Hai nhà sư Tenchum và Tsering Tenzin bị truy tố về tội “xúi giục và trợ giúp” cho cái chết của Rigzin Phuntsog.
Nhà sư 16 tuổi này đã chết hồi tháng 3 sau khi nổi lửa tự thiêu tại tu viện Kirti trong tỉnh Tứ Xuyên ở Trung Quốc, gần biên giới giáp với Tây Tạng.
Các nhà sư Phật giáo Tây Tạng ở thiền viện Kirti đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình công khai chống lại quyền của Bắc Kinh từ hồi tháng 3 năm 2008, khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc kịch liệt nhất từ cả một thế hệ bị dập tắt dã man trong khắp các vùng có người sắc tộc Tây Tạng sinh sống ở Trung Quốc.
Ông Robert Barnett là một chuyên gia phân tích về Tây Tạng tại trường Đại học Columbia ở New York. Ông nói các vụ truy tố này là khác thường, ngay cả trong những khu vực Tây Tạng, nơi một cáo buộc chính thức có nghĩa gần như chắc chắn là bị kết tội.
Ông Barnett nói: “Tình hình có vẻ như chúng ta sẽ thấy các giới chức địa phương hay có thể là các giới chức cấp trung ương đã quyết định dùng những vụ này để làm gương răn đe cho những người Tây Tạng khác muốn biểu tình.”
Vụ xử hôm nay tiếp theo vụ xử người chú của nhà sư Drongdru, một vị lạt ma tại tu viện. Ông này đã bị kết án 11 năm tù về tội cố sát sau một phiên xử kéo dài 1 ngày hồi hôm qua.
Tân Hoa Xã tường thuật rằng nhà sư Drongdru, 46 tuổi, đa che giấu người cháu 11 tiếng đồng hồ sau khi định tự thiêu, khiến nhà sư Phuntsog không được chữa trị để cứu sống.
Giới hoạt động đã chống lại lời cáo buộc này, và nhấn mạnh rằng các nhà sư đã cứu nhà sư Phuntsog khỏi tay cảnh sát Trung Quốc, bắt đầu tấn công ông sau khi dập tắt ngọn lửa. Ông Nicholas Bequelin là một nhà khảo cứu kỳ cựu của tổ chức Human Rights Watch.
Ông Bequelin nói: “Vụ xử này rõ ràng là một sự leo thang về mặt trả thù cho những vụ tự thiêu và lần đầu tiên ta nghe thấy về một hành động như thế từ phía chính quyền.”
Trước đây, đa số những người Tây Tạng can dự vào các cuộc biểu tình đều bị truy tố theo luật an ninh quốc gia. Những người theo dõi tình hình Tây Tạng nói rằng những truy tố về tội cố sát đánh dấu một sự thay đổi đáng kể về sách lược của các công tố viên dẫn đến những án tù dài hạn hơn. Oâng Bequelin nói sự kiện này dường như nằm trong khuôn khổ một nỗ lực lớn hơn của các giới chức địa phương muốn nắm quyền kiểm soát tu viện Kirti.
Ông Bequelin nói tiếp: “Tôi nghĩ một trong các mục tiêu của vụ bắt giữ này là để phá sự hỗ trợ tinh thần cho Kirti, nơi đã tỏ ra là một trung tâm rất ngoan cường của bản sắc và tôn giáo Tây Tạng. Trước đây trong năm, chính quyền đã bắt giữ mấy trăm nhà sư và làm họ mất tích, thật ra là nhốt họ trong một cơ sở của nhà nước và tiến hành cuộc tẩy não chính trị.”
Vào lúc đó, các giới chức Trung Quốc nói rằng các nhà sư cần phải trải qua một quá trình học tập về luật pháp vì đã bất tuân hành các luật lệ Phật giáo Tây Tạng và phá rối trật tự trị an ở địa phương. Sau những lời phản đối của Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền về những vụ bắt giữ, Bắc Kinh đã kêu gọi giới chỉ trích ngưng đưa ra những “nhận định vô trách nhiệm.”
Các vụ xử diễn ra tiếp theo một tháng thay đổi chính trị đáng kể trong những vấn đề Tây Tạng. Tuần trước, Bắc Kinh bãi chức ông Trương Khánh Lê, bí thư thành ủy Lhasa có chủ trương cứng rắn đã ra lệnh cho vụ đàn áp năm 2008.
Người kế nhiệm ông Trương, cựu tỉnh trưởng Hà Bắc, Trần Toàn Quốc, đã cam kết trong bài diễn văn đầu tiên sau khi nhậm chức “sẽ kiên quyết thi hành các mệnh lệnh của Trung ương Đảng và các chính sách liên quan đến Tây Tạng.”
Trong khi đó, cộng đồng Tây Tạng sống lưu vong đã bầu cho ông Lobsang Sangay làm thủ tướng mới hôm 8 tháng 8.
Ông Bequelin nói: “Dĩ nhiên, ông này không bén gót được Đức Đạt lai Lạt ma về danh tiếng và sự kính trọng. Do đó, không rõ ông sẽ huy động được bao nhiêu nguồn vốn chính trị từ bên trong Tây Tạng.”
Vị luật sư học tại Harvard này là nhà lãnh đạo Tây Tạng đầu tiên sinh ở nước ngoài, và dự trù sẽ tiếp nhận nhiều nhiệm vụ thế tục của Đức Đạt lai Lạt ma đã già yếu. Chưa rõ rồi ra Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao với những thay đổi trong chính phủ lưu vong Tây Tạng.
Các nhà sư Tây Tạng bị Trung Quốc đưa ra xét xử về vụ tự thiêu
- Ivan Broadhead
Sau vụ một nhà sư trẻ của Tây Tạng tự thiêu trước đây trong năm nay để phản đối việc Bắc Kinh hạn chế quyền tự do tôn giáo, hôm nay có thêm 2 nhà sư nữa sẽ bị đưa ra xét xử tại Trung Quốc về tội có động cơ chính trị. Từ Hong Kong, thông tín viên VOA Ivan Broadhead ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.