Nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam hôm 6/9 cho biết các biện pháp giúp khôi phục trật tự tại thành phố do Trung Quốc cai trị vừa được công bố trong tuần này mới là bước đầu tiên, trong khi đó, hàng ngàn người lại tập trung bên ngoài ga tàu điện ngầm để tiếp tục biểu tình sau nhiều tháng bất ổn và đụng độ có bạo lực.
Việc bà Lam rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi không thể xoa dịu một số nhà hoạt động và đám đông dự kiến sẽ tăng lên vào ban đêm khi trung tâm tài chính châu Á đón chờ các cuộc biểu tình vào cuối tuần này nhằm làm gián đoạn giao thông đến sân bay.
XEM THÊM: Trung Quốc phê chuẩn Hiệp ước dẫn độ với Việt Nam
Sân bay Quốc tế Hong Kong thông báo rằng chỉ những hành khách có vé mới được phép sử dụng dịch vụ tàu tốc hành đến sân bay vào ngày 7/9 từ trung tâm thành phố Hong Kong. Tàu này sẽ không dừng tại bán đảo Kowloon trên đường tới sân bay. Theo thông báo trên, dịch vụ xe buýt cũng có thể bị ảnh hưởng.
Các biện pháp này nhằm tránh tình trạng hỗn loạn giống như cuối tuần trước, khi những người biểu tình chặn đường đến sân bay, ném các vật cản lên đường ray và gây hư hại tuyến tàu điện công cộng ở thị trấn mới Tung Chung gần đó trong các cuộc đụng độ với cảnh sát.
“Bốn biện pháp nhằm mục đích đạt được một bước tiến trong việc giúp Hong Kong thoát khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan”, bà Lam nói với các phóng viên trong một chuyến đi đến vùng Quảng Tây phía nam của Trung Quốc. “Chúng tôi không thể ngăn chặn bạo lực ngay lập tức”.
Bà Lam hôm 4/9 đã rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi, trong đó cho phép đưa người dân Hong Kong đến Trung Quốc đại lục để xét xử tại các tòa án do Đảng Cộng sản cầm quyền kiểm soát, và công bố ba biện pháp khác để giúp giảm bớt khủng hoảng, bao gồm đối thoại với người dân.
Nhiều người biểu tình cam kết tiếp tục đấu tranh mặc dù dự luật dẫn độ đã bị rút, vì họ cho rằng sự nhượng bộ này là quá ít và quá muộn.
Một số nhà hoạt động và các nhóm ủng hộ dân chủ nói rằng họ sẽ không từ bỏ các yêu cầu của họ, với các cuộc biểu tình được lên kế hoạch vào tối ngày 6/9 tại các địa điểm trên toàn thành phố như ga tàu điện ngầm và gần trụ sở chính quyền.
Các cuộc biểu tình gây ra thách thức lớn nhất từ trước tới nay đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012.
Trong khi đó, các nhà chức trách nói rằng tình trạng hỗn loạn gây tác động xấu lên nền kinh tế Hong Kong, nơi này hiện phải đối mặt với suy thoái kinh tế lần đầu tiên trong một thập kỷ qua. Có bằng chứng cho thấy một số quỹ đang chuyển đến các trung tâm tài chính đối thủ của Hong Kong, chẳng hạn như Singapore.