PARIS—Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến Paris vào cuối ngày Chủ nhật với sức nặng của một di sản về khí hậu mà ông mong muốn để lại sau nhiệm kỳ của mình, cùng với kỳ vọng rằng những quốc gia lớn và nhỏ, giàu và nghèo, có thể đến với nhau quanh lý tưởng chung là bảo vệ hành tinh.
"Điều làm cho hội nghị này khác biệt là hơn 180 quốc gia đã đệ trình kế hoạch giảm phát thải độc hại góp phần gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Và sự lãnh đạo của Mỹ đang giúp thúc đẩy tiến bộ này," ông Obama nói.
Trong một thông điệp đăng trên Facebook hôm Chủ nhật, Obama nói ông "lạc quan về những gì chúng ta có thể đạt được" tại Hội nghị của Liên Hiệp Quốc ở thủ đô của nước Pháp.
Không giống như ở Copenhagen, nhà lãnh đạo của Mỹ sẽ cùng những nguyên thủ khác khai mạc hội nghị thượng đỉnh với sự tham dự của 195 quốc gia, một hành động mà các quan chức Tòa Bạch Ốc hy vọng sẽ tạo động năng cho một kết cục thành công trong hai tuần đàm phán.
"Chúng tôi biết sẽ phải cần một phương thức mới để tập hợp tất cả các quốc gia cùng hành động," Paul Bodnar, Giám đốc Cao cấp đặc trách Năng lượng và Biến đổi Khí hậu của Hội đồng An ninh Quốc gia, phát biểu.
Mục tiêu khí hậu toàn cầu
Mục tiêu của hội nghị là hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu trung bình tới mức 2 độ C, có lẽ ít hơn, so với mức tiền Cách mạng Công nghiệp, bằng cách hạn chế lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch bị cho là gây nên tình trạng biến đổi khí hậu.
Chỉ trong năm nay, cơ quan thời tiết của Liên Hiệp Quốc cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng lên 1 độ C, bằng phân nửa giới hạn mà Liên Hiệp Quốc đang tìm cách áp đặt.
Nhưng việc thông qua những biện pháp kiểm soát bắt buộc trên toàn thế giới hãy còn chưa chắc chắn tại hội nghị Paris. Một nỗ lực tại Copenhagen vào năm 2009 nhằm soạn thảo một thỏa thuận toàn cầu đã thất bại tại một hội nghị thượng đỉnh với những chia rẽ giữa các nước giàu và nghèo.
"Chúng tôi kết luận rằng những mục tiêu khí hậu cần phải do chính các nước đặt ra, không phải áp đặt lên họ; rằng tất cả các nước cần được kỳ vọng là sẽ hành động ngay cả khi những nước đang phát triển phải đối mặt với những thách thức riêng biệt, và rằng chúng ta nên kỳ vọng sự minh bạch và trách nhiệm mạnh mẽ từ tất cả các nước," ông Bodnar nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo.
Ông ghi nhận khoảng 170 nước, chiếm 90 phần trăm của lượng phát thải toàn cầu, giờ đã đặt ra những mục tiêu sau năm 2020 mà sẽ giúp hạn chế "mức tăng nhiệt độ toàn cầu tới mức 2,7 độ C đến cuối thế kỷ này, so với 4,1 tới 4,8 độ nếu không có hành động."
Ngày thứ Hai, Tổng thống Obama sẽ hội kiến các nhà lãnh đạo của hai nước phát thải carbon lớn nhất thế giới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, để tiếp nối những cuộc đàm phán về khí hậu được tổ chức trong năm qua.
Sứ mệnh Cải tiến
Ông Obama, ông Modi và ông Tập cũng sẽ cùng những nhà lãnh đạo thế giới khác ngày thứ Hai công bố "Sứ mệnh Cải tiến," một chương trình nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch, với trọng tâm là những nước đang phát triển cần công nghệ vừa túi tiền để hạn chế phát thải.
Trưởng cố vấn về khí hậu của Tổng thống, Brian Deese, cho biết 20 nước hiện cam kết sẽ tăng gấp đôi đầu tư của chính phủ nước họ cho nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch trong vòng năm năm tới.
Ông cho biết những quốc gia này đại diện khoảng 75 phần trăm lượng phát thải carbon dioxide toàn cầu từ ngành điện và khoảng 80 phần trăm nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch toàn cầu, hay 10 tỉ đôla mỗi năm.
"Sứ mệnh Cải tiến" sẽ hoạt động kết hợp với "Liên minh Năng lượng Đột phá" - một nỗ lực của khu vực tư nhân do Bill Gates lãnh đạo, cũng bao gồm những nhà lãnh đạo kinh doanh toàn cầu như Jack Ma, Ratan Tata, và Richard Branson.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc nói rằng liên minh, với tài sản tổng cộng trị giá khoảng 350 tỉ đôla, cam kết đầu tư vào những dự án năng lượng sạch ở giai đoạn đầu, rủi ro cao để đưa chúng từ phòng thí nghiệm ra ngoài thị trường ở những nước tham gia Sứ mệnh Cải tiến.
Phát biểu với báo giới hôm Chủ nhật, ông Deese cho biết đầu tư của Mỹ trong công nghệ năng lượng sạch đã khiến giá của những bộ phận sản xuất điện mặt trời giảm đi 80 phần trăm và giá diode phát quang (LED) giảm đi 90 phần trăm ra sao, nói rằng điều tương tự có thể được thực hiện trên quy mô toàn cầu.
"Chúng ta không chỉ thực hiện những bước triển khai năng lượng sạch thông qua viện trợ phát triển, mà khu vực công và tư đang đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch để giảm giá thành của những công nghệ có thể triển khai được và làm cho thị trường năng lượng sạch có thể tự túc và phát triển mạnh mẽ ở những nước đang phát triển," cố vấn khí hậu của ông Obama phát biểu.
Ông Deese nói chú trọng vào sự tiếp cận cho những nước đang phát triển là điều trọng yếu để đạt được một thỏa thuận chung ở Paris.
An ninh ở Paris
Chuyến thăm của ông Obama tới Paris diễn ra sau những vụ tấn công khủng bố của Nhà nước Hồi giáo giết chết ít nhất 130 người vào ngày 13 tháng 11.
Pháp nói rằng khoảng 2.800 cảnh sát và binh sĩ đang bảo vệ địa điểm hội nghị Le Bourget, và 6.300 người khác sẽ triển khai khắp Paris. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết gần 1.000 người bị cho là đề ra những rủi ro an ninh đã bị từ chối nhập cảnh Pháp.
Hôm Chủ nhật, những người biểu tình nắm tay nhau ở trung tâm thủ đô nước Pháp trong bối cảnh an ninh được thắt chặt. Nhưng những cuộc biểu tình ôn hòa biến thành bạo lực. Cảnh sát xịt hơi cay vào một số người biểu tình và bắt giữ khoảng 100 người.
Với việc nhà chức trách Pháp cấm những cuộc tuần hành, những người biểu tình, trong đó có Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, để lại khoảng 20.000 đôi giày trên mặt đất tại Quảng trưởng Cộng hòa. Ban tổ chức biểu tình cho biết tổng cộng những đôi giày nặng bốn tấn và có một đôi do Vatican gửi thay mặt Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Tổng thống Obama và Tổng thống Pháp François Hollande dự kiến sẽ thảo luận về chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo trong bữa ăn tối làm việc vào ngày thứ Hai.
Trong một cuộc họp báo chung ngày 24 tháng 11 với ông Hollande, Tổng thống Obama nói rằng hội nghị khí hậu sẽ gửi một thông điệp thống nhất toàn cầu sau những vụ tấn công ở Paris.