Theo như qui định của cơ quan kiểm soát và cấp bằng sáng chế tại Mumbai, công ty dược phẩm Ấn Độ Natco Pharma có thể sao chép thuốc gốc Nexavar và bán với giá chỉ bằng một phần nhỏ giá bán của công ty Bayer.
Thuốc được cấp bản quyền bằng sáng chế dùng để chữa trị ung thư gan và thận. Công ty Ấn Độ sẽ bán thuốc này với giá khoảng 175 đô la cho 120 viên so với giá 5.500 đô la của Bayer. Công ty Ấn Độ sẽ trả 6% tiền bản quyền cho Bayer.
Hành động này chấm dứt độc quyền của Bayer đối với thuốc Naxavar. Nhà chức trách Ấn Độ sử dụng một qui luật theo đó họ có thể cấp một “giấy phép bắt buộc” nếu thuốc không thể mua được với “một giá phải chăng.”
Đây là lần đầu tiên Ấn Độ áp dụng qui luật này. Cơ quan kiểm soát và cấp bằng sáng chế Ấn Độ cho hay rõ ràng hầu hết người trong nước không thể mua nổi thuốc này vì trươc đây rất ít bệnh nhân sử dụng thuốc.
Công ty Bayer tranh cãi rằng giá cả phải phản ánh chi phí nghiên cứu, tìm tòi và sáng chế chứ không chỉ căn cứ vào khả năng mua của công chúng. Công ty cho biết rất thất vọng về quyết định này và sẽ lượng giá nhiều giải pháp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của công ty tại Ấn Độ.
Quyết định của Ấn Độ được Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới hoan nghênh. Tổ chức này đang vận động để người dân những nước nghèo có thể mua được thuốc. Bà Leena Menghaney, giám đốc của tổ chức tại New Delhi nói phải có sự cân bằng giữa quyền sở hữu trí tuệ và quyền của bệnh nhân được tiếp cận với những loại thuốc mới, đắt tiền.
Bà Menghaney nói: “Điều cho thấy là trong hệ thống Ấn Độ có một cơ chế độc lập. Nếu có vấn đề với giá cả một loại thuốc đã được cấp bản quyền sáng chế, cũng lại có biện pháp điều chỉnh … Chúng tôi không thấy loại cơ chế này hoạt động tại các quốc gia đang phát triển khác và việc này sẽ khuyến khích Nam Phi và những quốc gia khác như Thái Lan chấp nhận hệ thống trong đó một công ty cạnh tranh có thể xuất hiện để cung cấp một loại thuốc phiên bản có thể mua được với giá rẻ hơn nhiều.”
Các nhà phân tích dược phẩm nói quyết định của Ấn Độ có thể đặt tiền lệ cho các công ty địa phương khác được cấp phép sản xuất thuốc phiên bản của các loại thuốc đắt tiền có bản quyền.
Việc này sẽ là một bước lùi đối với ngành công nghiệp dược phẩm đa quốc gia tại Ấn Độ. Những công ty dược phẩm lớn nhất thế giới đưa ra lập luận rằng họ trông cậy vào sự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để tài trợ cho chi phí cao về nghiên cứu.
Công nghiệp dược phẩm vẫn thúc đẩy phải bảo vệ bản quyền sáng chế mạnh hơn và đòi dưa ra những qui lệ để kìm hãm công nghiệp dược phẩm phiên bản của Ấn Độ.
Trong thập niên qua, Ấn Độ đã cung cấp thuốc rẻ, cứu sinh mạng cho nhiều bệnh nhân tại những quốc gia nghèo không thể mua thuốc với giá của phương Tây để chữa những chứng bệnh như HIV và bệnh sốt rét.
Hầu hết những thuốc này là thuốc phiên bản, sao chép những loại thuốc độc quyền được bản quyền sáng chế cấp tại Hoa Kỳ và châu Âu bảo vệ.
Ấn Độ đã cho phép một công ty dược phẩm trong nước chế tạo một thứ thuốc chống ung thư đắt tiền do công ty Bayer sáng chế. Theo như tường trình của Thông tín viên Anjana Pasricha từ New Delhi, hành động này gây hại cho bản quyền sáng chế của Bayer về loại thuốc này, nhưng lại được các nhà hoạt động ca ngợi vì làm cho thuốc rẻ hơn và giúp cho quảng đại quần chúng có thể mua được.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia gặp khó vì Trung Quốc không cam kết vốn
2Việt Nam dẫn độ cựu quân nhân tình nguyện tại Ukraine; phe đối lập Belarus quan ngại
3Nhiều người chuẩn bị tinh thần cho một cái Tết ‘tiết kiệm’
4Một số đại biểu Quốc hội đề xuất lập bảng lương riêng cho giáo viên, được hoan nghênh
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!