Bộ trưởng Tài chính Pranab Mukherjee tuyên bố thành tích kinh tế của Ấn Độ trong năm tài khóa vừa qua rất bết bát, với tỷ lệ tăng trưởng có phần sẽ ở mức khoảng 6,9% so với tỷ lệ dự phóng là 9%.
Nhưng ông nói các số liệu gần đây cho thấy tình hình xấu nhất đã qua đi và tăng trưởng sẽ bật trở lại ở mức 7,6% trong tài khóa 2012-2013. Bộ trưởng Mukherjee công bố chi tiết ngân sách thường niên của Ấn Độ:
“Nhiều dấu hiệu có liên quan đến thời kỳ này cho thấy nền kinh tế đang chuyển hướng. Có các dấu hiệu phục hồi trong các lãnh vực than đá, phân bón, xi-măng, và điện. Đây là những lãnh vực cốt yếu tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Ngành sản xuất của Ấn Độ dường như đang ở giao điểm phục hồi.”
Vào lúc sự lo ngại gia tăng về tình trạng thâm hụt ngân sách cao trong nước, ông Mukherjee hứa cắt giảm các khoản trợ giá cao, chủ yếu dành cho thực phẩm, nhiên liệu và phân bón.
Ông nói khoản trợ giá này sẽ bị cắt giảm từ mức 2,5% tổng sản phẩm nội địa xuống còn 1,7%.
Ông nói hạn chế trợ giá sẽ giúp kéo mức thâm hụt ngân sách từ 5,9% trong năm ngoái xuống còn 5,1%. Nhiều kinh tế gia cho rằng đó là con số quá khiêm nhường, trong khi các kinh tế gia khác nêu thắc mắc liệu chính phủ có đạt được chỉ tiêu đó hay không.
Ông Mukherjee cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng tốc các cải cách kinh tế và chính sách tăng cường đầu tư và nhu cầu tiêu dùng. Ông nói:
“Chúng ta đang ở một khúc quanh mà điều cần thiết là phải thực hiện các quyết định khó khăn. Chúng ta phải cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô và củng cố những lực đẩy trong nước để duy trì mức tăng trưởng cao. Chúng ta phải tăng tốc tiến độ cải cách.”
Nhưng có những nghi ngờ về khả năng của chính phủ thực thi các quyết định khó khăn đó trên thực tế và đẩy mạnh các biện pháp cải cách, đã bị đình đốn trước đây vì các đối tác trong liên minh.
Một trong các đồng minh hay gây sự nhất đã yêu cầu hủy bỏ một đề nghị mới đây tăng giá hỏa xa và nhấn mạnh đến những khó khăn của chính phủ trong việc thực thi các biện pháp không được lòng dân.
Thủ tướng Manmohan Singh thừa nhận có các vấn đề trong việc đạt được sự đồng thuận chính trị về các biện pháp gây tranh cãi như cắt giảm trợ giá nhiên liệu và phân bón. Ông nói:
“Có những áp lực trong việc xử trí liên minh. Sẽ có những khó khăn, đã từng có các khó khăn, nhưng rốt cuộc nếu chính phủ muốn nắm quyền cai trị, thì phải có một sách lược bền vững để quản lý nền kinh tế.”
Với thành tích yếu kém trong trong các cuộc bầu cử khu vực mới đây, Đảng Quốc Đại đã trở nên yếu thế hơn trước áp lực của các đối tác trong liên minh.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ tỏ ý lạc quan rằng nền kinh tế quốc gia đang hồi phục sau tình trạng trì trệ bết bát trong năm vừa qua. Nhưng có những nỗi lo ngại rằng một chính phủ suy yếu vì các thất bại bầu cử mới đây và các đồng minh trong liên hiệp không tin cậy được có thể sẽ không có khả năng đưa nền kinh tế quay trở lại con đường tăng trưởng cao.