hàng tỉ đô la có thể đã bị các giới chức hàng đầu rút tỉa trong việc tổ chức các cuộc tranh tài thể thao của Khối Liên Hiệp Anh trong năm qua và trong việc cấp phát giấy phép viễn thông và những dự án về nhà cửa.
Những chính phủ liên tiếp tại Ấn Độ đã hứa ban hành luật chống tham nhũng nhưng đã thất bại không làm được. Quốc hội của chính phủ chiếm đa số hiện nay đang chịu áp lực nặng để phải thông qua một đạo luật như thế.
Tại Ấn Độ, những nhà hoạt động xã hội dân sự, dẫn đầu một chiến dịch chống tham nhũng trên toàn quốc đã bày tỏ sự thất vọng sâu sắc về một dự thảo luật của chính phủ nhằm ngăn chặn tham nhũng. Các nhà hoạt động tổ chức nhiều tuần lễ thương thảo với chính phủ hy vọng đặt nền móng cho một nhân vật chống tham nhũng đầy quyền lực nhưng cả hai bên có những khác biệt sâu sắc về phạm vi của một đạo luật như thế.