Sau 9 tháng chính phủ Hồng Kông đi tìm một giám đốc điều hành truyền thông đầy đủ khả năng để thay thế cho ông Franklin Wong giám đốc đài đã ra đi, ông Roy Tang đã bắt đầu tuần lễ làm việc đầu tiên trong tư cách giám đốc truyền thông của tổ chức này hôm thứ Hai.
Nhưng một số ký giả làm việc ở mạng lưới truyền thông này nói là cựu Phó Bộ trưởng Lao động và An sinh năm nay 47 tuổi không hội đủ điều kiện trong chức vụ này và đòi ông từ chức.
Ông Simon Lee là phó chủ tịch nghiệp đoàn nhân viên chương trình của đài RTHK. Ông lý luận rằng sự thù nghịch phát sinh từ quan niệm cho rằng ông Tang, một người không có kinh nghiệm về truyền thông, được bổ nhiệm vì động lực chính trị chứ không hội đủ điều kiện để giữ chức vụ như vậy.
Ông nói: ”Trong tư cách giám đốc đài phát thanh, truyền hình RTHK, nhân vật này phải đảm đương việc bình luận về chính sách. Và để cho một giới chức chính phủ, một công chức thư lại chuyên nghiệp giữ chức vụ này, điều đó có nghĩa là thay vì bảo vệ quyền tự do bình luận, chúng tôi rất lo ngại là tân giám đốc của đài sẽ bênh vực chính sách của chính phủ."
Mặc dù được cai quản như một phân bộ trong chính phủ, RTHK có một truyền thống độc lập trong việc bình luận chính trị đối với cấp chỉ huy.
Tính độc lập đó xuất phát từ những truyền thống tự do ngôn luận và tự do báo chí của thuộc địa Anh, những quyền mà Bắc Kinh đồng ý gìn giữ khi phần đất này được giao trả về cho chủ quyền của Trung Quốc năm 1997, theo nguyên tắc một quốc gia hai hệ thống.
Tuy nhiên càng ngày người ta càng lo ngại là nguyên tắc hai hệ thống đó đang bị đe dọa.
Mới đây chính phủ đã bày tỏ sự bất dung chấp ngày càng tăng đối với những đòi hỏi cải tổ bầu cử và dường như tỏ thái độ đàn áp quyền tự do bày tỏ ý kiến.
Tháng trước các ký giả và những người tranh đấu cho nhân quyền đã tố cáo cảnh sát bắt nạt các ký giả và người biểu tình trong chuyến viếng thăm chính thức của phó thủ tướng Trung quốc Lý Khắc cường.
Ông Alan Leong là lãnh đạo của đảng Công Dân. Ông coi việc bổ nhiệm ông Tang là đỉnh cao của một loạt những quyết định của chính phủ Hồng Kông để lấy lòng Bắc Kinh.
Ông nói: ”Càng ngày người ta càng thấy Bắc Kinh xen lấn vào nội tình của Hồng Kông. Tích lũy từ nhiều hành động, tôi thấy chính quyền Hồng Kông đang tìm cách hạn chế tầm hoạt động của những người thuộc xã hội dân sự.”
Lên tiếng sau khi được bổ nhiệm trong tuần qua, ông Tang nói ông lạc quan về việc ông có thể làm việc với toán nhân viên mới và nêu cao tính độc lập trong những bình luận chính trị.
Ông nói: ”Tôi sẽ giữ quan điểm cởi mở về tất cả mọi khía cạnh công việc của đài phát thanh và truyền hình Hồng Kông. Là tổng biên tập, tôi tin là sẽ phải bảo vệ quyền này."
Với nhân viên của đài hiện đang đe dọa đưa vụ việc ra nghiệp đoàn, lần đầu tiên trong lịch sử 83 năm của tổ chức truyền thông này, thái độ lạc quan đó của ông dường như không được đặt đúng chỗ.
Kể từ năm 1928, cơ quan mà sau này trở thành đài Phát Thanh và Truyền hình Hồng Kông RTHK đã được coi là một trong những cơ quan truyền thông công độc lập nhất về chính trị của Á châu. Nhưng việc bổ nhiệm giám đốc mới của đài đã làm nảy sinh sự chống đối từ giới ký giả, vì họ cho rằng vụ bổ nhiệm này là một dấu hiệu nữa cho thấy các quyền tự do truyền thông của phần đất do Trung Quốc kiểm soát đang bị xói mòn.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1