Việt Nam đã cắm cột mốc biên giới lấn từ 5 mét - 50 mét vào sâu bên trong lãnh thổ Campuchia trong những năm 1980, theo kết luận của một nhà nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm Hoàng gia Campuchia hôm 31/1.
Theo Tiến sĩ Sok Touch, Giám đốc ban nghiên cứu biên giới của Viện hàn lâm Hoàng gia Campuchia, hiện có 3 nhóm cột mốc biên giới riêng biệt ở biên giới Việt Nam-Campuchia: nhóm được thực hiện trong thời kỳ thực dân Pháp, nhóm được thực hiện trong thời Cộng hòa Nhân dân Campuchia, tức khoảng thời gian từ năm 1985 – 1987, và nhóm cột mốc do chế độ hiện nay thực hiện.
Tiến sĩ Sok Touch nói hầu hết các cột mốc được thực hiện trong thời Cộng hòa là đều do phía Việt Nam cắm. Rất nhiều trong số này được cắm lấn sâu vào bên trong lãnh thổ của Campuchia. Ông Touch nói:
“Thật không công bằng. Một số cột mốc được cắm lấn vào 5 mét, một số lấn 10 met, nhiều cột mốc khác lấn từ 20 mét - 50 mét vào bên trong lãnh thổ Campuchia.”
Tiến sĩ Sok Touch cho rằng có thể do chưa có hệ thống định vị toàn cầu vào thời điểm đó nên đã dẫn đến những sai sót trên. Ông Touch nói thêm rằng Việt Nam đã không cắm thêm cột mốc biên giới nào lấn sang Campuchia kể từ cuối thập niên 1980.
Trong khi đó, nhà lập pháp đối lập của Campuchia, ông Um Sam An, nói các cột mốc biên giới trên thực tế lấn sang Campuchia sâu hơn rất nhiều so với công bố trên.
Hồi tháng 7, ông Sok Touch được chỉ định làm trưởng nhóm 9 người của Viện hàn lâm Hoàng gia Campuchia để nghiên cứu về các bản đồ và cột mốc biên giới giữa Việt Nam và Campuchia nhằm chấm dứt những tranh cãi và chia rẽ trong xã hội Campuchia về vấn đề này.
“Người ta lên án tôi là một nhà nghiên cứu bán mình cho Hun Sen”, ông Touch nói với tờ Cambodia Daily. “Chúng tôi sẽ tổ chức họp báo để giải thích rõ sự thật cho mọi người”.
Hồi tháng 9, ông Touch đã bị một người gửi tin nhắn qua Facebook dọa giết. Người đàn ông này sau đó đã bị chính quyền Campuchia bỏ tù.
Dự kiến, Tiến sĩ Sok Touch và nhóm của ông sẽ công bố kết quả nghiên cứu vào thứ Năm tuần này.
Theo Phnom Penh Post, Cambodia Daily.
Your browser doesn’t support HTML5