Your browser doesn’t support HTML5
Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.
Thính giả Huỳnh Ngọc Tuấn ở Quảng Nam Email đến câu hỏi về bệnh tiểu đường như sau:
“Thưa Bác sĩ
Tôi tên Huỳnh Ngọc Tuấn, 55 tuổi, hiện ở Tam Kỳ- Quảng Nam, cân nặng 48- 50kg, cao 1m64.
Tôi bị bệnh tiểu đường túyp 2 đã hơn 10 năm.
Hiện nay mỗi ngày tôi uống 2 viên Diamicron 30mg vào buổi sáng.
Tập thể dục buổi chiều 30 phút mỗi ngày, chỉ số đường huyết 150- 170mg/dl, sau ăn 2h, nếu giữ nghiêm ngặt khẩu phần là 1 chén cơm đầy + một khúc cá+ một lát thịt nhỏ và một chén canh rau. Và cứ 3h ăn nhẹ một miếng bánh nếu không sẽ tụt đường huyết.
Có một Bác sĩ khuyên tôi nên uống một viên Diamicron vào buổi sáng, buổi trưa uống một viên Metformin 500mg sau khi ăn.
Xin hỏi Bác sĩ tôi có nên làm theo chỉ dẫn đó không?
Có phương pháp gì tốt hơn mong Bác sĩ và quý Đài chỉ giúp.
Xin đa tạ.”
Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:
Choice of treatment of diabetes type 2 in 55 y.o. patient.
Bệnh nhân 55 tuổi, nam, Body Mass Index (BMI) 17.85 (CN 48kg, cao 164cm), underweight (BMI dưới 18.50), tiểu đường týp 2, uống 60mg gliclazide (Diamicron) buổi sáng, đường máu 150-170mg 2 giờ sau khi ăn, hỏi có nên ướng thêm metformin 500mg sau khi ăn trưa không?
Như mọi khi, tôi xin khẳng định rằng tôi không thể tư vấn về cách chữa bệnh cho riêng một người nào đó. Tôi chỉ xin bàn một số điểm để chúng ta cùng học hỏi, hoàn toàn với mục đích thông tin mà thôi.
1) Về mức đường máu 2 giờ sau khi ăn (2 hour-postprandial glucose level): người ta khuyến cáo nên giữ < 140mg (7.8)cho người <50 tuổi, <150mg (8.3 mmoles) cho người 50-60 tuổi, và < 160mg/dl (8.9 mmoles) cho người trên 60 tuổi.
2) Hemoglobin A1c: để có một ước lượng về mức đường được kiểm soát có tốt không trong một thời gian dài đáng kể, người ta đo mức Hemoglobin A1c của người đó.
Bình thường, một phần nhỏ hemoglobin (huyết sắc tố mang trong hồng cầu) của chúng ta dược gắn kế với đường glucose (4-6%), gọi là glycohemoglobin. Ở người bị tiểu đường tỷ số này cao hơn. Đa số bác sĩ cho rằng cách tốt nhất để đánh giá sự kiểm soát mức đường trong máu người bệnh tiểu đường là bằng cách đo một glycohemoglobin gọi là A1c hemoglobin của người đó. Người ta đo A1c hemoglobin, 3-4 tháng một lần, và mức hemoglobin A 1c không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn, mới xảy ra trước đó như ăn, ít hơn, nhiều hơn, tập thể thao nhiều ít, thay đổi thuốc.
● Ở ngườibình thường, Hemoglobin A1c< 5.7%,
● Prediabetes (có cơ nguy sẽ bị tiểu đường) 5.7-6.4.
● Tiểu đường: Hemoglobin A1c > 6.5%
Hội Tiểu đường Mỹ (ADA)khuyên nên thực hiện mức dưới 7% cho người lớn bệnh tiểu đường. Nếu cao hơn 7%, nên nhờ bác sĩ điều trị điều chỉnh lại cách trị liệu.
3) Thuốc Diamicron MR là một loại nhóm sulfonylurea thế hệ thứ 2, tác dụng kích thích tế bào beta của tuỳ tạng (pancreatic beta cells) tiết ra insulin; không bán bên Mỹ. Thuốc tác dụng chừng 12 giờ, và không dùng cho người yếu gan hoặc yếu thận.
Hiện nay, các bs ở Mỹ được khuyến cáo dùng thuốc metformin là thuốc hàng đầu (first line drug) cho bệnh tiểu đường mới được định bệnh.
Thuốc Metformin mới hơn, tác dụng bằng cách giảm sự sản xuất ra glucose mới từ gan (hepatic gluconeogenesis) và ít gây hạ đường máu hơn (hypoglycemia). Thuốc cải thiện mức đường cao lúc đói cũng như sau khi ăn (fasting and postprandial hypoglycemia),cũng như mức mỡ triglycerides ở người mập, mà không làm lên cân như các loại sulfonylurea.Thuốc không được dùng ở người yếu cơ năng thận hay gan, có thể gây chứng nhiễm axit lactic [lactic acidosis].
Viên metformin: 500mg, 850mg, 1000mg. Bác sĩ tăng liều từ từ để đạt kết quả thích hợp, thường uống 1- 3 lần / ngày (24 h), cùng với thức ăn cho đỡ xót ruột. Liều tối đa là 2550 milligram/ngày; thường thường bs cho dùng dưới 2000mg/ngày.
4) Nên để ý: về hoạt động thân thể (physical activities) cần phải tập đều đặn, chừng 30 phút mỗi ngày. Có thể hoạt động theo sở thích như làm vườn, dọn dẹp nhà cửa, đi bộ nhanh (brisk walking), bơi,đạp xe đạp, học lớp aerobic, nhảy múa, bất cứ việc gì làm ra mồ hôi ít nhiều, làm nhịp tim đập nhanh hơn (theo American Diabetes Association).Nếu chỉ tập cho có, lơ là có thể không hiệu nghiệm mấy.
Hoạt động cơ thể trên 150 phút/ tuần giúp giảm nguy cơ phát bệnh tiểu đường, giúp kiểm soát bệnh lúc đã phát bệnh, hạ huyết áp, và giảm các bệnh tim mạch.
5) Vitamin D có thể đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát bệnh tiểu đường.Nếu có phương tiện, người ta đo mức vitamin D trong máu (25 OH D) và cố gắng giữ trên 30 ng/ml. Ở ngoài nắng đủ lâu để da phỏng nhẹ (mild sunburn) cũng giúp cơ thể chúng ta tạo ra chừng 20,000 đơn vị vitamin D. Chúng ta (người lớn, 19-65 t ) cần chừng 600 đơn vị mỗi ngày (thức ăn hoặc uống thuốc bổ), mức an toàn chừng < 4000 units/ ngày (The Endocrine Society, Practice Guideline, 2011).
Tóm lại, metformin có thể là một lựa chọn tốt giúp kiểm soát đường máu cho bệnh nhân tiểu dường typ 2.Trường hợp thính giả cần hỏi trực tiếp bs của mình. bác sĩ có thể nghĩ đến thử hemoglobin A1c, dùng metformin thay thế cho thuốc đang dùng nếu kết quả hiện nay không như ý muốn.Bệnh nhân cần được hướng dẫn để tập thể thao, hoạt động thể chất đều đặn, ở mức nặng nhọc (intensity) đáng kể, thích hợp với mình; ngoài ra bệnh nhân cân nhẹ so với chiều cao, cần để ý đến cách ăn uống, xem mức vitamin D đủ hay chưa, vì các bằng chứng gần đây cho thấy vitamin D có thể đóng vai trò trong bệnh tiểu đướng.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 21 tháng 5 năm 2013
Đọc thêm:
1) Diabetes Health Center
http://diabetes.webmd.com/glycohemoglobin-ghb#hw8435
2)Ideas for exercise
http://www.diabetes.org/food-and-fitness/fitness/ideas-for-exercise/
3) Julie Chen: Is Vitamin D good for diabetics?
http://www.huffingtonpost.com/julie-chen-md/vitamin-d-diabetes-_b_2220128.html
4) The Endocrine Society, Clinical Practice Guideline
http://www.medscape.org/viewarticle/802995?src=wnl_cme_cmewm_obgy
--------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.