Đường dẫn truy cập

Biểu tình Hong Kong và thế lưỡng nan của TT Trump


Người biểu tình Hong Kong phất cờ Mỹ trong một cuộc tuần hành chống bạo lực của cảnh sát
Người biểu tình Hong Kong phất cờ Mỹ trong một cuộc tuần hành chống bạo lực của cảnh sát

Tình hình Hong Kong không phải là mối bận tâm của Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn đang tập trung vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và không muốn vấn đề Hong Kong làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán – đó là lý do ông Trump không đưa ra sự ủng hộ rõ ràng đối với người biểu tình Hong Kong, theo giới phân tích.

‘Thái độ nước đôi’

Trong bài bình luận có tiêu đề ‘Donald Trump không có niềm tin sâu sắc nào về Hong Kong hay dân chủ. Ông ấy chỉ muốn tái đắc cử’ đăng trên tờ South China Morning Post, nhà báo Robert Delaney, trưởng đại diện của tờ này tại Mỹ, nhận định rằng Trump có thái độ ‘nước đôi’ (duplicity) trên vấn đề Hong Kong.

“Theo dõi những thông điệp của ông Trump về sự hỗn loạn ở Hong Kong thay đổi nhanh một cách chóng mặt, tôi thấy vừa buồn cười vừa tai hại,” ông Delaney viết.

Theo nhà báo này thì các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong ‘chắc chắn làm ông Trump bực mình’ vì ông có ‘sự đồng cảm rõ ràng đối với những nhà độc tài chuyên chế’.

“Tuy nhiên tình hình ở Hong Kong đã tiến triển đến mức ông ấy biết rằng nếu tiếp tục ủng hộ cách hành xử của Bắc Kinh trong cuộc đối đầu này thì hy vọng tái đắc cử của ông sẽ bị tổn hại,” nhà báo này phân tích.

Delaney lưu ý rằng chỉ trong vòng vài tuần, ông Trump đã đi từ gọi những cuộc biểu tình ở Hong Kong là ‘bạo loạn’ đến ‘đề xuất Tập Cận Bình ngồi xuống đàm phán với người biểu tình để giải quyết vấn đề Hong Kong một cách nhân đạo’.

Trao đổi với VOA, nhà báo Robert Delaney nói rằng Tổng thống Trump ‘đang rất cẩn trọng trong cách thức ông phản ứng về biểu tình ở Hong Kong’.

Cách của ông Trump hiện nay là ‘không thể hiện sự ủng hộ rõ ràng đối với cuộc biểu tình cũng như không công khai ủng hộ lập trường của Bắc Kinh’.

“Ông ấy ý thức rất rõ ý kiến của công chúng trên vấn đề này là như thế nào cho nên nếu ông ấy bày tỏ sự ủng hộ quá mức cho Bắc Kinh hay chính quyền Hong Kong thì cuối cùng điều đó sẽ làm tổn hại cơ hội của ông trong cuộc bầu cử tổng thống,” Delaney phân tích.

Mặt khác, cũng theo nhà báo này, Trump không thể ra mặt ủng hộ người biểu tình Hong Kong được vì ông ‘đang trong một nỗ lực tìm kiếm sự nhượng bộ của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại’.

“Ông ấy ý thức được rằng ủng hộ biểu tình Hong Kong thì sẽ không có được lợi gì trong cuộc chiến thương mại,” Delaney phân tích. Nhà báo này cũng cho rằng vấn đề thương mại đối với Trump ‘cao hơn rất nhiều’ so với biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong, cho nên người biểu tình, cho dù có hy vọng thế nào về sự giúp đỡ của Mỹ, cũng ‘không thể mong chờ nhiều từ ông Trump’.

Lời hứa của Trump với Tập

Các trợ lý hàng đầu của Tổng thống Trump đang thúc giục ông ủng hộ cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong, nhưng ông không quan tâm, tờ Politico dẫn lời những người thạo tin các cuộc tranh luận nội bộ trong chính quyền cho biết.

Tờ báo này nêu tên cụ thể John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia, và một số cố vấn kinh tế đã thúc đẩy ông Trump có lập trường quả quyết hơn đối với các cuộc biểu tình ở Hong Kong.

Tuy nhiên, họ nhận thấy vấn đề này không gây hứng thú gì đối với vị tổng thống vốn tập trung hơn vào các cuộc đàm phán thương mại với Chủ tịch Tập Cận Bình – và lo lắng rằng nếu ông chỉ trích những nỗ lực của nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm dập tắt bất đồng ở Hong Kong thì sẽ làm hỏng cơ hội ông đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trong mùa đông này, cũng theo Politico.

Khi các cuộc biểu tình ngày càng leo thang, Tổng thống Trump vẫn quyết tâm không để các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc làm phức tạp thêm cuộc đàm phán thương mại của ông.

Nhưng sau đó, Trump đưa ra một loạt phát biểu mâu thuẫn về Hong Kong, trong đó có lời kêu gọi ông Tập ‘xử lý vấn đề Hong Kong một cách nhân đạo’.

Đó là tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ nhất mà Trump gửi tới người biểu tình đòi dân chủ, theo nhận định của Politico.

“Tất nhiên, Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận,” ông Trump viết trên Twitter về cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa hai nước. “Hãy xử lý nhân đạo với Hong Kong trước đã!”

Trong một dòng tweet sau đó, Trump nói thêm: “Tôi biết rất rõ Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông ấy là một nhà lãnh đạo tuyệt vời, người rất tôn trọng người dân đất nước ông ấy. Ông cũng là người tốt trong ‘công việc khó khăn’. Tôi không nghi ngờ gì nếu Chủ tịch Tập Cận Bình muốn giải quyết vấn đề Hồng Kông một cách nhanh chóng và nhân đạo, ông ấy có thể làm được. Gặp riêng?”

Trong cuộc điện đàm với ông Tập vào tháng Sáu, Tổng thống Trump đã khiến các trợ lý ngạc nhiên khi ông nói với Tập rằng sẽ không lên án Trung Quốc nếu nước này đàn áp ở Hong Kong. Ông nói ông hiểu đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc mà Hoa Kỳ sẽ không can thiệp, vẫn theo Politico.

Cam kết ngẫu hứng của tổng thống gây ra sự nhập nhằng trong nội bộ chính quyền. Các trợ lý không biết chắc liệu có khung thời gian nào đó trong lời hứa im lặng của ông Trump hay không.

Các tín hiệu lẫn lộn từ Trump đã dẫn đến những tuyên bố trái ngược từ các cơ quan khác nhau trong chính quyền - khi các quan chức Mỹ cố gắng tránh vi phạm lời cam kết mà Trump đã đưa ra với Tập.

Khi được yêu cầu bình luận về Hong Kong, một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump chỉ nói chung chung rằng ‘các quyền tự do biểu đạt và hội họp là những giá trị cốt lõi mà chúng tôi chia sẻ với người dân Hong Kong và những quyền tự do này cần được bảo vệ. Hoa Kỳ kiên quyết bác bỏ quan điểm cho rằng chúng tôi đang tài trợ hoặc kích động các cuộc biểu tình.”

Các cựu quan chức của cả hai đảng đã chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền Trump đối với Trung Quốc, mặc dù có sự đồng thuận rộng rãi rằng Mỹ cần cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Daniel Russel, từng là trợ lý an ninh quốc gia cấp cao của Tổng thống Barack Obama, chỉ trích ‘sự thiếu mạch lạc trong chính quyền, cộng với sự thiếu hiểu biết thực sự về cách thức hoạt động của Trung Quốc’, và cho rằng điều này sẽ ‘không dẫn đến kết quả tốt’.

Hôm 13/8, ông Trump dường như tuân theo cam kết với ông Tập hồi tháng 6 khi liên tục đề cập các cuộc biểu tình mới nhất ở Hong Kong mà không lên án chính phủ Trung Quốc ngay cả khi có tin Bắc Kinh đã điều cảnh sát vũ trang đến sát Hong Kong.

“Nhiều người đang đổ lỗi cho tôi và Mỹ về những vấn đề đang xảy ra ở Hong Kong. Tôi không hiểu được tại sao?” Ông Trump tweet. “Thông tin tình báo của chúng tôi cho biết Chính phủ Trung Quốc đang chuyển quân đến biên giới Hong Kong,” ông viết thêm vài phút sau đó, “Mọi người nên bình tĩnh và an toàn!”

‘Nội bộ không nhất quán’

Tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược giữa Nhà Trắng và các cơ quan khác của chính quyền về Hong Kong đã diễn ra. Những bình luận của ông Trump rõ ràng ít quyết đoán hơn so với các tuyên bố của Bộ Ngoại giao, cũng theo tờ báo này.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao hôm 14/8 nói rằng hành động của các nhà lãnh đạo Trung Quốc chứng tỏ họ không tuân thủ các cam kết của mình.

“Họ không giữ lời và họ thất hứa,” vị quan chức chính thức này được Politico dẫn lời nói. Điều này đi ngược mong muốn của Tổng thống Trump là xử lý thương mại và nhân quyền như hai hồ sơ riêng biệt.

Quan điểm của tổng thống được Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nói rõ trong chương trình ‘Squawk Box’ của kênh CNBC Box hôm 14/8 rằng Hoa Kỳ không có vai trò gì trong cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Hong Kong và gọi đó là vấn đề nội bộ.

“Tổng thống Trump thay vì nháy đèn đỏ lại bật đèn xanh, và điều đó không bền vững trong chính trị Mỹ,” ông Mike Green, người từng là quan chức cấp cao trong Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền George W. Bush, được Politico dẫn lời nói.

Mặc dù tổng thống không đạt được nhượng bộ gì từ ông Tập vào tháng 6 khi ông cam kết sẽ giữ im lặng về Hong Kong, một số quan chức Nhà Trắng cho rằng ông Trump đang hy vọng thái độ của mình sẽ khiến Tập Cận Bình phối hợp cùng giải quyết tranh chấp thương mại, theo Politico. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có Trump mới nhượng bộ với việc trì hoãn áp thuế lên một phần trong 300 tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc mà ông tuyên bố sẽ đánh thuế kể từ ngày 1/9.

Ông Mike Green so sánh chiến lược này với cách làm mà Tổng thống Trump đã áp dụng với nhà độc tài Triều Tiên Kim Jong Un ở Singapore khi ông hứa sẽ hủy bỏ các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc – một động thái khiến Seoul và Lầu Năm Góc bất ngờ - trong nỗ lực ‘lấy lòng’ ông Kim.

Một quan chức chính quyền Trump thừa nhận với Politico rằng ông Trump ‘chắc chắn quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh kinh tế’ của mối quan hệ Mỹ-Trung. “Ông ấy ưu tiên các cuộc đàm phán thương mại hơn cả - đó là ưu tiên số một của ông ấy. Nếu ông ấy ý thức rằng điều này (Hong Kong) sẽ gây cản trở - đó là điều mà Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ - ông ấy sẽ ra quyết định dựa trên chỗ nào mà vấn đề đó được đưa vào phù hợp và tương ứng với thỏa thuận thương mại của ông ấy.”

Nhưng không rõ liệu những nhượng bộ này của Mỹ sẽ mang lại kết quả mà ông Trump đang muốn có về thương mại hay không.

Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của ông Trump, biện hộ cho lập trường của người Sếp cũ.

“Tổng thống Trump đang cố gắng tạo lập trật tự và ổn định khi ông trải qua quá trình tái cấu trúc đồ sộ kinh tế Trung Quốc và kinh tế thế giới. Ông ấy không thể làm người hét ra lửa được – chỉ đi sai một nước cờ thì tình hình có thể bùng nổ. Đảng Cộng sản Trung Quốc không chấp nhận trách nhiệm bằng bất cứ giá nào. Họ phải đổ lỗi cho Hoa Kỳ là ‘bàn tay hắc ám’ phía sau tất cả những điều này. Đó là lý do tại sao tổng thống phải đặt mình ở trên xung đột.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG