Đường dẫn truy cập

Ấn Độ trở thành nước nhập vũ khí lớn nhất thế giới


Một sĩ quan Ấn Độ nhìn thành phố Vladikavkaz của Nga qua một ống dòm trong chuyến đến thăm thành phố này
Một sĩ quan Ấn Độ nhìn thành phố Vladikavkaz của Nga qua một ống dòm trong chuyến đến thăm thành phố này

Ấn Độ đã nổi lên thành nước nhập vũ khí lớn nhất thế giới trong 5 năm vừa qua, theo một tổ chức khảo cứu của Thụy Điển. Thông tín viên đài VOA Anjana Pasricha tìm hiểu và ghi nhận vì sao Ấn Độ lại chi ra hàng tỷ đôla để mua vũ khí.

Vào đầu tháng tới, Ấn Độ sẽ chính thức đưa một tiềm thủy đĩnh hạt nhân vào lực lượng hải quân của mình. Thuê của Nga với giá khoảng 900 triệu đôla, chiếc tầu này sẽ tăng cường khả năng tác chiến của Ấn Độ bên dưới mặt nước. Chiếc tầu này cũng sẽ khiến Ấn Độ trở thành nước thứ sáu trên thế giới có một chương trình hoạt động như thế.

Chính việc mua các thiết bị quốc phòng tinh vi như tầu chiến và máy bay chiến đấu đã lèo lái Ấn Độ trở thành nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu trên thế giới.

Theo Viện Khảo cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Ấn Độ chiếm 10% thị trường vũ khí toàn cầu trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2011, qua mặt Trung Quốc trong tư cách khách hàng mua vũ khí lớn nhất thế giới.

Ông Rahul Bedi làm việc cho Tuần báo Quốc phòng Jane’s ở New Delhi nói rằng một phần động cơ khiến Ấn Độ mua vũ khí ồ ạt là sự cần thiết phải hiện đại hóa lực lượng vũ trang của họ và một phần là do các tham vọng của Ấn Độ muốn được kể là thuộc thành phần các cường quốc lớn trong khu vực, và thậm chí trên toàn cầu. Ông nói:

“Trong 10 năm vừa qua, với tư thế kinh tế ngày càng nổi bật, Ấn Độ đang tìm cách phóng ra bên ngoài không những lãnh vực quan tâm trực tiếp mà còn để trở thành một cường quốc trên châu lục thay vì chỉ là một cường quốc ở tiểu lục địa. Do đó việc Ấn Độ đang mua các thiết bị như hàng không mẫu hạm, máy bay thám thính hàng hải tầm xa, chuyên cơ hạng nặng, máy bay trực thăng tấn công, tất cả các chương trình biểu dương lực lượng này, đều nhắm xa hơn cơ sở trong nước.”

Trong khi Ấn Độ sẵn sàng chi khoảng 100 tỷ đôla trong 15 năm sắp tới để mua các hệ thống vũ khí mới, tất cả các công ty lớn về vũ khí trên toàn cầu đã lập cửa hàng tại Ấn Độ. Nga vẫn là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ, tiếp theo là Israel, Hoa Kỳ và Pháp.

Các chuyên gia phân tích quốc phòng nói Ấn Độ cũng chiếm một phần lớn khối lượng nhập vũ khí trên toàn cầu bởi vì nước này đã không xây dựng được một công nghiệp quốc phòng trong nước. Mặt khác, Trung Quốc đã gia tăng sản xuất vũ khí trong thập niên vừa qua, do đó giảm bớt sự lệ thuộc vào hàng nhập.

Nhưng Ấn Độ vẫn mua nhiều hơn 3/4 trong số toàn bộ vũ khí của họ ở nước ngoài. Các chuyên gia nói những nỗ lực hồi gần đây nhằm nuôi dưỡng một công nghiệp quốc phòng trong nước đã không đạt được mấy tiến bộ bởi vì khu vực tư nhân, được nhiều người coi là hữu hiệu hơn khu vực công, phần lớn đã bị gạt ra ngoài công cuộc sản xuất quốc phòng.

Ông Rahul Bedi nói công nghiệp quốc phòng Ấn Độ cần phải san bằng một khoảng cách khổng lồ về kỹ thuật:

“Cơ bản là Ấn Độ có khả năng kỹ thuật bình thường, nhưng lại không có các kỹ năng khai triển khi nói về các hệ thống vũ khí. Do đó, cần phải ít nhất từ 20 đến 30 năm nữ thì Ấn Độ mới đáp ứng được, cho dù là một cách vừa phải, nhu cầu về vũ khí của họ.”

Ấn Độ vừa dành riêng 38 tỷ đôla cho ngân sách quốc phòng của họ trong năm nay, tức là cao hơn năm trước đó 17%. Con số đó thấp hơn nhiều so với ngân sách hơn 100 tỷ đôla Trung Quốc dành cho chi phí quốc phòng.

Trong những năm vừa qua, các nước nhập vũ khí lớn nhất đều là các nước ở châu Á. Đó là Ấn Độ, sau đó là Nam Triều Tiên, Pakistan, Trung Quốc và Singapore.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG