Hoa Kỳ đã có những bước nhằm tăng cường các quan hệ công nghiệp quốc phòng với Hà Nội và New Dehli, dọn đường cho công nghệ quốc phòng Mỹ tiến vào hai thị trường đang phát triển này, trong khi cùng lúc, củng cố các quan hệ chính trị với hai quốc gia đang ngày càng lo ngại hơn về những hành động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.
Bình luận về chuyến công du Châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter, trang mạng chuyên về tin tức quốc phòng Defense News nói tại cả hai nước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã ký thoả thuận khung xác định quan hệ quân sự với Washington trong tương lai.
Nhưng các giới chức Ngũ Giác Đài lưu ý rằng thoả thuận Mỹ đạt được với Ấn Độ đi sâu vào chi tiết hơn so với thỏa thuận với Việt Nam, trang mạng viện dẫn hiệp định quân sự 10 năm với Ấn Độ, bao gồm việc hoàn tất các chi tiết của thoả thuận để cùng sản xuất hai công nghệ mới. Đó là một bộ trang phục chống vũ khí sinh-hóa học dành cho binh sĩ, và một loại máy phát điện dã chiến dùng năng lượng mặt trời. Cả hai dự án nằm trong khuôn khổ một chương trình đặc biệt được phát động vào năm 2012 và do chính ông Carter, thời đó là Phó Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ, thực hiện để tăng cường quan hệ quốc phòng với Ấn Độ.
Nói chuyện với các nhà báo, một giới chức quốc phòng Mỹ nói đây chỉ là bước đầu cho những kế hoạch lớn hơn trong tương lai.
Ông Richard Fontaine, Chủ tịch Trung tâm New American Security, nhận định rằng tuy trị giá của hai dự án vừa kể không mấy đáng kể, tổng cộng mỗi nước chi ra 1 triệu đôla cho cả hai dự án, nhưng ý nghĩa của chúng lớn hơn nhiều, bởi vì đây là một nỗ lực “mang tính chiến lược và rộng lớn hơn”.
Chính phủ Mỹ và Ấn Độ đã thành lập các nhóm cộng tác để tham gia các dự án về công nghệ chế tạo hàng không mẫu hạm và động cơ cho máy bay chiến đấu, là các dự án mà theo ông Fontaine, có tầm quan trọng rất đáng kể.
An ninh biển là chủ đề chính trong chuyến công du nước ngoài kéo dài 10 ngày của Bộ trưởng Carter, bao gồm chặng dừng chân ở Việt Nam. Tại đây, ông Carter nhấn mạnh vấn đề an ninh biển Đông và kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc xây đảo nhân tạo.
Thoả thuận mà Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter ký với Việt Nam tuy không cụ thể như thoả thuận với Ấn Độ, nhưng cũng đề cập tới các dự án chung để phát triển công nghiệp quốc phòng.
Thoả thuận này nêu rõ hai nước sẽ nới rộng việc trao đổi các sản phẩm quốc phòng, kể cả hợp tác sản xuất một số công nghệ và thiết bị mới, "dựa trên luật hiện hành và những hạn chế về chính sách" hiện có.
Trang Defense News trích lời một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), cô Phương Nguyễn, nói rằng thoả thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ rất đáng khích lệ, nhưng cô cảnh giác rằng một biên bản ghi nhớ năm 2011- hướng dẫn quan hệ quân sự Việt-Mỹ, đã không được thực thi một cách đầy đủ. Cô Phương Nguyễn nói:
“Sẽ còn một số thách thức trên thực địa bởi vì hai quân đội chưa xây dựng được một mức độ tin cậy lâu dài với nhau.”
Cô Nguyễn bày tỏ lạc quan về khả năng của Việt Nam có thể tích cực đóng góp vào các dự án chung với Mỹ, viện dẫn sự hợp tác với Nga trong việc sản xuất các tàu lớp Molniya, là bằng chứng Việt Nam có đủ khả năng công nghiệp để tham gia các dự án hợp tác quốc phòng với Mỹ. Cô cho rằng các dự án này sẽ cho phép Hoa Kỳ chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và rốt cuộc, điều này sẽ tăng niềm tin giữa hai quân đội.
Theo các số liệu của Ngũ Giác Đài, Việt Nam hiện mua 90% các thiết bị quân sự cần thiết từ Nga.
Nguồn: Defense News, The Advocate.
Your browser doesn’t support HTML5