Đường dẫn truy cập

Chính sự Campuchia vẫn như cũ, ông Rainsy tiếp tục ở nước ngoài


Lãnh tụ đối lập Sam Rainsy, chưa định ngày trở về Campuchia. (Ảnh tư liệu)
Lãnh tụ đối lập Sam Rainsy, chưa định ngày trở về Campuchia. (Ảnh tư liệu)

Lãnh tụ đối lập Campuchia, ông Sam Rainsy, tố cáo đảng cầm quyền là tiến hành một cuộc đảo chánh hiến pháp sau khi một tòa án địa phương ra trát bắt ông và một ủy ban quốc hội truất quyền đại biểu của ông. Trong một tin nhắn trên Facebook, nhà chính trị này nói đảng cầm quyền đang có những biện pháp tìm cách loại trừ đảng đối lập chính trong nước. Từ Phnom Penh, Thông tín viên VOA Robert Carmichael gởi về bài tường thuật.

Lãnh tụ đối lập Sam Rainsy ban đầu dự định trở về Campuchia hồi khuya thứ Hai sau khi đi thăm Nhật Bản và Nam Triều Tiên – nhưng ông đã hoãn chuyến đi sau khi một tòa án ra trát bắt ông vào ngày thứ Sáu, và một ủy ban quốc hội dưới quyền kiểm soát của đảng cầm quyền sau đó đã tước quyền miễn tố và ghế đại biểu của ông.

Ông Rainsy chưa định lại ngày trở về.

Hôm thứ Tư, nhật báo Cambodia Daily loan tin các cuộc thương nghị đang được xúc tiến để đi đến một thỏa thuận giữa lãnh tụ đối lập và Thủ tướng độc tài Hun Sen, người đã cai trị đất nước 3 thập niên.

Vụ giằng co này là cao điểm của nhiều tuần lễ căng thẳng gia tăng giữa đảng cầm quyền và phe đối lập. Cuối tháng trước, các nhà lập pháp thuộc đảng Nhân dân Campuchia CPP cầm quyền đã biểu quyết bãi chức ông Kem Sokha, nhân vật số 2 của đảng đối lập, ra khỏi ghế quốc hội của ông.

Ít ngày trước đó, một đám đông hỗn loạn đã đánh đập 2 nhà lập pháp đối lập vào lúc họ rời khỏi quốc hội, trong khi cảnh sát và nhân viên bảo vệ an ninh khoanh tay đứng nhìn. Cuối ngày hôm đó, một đám đông đã tấn công vào tư thất của ông Sokha – cảnh sát làm ngơ trước những lời kêu cứu của vợ ông bị kẹt bên trong nhà.

Nhiều người cho rằng đảng cầm quyền CPP đã ra lệnh cho những vụ tấn công đó, mặc dầu một phát ngôn viên của đảng này phủ nhận điều ấy.

Thủ tướng độc tài Hun Sen đã cai trị Campuchia 3 thập niên.
Thủ tướng độc tài Hun Sen đã cai trị Campuchia 3 thập niên.

Chuyên gia phân tích chính trị Ou Virak, người sáng lập tổ chức nghiên cứu The Future Forum, nói rằng sự bất đồng hiện nay rất giống với các hành động của đảng cầm quyền trước các cuộc bầu cử năm 2008 và 2013.

Ông Virak nói: “Các hành động đó đã có tác dụng kỳ diệu trước đây – vì thế mà ông Hun Sen coi nó như một trang trong một vở kịch cũ, và chắc chắn một cách nào đó ông trở lại áp dụng chiến thuật cũ đã giúp ông một cách dễ dàng, không tốn kém, bằng cách chỉ đưa ra những cáo buộc pháp lý với một tòa án mà ông nắm trọn quyền kiểm soát.”

Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia đối lập, còn gọi tắt là CNRP, đã làm đảng cầm quyền sửng sốt khi suýt thắng cuộc tổng tuyển cử năm 2013, chỉ thua có 300.000 phiếu, tức là khoảng 4% số cử tri.

Ông Virak nói đảng cầm quyền nhận ra rằng cam kết đưa ra năm 2013 hứa thực thi cải cách tỏ ra khó thực hiện, và đó là lý do vì sao bây giờ đảng này muốn tìm cách chia rẽ phe đối lập trước cuộc bầu cử năm 2018.

Ông Virak cho biết: “Sau cuộc bầu cử năm 2013, mà kết quả rất xít xao, đảng CPP nghĩ họ có thể thực sự cứu xét các cải cách và tìm cách thu hút cử tri trẻ tuổi. Tôi nghĩ họ đã nhận thức được rằng thực tế khó hơn nhiều, nhất là với một hệ thống tham nhũng thâm căn mà họ đã xây dựng, và duy trì. Vì thế bây giờ họ đang trở lại sử dụng các chiến thuật cũ, các chiến thuật cũ dơ bẩn, đó là lợi dụng các tòa án mà họ nắm toàn quyền kiểm soát, để sách nhiễu pháp lý ông Sam Rainsy, chiến thuật đã có tác dụng thần kỳ trước đây và ngày nay vẫn có đem lại hiệu quả.”

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon mô tả trát bắt ông Rainsy và các vụ tấn công trước đó nhắm vào các nhà lập pháp đối lập là “những diễn biến đáng lo ngại”.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon mô tả trát bắt ông Rainsy và các vụ tấn công trước đó nhắm vào các nhà lập pháp đối lập là “những diễn biến đáng lo ngại”.

Đêm qua, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã mô tả trát bắt ông Rainsy và các vụ tấn công trước đó nhắm vào các nhà lập pháp đối lập là “những diễn biến đáng lo ngại,” và kêu gọi cả hai đảng nối lại các cuộc đàm phán.

Năm vừa qua là một năm rất khó khăn cho phe đối lập: 15 nhà hoạt động đã bị bỏ tù hồi đầu năm sau khi bị buộc tội nổi loạn, và một thượng nghị sĩ đang chờ ra tòa về cáo trạng làm giả chứng từ công cộng. Các vụ này được nhiều người coi là có động cơ chính trị.

Trát bắt ông Rainsy có liên quan đến một quyết định của tòa án năm 2011 xử khiếm diện ông, trong đó ông bị xét thấy can tội phỉ báng và bị tuyên phạt 2 năm tù sau khi tuyên bố rằng Ngoại trưởng Hor Namhong đã giúp điều hành một nhà tù Khmer Đỏ dưới chế độ bạo tàn của Pol Pot vào thập niên 1970.

Tuy nhiên, bản án đó được nhiều người cho là đã được bãi bỏ trước cuộc bầu cử năm 2013, khi ông Rainsy được hoàng gia ân xá và được phép trở về nước để ra tranh cử.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG