Hỏi đáp Y học: Hít khói thuốc lá thụ động

Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Trong chương trình hôm nay, bác sĩ Hiền giải đáp thắc mắc của thính giả Ðỗ Tuấn về việc ‘hút khói thuốc lá thụ động’.

Thính giả Ðỗ Tuấn gởi e-mail đến câu hỏi như sau:

“Kính chào Bác sĩ Hồ Văn Hiền,

Tôi làm cho cơ quan nhà nước. Phòng làm việc của tôi là phòng làm việc chung, đóng kín, và mở điều hòa (air conditioner), nhưng luôn luôn có nhiều người hút thuốc lá trong phòng làm việc, tại chỗ ngồi làm việc. Tôi không thể nhắc nhở những người hút thuốc ra ngoài hút, bởi số những người không hút thuốc chỉ là thiểu số, số người hút thuốc chiếm đa số, lại gồm sếp của tôi. Vì vậy, ngày làm việc 8 tiếng, tôi thường xuyên phải chịu đựng khói thuốc lá. Lâu ngày hít phải khói thuốc lá bị động như vậy, gần đây tôi bị ho kéo dài, hít phải khói thuốc lá thì chắc chắn là bị ho.

Với triệu chứng bệnh như vậy, xin bác sĩ chỉ dẫn cách điều trị, nên ăn gì, uống gì để giảm bớt tác hại của hút thuốc lá bị động. Tôi nghe nói, uống nước chè xanh có thể giảm bớt tác hại của hút thuốc lá bị động, xin hỏi bác sĩ có nên như vậy không?

Xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều.”


Bác sĩ Hồ Văn Hiền giải đáp:

Hít khói thuốc lá thụ động (passive smoking):

Your browser doesn’t support HTML5

Hỏi đáp Y học: Hít khói thuốc lá thụ động


Khói thuốc lá chứa trên 4000 hoá chất, kể cả những điếu thuốc nhẹ, mà người ta cho là có hàm lượng dầu hắc (tar) và nicotine thấp. Người chia sẻ không gian cùng người ngậm điếu thuốc cũng chia sẻ luôn tác dụng của các hoá chất đó trên cơ thể của mình. Lý do là phổi của chúng ta là một nơi mà thuốc men hay hoá chất có thể theo không khí hít vào, tác dụng trực tiếp trên các tế bào phổi, được hấp thụ vào máu và đi thẳng vào cơ thể mà không bị giải độc (qua gan) như lúc chúng ta ăn/ uống qua đường tiêu hoá.

Trong những hoá chất đó có thể kể ra những chất gây ung thư như các hydrocarbon thơm nhiều nhân (polynuclear aromatic hydrocarbons), những chất góp phần gây ung thư và làm khó chịu các tế bào (cocarcinogen and irritant) như phenol, cresol; những chất kích thích hoặc ức chế nội tiết thần kinh (neuroendocrine stimulant and depressant) như nicotine, indole, carbazole; những chất làm trở ngại chuyên chở oxygen và dùng oxy như carbon monoxide. Ngoài ra còn những chất độc cho lông tế bào phổi (“ciliated columnar cells” có nhiệm vụ "quét" các đàm nhớt ra khỏi các phế quản bị các chất ciliotoxin gây độc) và làm chúng 'khó chịu"(irritant).

Trên con người, khói thuốc lá có thể có những hâu quả như sau:

Bệnh tim mạch:
Xơ động mạch vành (coronary artery atherosclerosis; động mạch vành là các động mạch nuôi dưỡng trái tim); làm gia tăng tác hại của những bệnh tim mạch khác như: cao huyết áp, bệnh cao mỡ trong máu, bệnh máu đông cục trong động mạch vành, bệnh rối loạn nhịp tim; làm tác dụng thuốc beta blocker (dùng để trị bệnh cao huyết áp, làm cho thuốc kém hiệu nghiệm).

Ung thư: Hút thuốc lá càng nhiều thì cơ nguy ung thư phổi càng cao. Ví dụ hút 1 gói/ ngày tăng 10 lần, 2 gói/ngày tăng 25 lần.Các ung thư khác cũng tăng: như thanh quản (laryngeal cancer), miệng, hầu (pharyngeal cancer), thực quản, bọng đái, thận, tuỳ tạng (pancreatic cancer), dạ dày, cổ tử cung, ung thư máu (leukemia), gan, da, âm hộ (vulvar cancer).

Hệ hô hấp:
● Bệnh nghẽn phổi mãn tính (COPD); Bệnh này đặc biệt quan trọng đối với những xứ đang phát triển như Việt Nam vì tỷ số người hút thuốc lá cao và tăng, môi trường ô nhiễm nặng do khói xe, khói kỹ nghệ, khói trong nhà do bếp than củi, các chất khí hoá học. Người bệnh thường tuổi trung niên hoặc người già. Bệnh nhân có thể có ít hoặc nhiều triệu chứng. Với thời gian, bệnh càng nặng thêm: ho dai dẳng, ho đàm (đờm), khó thở, bậm môi thở phì phò (lip pursing, puffing), cảm giác ngộp thở, hụt hơi, "hơi thở ngắn" (dyspnea, shortness of breath), nhất là nếu làm việc gì nhọc nhằn, thì dễ cảm thấy hụt hơi, thở khò khè, nghe như tiếng vi vu, "wheezing", do không khí đi từ phổi ra ngoài không thông suốt.
● Thuốc lá làm bệnh suyễn nặng hơn, gây viêm miệng (stomatitis), viêm thanh quản mãn tính (chronic laryngitis)
● Thuốc lá làm gia tăng tỷ số các bệnh nhiễm trùng phổi, cúm, nhiễm trùng sau khi phẫu thuật, khí trong màng phổi (pneumothorax).
Thai nghén:
● Hiếm muộn (infertility)
● Thai chậm lớn
● Hư thai
● Trẻ sơ sinh chết đột ngột không rõ nguyên nhân (SIDS)
● Trẻ lớn chậm, phát triển chậm trong những năm đầu đời.
Hệ tiêu hoá:
● Đau loét bao tử nhiều hơn (peptic ulcer diseases)
● Loét lâu lành hơn
● Tràn dịch thực quản bao tử
● Dùng thuốc trị loét bao tử kém hiệu nghiệm hơn (H2 antagonists như Pepcid, Zantac)

Các tác dụng khác:
● Mau già, da nhăn sớm
● Xốp xương (osteoporosis)
● Rối loạn cơ năng tính dục (sexual dysfunction)
● Bệnh Graves (tuyến giáp trạng lớn, mắt lồi)
● Mắt cườm khô (cataract), võng mạc thoái hoá
● Thoái hoá xương sống
● Giấc ngủ rối loạn (1)

Trở về câu hỏi của thính giả, khói thuốc lá thụ động là một lý do có thể gây ho kéo dài. Tuy nhiên, chúng ta không thể xem đây là lý do duy nhất trong một trường hợp cá biệt nào đó. Bệnh nhân cần đến nhờ bác sĩ khám bệnh và xem xét kỹ lưỡng xem có nguyên nhân nào khác không, hoặc đi kèm theo. Ví dụ, ở Mỹ, người ta nhận thấy đến 10-30% các trường hợp thanh thiếu niên hay người lớn ho kéo dài, nhất là ho đến mức ói mữa (post-tussive cough) là do bệnh ho gà (do vi khuẩn Bordetella pertussis). Chúng ta quen với ý tưởng rằng bệnh ho gà chỉ xảy ra ở trẻ con, và bệnh nhân có tiếng ho đặc biệt như tiếng gà gáy ("whoop", tiếng hơi rít vào cổ họng). Những trường hợp hiện nay, không có tiếng whoop đó, nhưng có thể ho dữ dội, kéo dài, làm sưng phổi và khó thở. Bác sĩ thử máu để xác nhận (đo kháng thể gia tăng trong máu). Phòng ngừa bằng cách chích thuốc chủng ngừa Tdap (viết tắt Tetanus=phong đòn gánh/uốn ván, diphteria= bạch hầu, acellular pertussis: [acellular= không chứa tế bào vi trùng ho gà, pertussis= ho gà]). Tdap chích cho người 11-12 tuổi hoặc lớn hơn.

Bệnh suyễn (asthma), bệnh cuống phổi nhạy cảm (reactive airway), bệnh mũi dị ứng (allergic rhinitis) chảy nhớt xuống phía sau cổ họng (post nasal drip) cũng có thể làm ho kéo dài. Tất nhiên, bệnh lao (tuberculosis) cũng là một vấn đề phổ biến ở Việt Nam.

Tôi thiết nghĩ, nếu chúng ta bắt buộc phải làm việc trong môi trường nhiều người hút thuốc lá thì chỉ có mấy giải pháp:
● hoặc chúng ta yêu cầu, năn nỉ, tranh đấu để người khác đừng hút;
● hoặc chúng ta xin làm việc chỗ khác;
● hoặc làm cho nơi làm việc thoáng khí hơn (ventilation), như gắn máy hút hơi, tắt máy lạnh và mở cửa sổ.
● hoặc mang mặt nạ (khẩu trang) lúc làm việc.

Tạo nên ý thức về việc hút thuốc lá gây hại cho sức khoẻ của mình cũng như của người khác là một quá trình nhiều mặt (giáo dục y tế, luật lao động,..). Những nước như Trung Quốc và Việt Nam có lẽ còn lâu lắm mới thực hiện được như ở Mỹ.

Ở Việt nam có chừng 15 triệu người hút thuốc và 40.000 người chết vì thuốc lá mỗi năm (con số này có thể sẽ tăng lên 70.000/năm vào năm 2030), và VN là một trong những nước hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới (2). Cũng may là luật cấm hút thuốc lá trong trường học, bệnh viện và nơi làm việc được thông qua từ tháng 5/2013. Hy vọng luật này sẽ giúp cho những trường hợp như quý vị thính giả đặt câu hỏi hôm nay.

Về dinh dưỡng, nếp sống, ngoài những hướng dẫn thông thường (như ăn uống vừa phải, không nhiều quá không ít quá, ăn trái cây tươi, rau xanh đầy đủ hàng ngày, tránh rượu chè thái quá, vận động cơ thể thường xuyên), có những chất gọi là phytochemicals tìm thấy trong bắp cải (cauliflowers,cabbage, bok choy, broccoli) có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư. Một số chất antioxidant gọi là flavonoids và carotenoids chứa trong cam, đu đủ, trái đào (peach), quýt (tangerine), ớt đỏ, cà rốt cũng có thể giảm khả năng ung thư. Rau xanh đậm như broccoli, spinach có chứa chất folic acid (thiên nhiên ) được chứng minh là giảm ung thư.

Ngoài ra tôi không tìm ra được biện pháp gì đặc biệt để chúng ta có thể vừa sống với khói thuốc hàng ngày, vừa tránh được tác dụng gây hại của khói thuốc lá.
Chúc quý vị thính giả may mắn.

Bác sĩ Hồ văn Hiền
Ngày 24 tháng 9 năm 2013

(1) Theo V. Krishna, Textbook of Pathology
(2) Viet Nam finally implements sweeping new smoking laws http://vietnamnews.vn/society/238839/viet-nam-finally-implements-sweeping-new-smoking-laws.html

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

------------------------------------------------------

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.