Hội nghị thượng đỉnh Paris khai mạc hôm nay sau các cuộc biểu tình tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó những người biểu tình hối thúc các nhà lãnh đạo chính trị đạt được một hiệp ước để ngăn chặn nạn tăng nhiệt toàn cầu. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA tường thuật.
Tại Paris, cảnh sát đã dùng lựu đạn cay để giải tán những người biểu tình gần địa điểm hội nghị. Những cuộc biểu tình tại các địa điểm khác cũng bị cấm dựa trên luật lệ khẩn cấp được áp dụng sau vụ tấn công khủng bố gây tử vong cho 130 người.
Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở Brussels, tuy giới hữu trách Bỉ cấm chỉ những cuộc tụ tập đông người ở các thành phố lớn. Một người biểu tình ở Brussels phát biểu như sau.
"Cấm hay không cấm thì chúng tôi cũng biểu tình ở Paris. Biểu tình bị cấm ở Paris. Biểu tình bị cấm ở Brussels. Tại Osten, biểu tình cũng bị cấm, nhưng chúng tôi vẫn biểu tình bởi vì chúng tôi tin rằng khí hậu là quan trọng hơn mọi thứ khác."
Tại London, những người biểu tình đã trương những biểu ngữ nhiều màu sắc để thu hút sự chú tâm đối với những khía cạnh khác nhau của hoạt động bảo vệ môi trường.
Những nhân vật tranh đấu ở Brazil đã tổ chức những sự kiện để phản đối nạn phá rừng và những hoạt động khai thác dầu đá phiến, trong đó có một cuộc tuần hành dọc theo bãi biển Copa Cabana ở Rio de Janeiro và một cuộc tuần hành xe đạp ở tiểu bang Parana.
Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm qua đã đón tiếp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Nhà lãnh đạo Pháp phát biểu như sau.
"Chúng tôi đã nhận thấy có những những tiến bộ trong nhiều tháng qua. Chúng tôi nhìn thấy những dấu hiệu của hy vọng và tôi phải nói là lập trường của Canada nằm trong số những dấu hiệu hy vọng này."
Nhiều người trong số hơn 150 nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị, kể cả Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, đã bày tỏ lạc quan là một thoả thuận đang nằm trong tầm tay, sau nhiều năm tranh cãi về những phí tổn của việc giảm thiểu lượng khí thải carbon.
Mặc dầu vậy, một số nhà lãnh đạo e rằng hiệp định chung cuộc sẽ không đủ mạnh.
Ông Anton Hofreiter, dân biểu thuộc Đảng Xanh trong Quốc hội Đức phát biểu như sau.
"Tôi nghĩ rằng sẽ có một hiệp định tại hội nghị khí hậu, nhưng nó sẽ là một hiệp định yếu, không đủ mạnh để làm cho lối sống của chúng ta được ổn định."
Nhiều nhân vật tranh đấu môi trường muốn việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch được giảm dần rồi loại bỏ hẳn vào năm 2050 và chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo.