Chuyến công du của ông Lý cách đây 2 tuần là để chứng tỏ sự quan tâm của Bắc Kinh đối với 6 triệu cư dân ở Đặc khu Hành chánh này của Trung Quốc.
Thay vì thúc đẩy thiện chí như đã định, sự hiện diện của nhân vật được nhiều người cho là sẽ kế nhiệm Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào năm 2012 đã gây ra một sự náo động trong công chúng, tập trung vào những khẳng định về sự tàn ác của công an và đàn áp các quyền tự do báo chí.
Bà Mak Yin-ting là chủ tịch Hội Ký giả Hong Kong. Bà nói tuy là điều thường xảy ra ở Hoa lục, các chiến thuật đàn áp của cảnh sát là một vấn đề mới nổi lên ở Hong Kong.
Bà nói: “Có rất nhiều vụ sách nhiễu quyền tự do báo chí cũng như quyền tự do phát biểu. Và chúng tôi lo ngại rằng đó không phải chỉ là những trường hợp đơn lẻ của công an tiền tuyến, mà nó là sự thay đổi về chính sách truyền thông.”
Các cơ quan truyền thông bị cấm không được tham gia gần một nửa trong các sự kiện có sự tham dự của ông Lý. Theo bà Mak, do đó nguồn tin tức duy nhất về phần lớn chuyến công du là sản phẩm đã được sàng lọc của bộ thông tin chính phủ.
Khác với năm 2003, khi ông Ôn Gia Bão hòa nhập một cách tự do với dân chúng ở Hong Kong, một loạt những khu vực cấm đi lại đã được công an lập ra, ngăn cấm giới truyền thông và công chúng đến gần vị khách đang ghé thăm.
Tại khu gia cư Lan Đình, ông Lý Khắc Cường được nghe giới trung lưu than phiền về sự bất lực của chính phủ trong việc ưu tiên hóa giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là vấn đề cách biệt giàu nghèo ngày càng tăng. Cảnh sát đã bắt giữ một người vì mặc áo thun mang khẩu hiệu ủng hộ vụ nổi dậy ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Các nhân viên công an cũng bị cáo buộc đã tấn công và giam giữ sái phép 3 sinh viên của trường Đại học Hong Kong hôm 18 tháng 8, nhốt họ trong một hầm cầu thang trong lúc ông Lý dự lễ kỷ niệm 100 năm của trường.
Trường này là nơi nhiều nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh của Hong Kong đã theo học, và cách đối xử với các sinh viên vừa kể đã khơi ra một sự phản ứng của các cựu sinh viên.
Khoảng 270 cựu sinh viên trong khắp các ngành chính trị đã dùng một bài quảng cáo nguyên một trang trên báo hồi tuần trước lên án sự kiện được gọi là vụ 818. Trong số này có cựu bộ trưởng giáo dục Fanny Law, nay là Phó chủ tịch Quốc hội ở Bắc Kinh.
Hôm thứ hai, Bộ trưởng An ninh Ambrose Lee đã buộc phải công bố trong một cuộc họp đặc biệt của ủy ban an ninh của Hội đồng rằng Bắc Kinh đã không ra lệnh cho vụ trấn át chính trị.
Bà Mak Yin-ting nói các nỗ lực hạn chế tai hại của chính quyền của hành chánh trưởng quan Tăng Ấm Quyền chỉ châm ngòi thêm cho những chỉ trích nhắm vào chính phủ của ông.
Bà nói: “Càng ngày, các giới chức chính phủ càng không dám đối mặt với giới truyền thông hay giải thích các chính sách với công chúng thông qua giới truyền thông. Càng ngày họ càng dùng các nguồn tin, các cuộc họp kín, để tránh né công chúng, và nếu cần, tránh né trách nhiệm.”
Tuy nhiên, một số giới chức đang bênh vực các hành động của chính phủ.
Phụ tá của hành chánh trưởng quan Tăng Ấm Quyền, và là người có triển vọng thay thế ông vào năm tới, ông Henry Tang đã bác bỏ những lời chỉ trích và gọi những lời cáo buộc vi phạm dân quyền là “thậm vô lý.”
Giới hoạt động cho nhân quyền ở Hong Kong đã gay gắt chỉ trích chính quyền địa phương sau chuyến thăm mới đây của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Họ cho rằng những hạn chế đối với báo chí và an ninh cẩn mật trong chuyến thăm là thí dụ rõ ràng cho sự xói mòn ngày càng nhiều các quyền tự do dân sự đã được ghi trong luật pháp khi chủ quyền của Hong Kong được Anh Quốc giao hoàn cho Trung Quốc vào năm 1997.