HRF, KKK kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm

Ông Tô Hoàng Chương và Thạch Cương tại phiên tòa ở Trà Vinh ngày 20/3/2024.

Hai tổ chức nhân quyền vừa nộp đơn đề nghị Liên Hiệp Quốc xem xét trường hợp hai nhà hoạt động vì quyền của người Khmer Krom Tô Hoàng Chương và Thạch Cương bị chính quyền Việt Nam bỏ tù chỉ vì “các hoạt động ôn hòa” của họ.

Qũy Nhân quyền (HRF) và Liên đoàn Khmer Kampuchea-Krom (KKF) vừa nộp đơn chung tới Nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc về giam giữ tùy tiện (UNWGAD) thay mặt cho các nhà hoạt động vì quyền của người Khmer Krom bản địa Tô Hoàng Chương và Thạch Cương, HRF cho biết trong một thông báo hôm 22/10.

“Ông Tô Hoàng Chương và ông Thạch Cương bị kết án theo điều luật mơ hồ của Việt Nam, hình sự hóa việc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’”, bà Kaitie Holland, chuyên viên pháp lý quốc tế của HRF cho biết trong thông cáo.

“Việc hoàn toàn thiếu thủ tục tố tụng, đặc biệt là việc từ chối quyền có luật sư và coi thường các quyền cơ bản, khiến việc giam giữ ông Tô Hoàng Chương và ông Thạch Cương là vô căn cứ và tùy tiện”, vẫn lời bà Holland.

Trong đơn kiến nghị, HRF và KKF đề nghị UNWGAD điều tra vụ việc của hai ông và xác định rằng hai vụ bắt giữ này là tùy tiện, xét theo luật pháp quốc tế. Ngoài ra, bản kiến nghị còn kêu gọi UNWGAD tác động để Việt Nam trả tự do cho cả hai ông này ngay lập tức và đảm bảo rằng các quyền của họ được tôn trọng.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ bình luận về thông báo trên, nhưng chưa được phản hồi.

XEM THÊM: Việt Nam y án đối với hai ông Thạch Cương và Tô Hoàng Chương

Ông Tô Hoàng Chương và Thạch Cương là thành viên của nhóm bản địa Khmer Krom ở vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Hai ông ủng hộ việc công nhận người Khmer Krom là một nhóm bản địa, cũng như các quyền tự do tôn giáo và quyền tự do thực hiện văn hóa Khmer Krom.

Vào ngày 31/7/2023, công an tỉnh Trà Vinh đã bắt giam ông Tô Hoàng Chương và Thạch Cương tại nhà riêng ở trong tỉnh và buộc tội họ theo Điều 331 Bộ luật Hình sự Việt Nam với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

HRF, tổ chức nhân quyền có trụ sở tại New York, Mỹ, nhắc lại rằng hai ông bị tạm giam trước khi xét xử và không được tiếp cận với người thân hoặc luật sư trong gần 8 tháng.

Vào ngày 20/3/2024, một phiên tòa của Tòa án Nhân dân huyện Cầu Ngang phạt ông Chương 3 năm rưỡi tù, ông Cương 4 năm tù. Sau đó, hai ông kháng cáo và một phiên tòa phúc thẩm ở tỉnh Trà Vinh vào tháng 5/2024 xử y án hai ông.

“Ông Tô Hoàng Chương hiện bị giam tại Trại tạm giam Châu Bình, tỉnh Bến Tre, còn ông Thạch Cương bị giam tại Trại tạm giam An Phước, tỉnh Bình Dương, nơi họ bị hạn chế và giám sát chặt chẽ việc tiếp xúc gia đình”, theo tổ chức HRF.

Theo thông cáo báo chí của Liên đoàn Khmer Campuchia Krom (KKF), tổ chức bảo vệ quyền của người Khmer Krom có trụ sở tại Mỹ, nói rằng việc hai ông này phổ biến Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP) không phải là một hành vi phạm tội.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay không công nhận sự hiện diện của người bản địa tại Việt Nam và xem KKF là một “tổ chức phản động chống phá Nhà nước Việt Nam dưới nhiều hình thức”.

Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho biết cả ông Cương và ông Chương đã sử dụng mạng xã hội Facebook để phát trực tiếp các video clip, hình ảnh, cũng như chia sẻ các nội dung bị cho là “gây ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc, tôn giáo; xuyên tạc chính quyền, xuyên tạc lịch sử Việt Nam, xúc phạm uy tín của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam; xuyên tạc, xúc phạm uy tín của chính quyền địa phương”.

Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đã đưa hai ông Cương và Chương vào danh sách tù nhân lương tâm tôn giáo và liên tục vận động để hai ông được tự do. USCIRF cho rằng hai ông bị bắt vì các hoạt động cho nhân quyền và tự do tôn giáo, cụ thể là đã phổ biến Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP).

Ngoài ra, USCIRF cũng cho rằng hai ông ủng hộ quyền của các Phật tử Khmer Krom được thực hành tôn giáo của họ phù hợp với nền tảng dân tộc và văn hóa của họ và không đáng bị nhà nước can thiệp.