Đường dẫn truy cập

Ấn Độ đặt an ninh, thương mại với Miến Điện lên trên dân chủ


Ngoại trưởng Ấn Ðộ S.M. Krishna
Ngoại trưởng Ấn Ðộ S.M. Krishna

Ngoại trưởng Ấn Độ đang có mặt tại Miến Điện để dự các cuộc họp với các nhà lãnh đạo cấp cao dự trù tập trung vào các vấn đề an ninh và thương mại. New Delhi cho hay chuyến thăm đầu tiên kể từ khi một chính phủ dân sự lên nắm quyền là một cơ hội để “đem lại thêm sức sống” cho mối bang giao. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Ðộ S.M Krishna là cuộc hội kiến cấp cao lần đầu của Miến Điện kể từ khi chính phủ quân nhân nước này được thay thế bởi một ban lãnh đạo dân sự trên danh nghĩa hồi tháng 3.

Ấn Độ cho hay hai bên sẽ thảo luận về công cuộc hợp tác an ninh cũng như thương mại và đầu tư.

Theo dự kiến, ông Krishna sẽ không gặp lãnh tụ đối lập và dân chủ Aung San Suu Kyi, người đã bị cấm tham gia cuộc bầu cử.

Ấn Độ đã có thời là một nước lớn tiếng ủng hộ bà Suu Kyi nhưng đã thay đổi chính sách hồi đầu thập niên 1990 để có được sự hợp tác tốt hơn với chính phủ quân nhân.

Giáo sư D.S. Muni tại Viện Khảo cứu Nam Á ở Singapore nói rằng Ấn Độ nhận ra cái giá nặng nề về an ninh phải trả cho việc ủng hộ bà Aung San Suu Kyi và những lời kêu gọi dân chủ tại Miến Điện.

Giáo sư Muni cho biết: “Chắc chắn một kết quả của sự thay đổi trong chính sách của New Delhi là đã có sự hợp tác đáng kể ở biên giới, chẳng hạn. Nhiều phần tử nổi dậy miền đông bắc trước đây đã tìm nơi ẩn náu ở Myanmar – sự hợp tác của chính phủ Myanmar rất có lợi.”

Ông Muni nói mặc dầu có sự hợp tác, Ấn Độ chưa hoàn toàn hài lòng với tình hình an ninh biên giới ở Miến Điện và hy vọng cải thiện thông tin liên lạc với chính phủ mới về vấn đề này.

Giới chỉ trích cho rằng cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi tháng 11 đã đem lại một bộ mặt dân sự cho sự cai trị liên tục của quân đội.

Một phần tư các ghế tại Quốc hội được dành cho quân đội và đảng của quân đội thắng áp đảo giữa các tin tức lan tràn về gian lận phiếu và đe dọa cử tri.

Ông Muni nói tuy không công khai hối thúc đòi thay đổi dân chủ ở Miến Điện, Ấn Độ theo đuổi một đường lối ngoại giao thầm lặng về vấn đề này.

Chính sách giao tiếp cũng đã đem lại lợi ích kinh tế cho cả Miến Điện lẫn Ấn Độ.

Kim ngạch thương mại hàng năm giữa hai bên đã tăng vọt từ hàng chục triệu đôla vào thập niên 1980 lên đến khoảng 1 tỷ rưỡi đôla hồi năm ngoái. Ông Muni nói Miến Điện cũng đã thảo luận việc điều giải các thỏa thuận mới về cung ứng năng lượng cấp thiết, kể cả dầu khí.

Trong khi việc bán dầu khí vẫn còn chưa đi đến đâu so với nhiều tỷ đôla đầu tư và thương mại của Trung Quốc, ông Muni nói Ấn Độ còn lo ngại hơn về hoạt động hàng hải của Trung Quốc trong khu vực.

Ông Muni nói: “Mới đây đã có các chuyến thăm của hai chiếc tầu Trung Quốc. Nay lại có một chiếc tàu Trung Quốc từ Singapore đến. Phía Trung Quốc đang thiết lập việc mở mang một cảng ở Sri Lanka, họ đang hoạch định việc phát triển một cảng ở Chittagong bên Bangladesh. Do đó, tôi cho rằng hoạt động hàng hải này đã bất chợt gây báo động gần như tất cả mọi người quan tâm đến an ninh trong vùng Vịnh Bengal.”

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ trùng hợp với chuyến thăm Miến Điện của một phái đoàn Liên hiệp châu Âu.

Nhóm EU cũng họp với các bộ trưởng chính phủ Miến Điện và tối nay sẽ hội kiến bà Aung San Suu Kyi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG