Mỹ điều tra các thương vụ ngân hàng những năm trước suy thoái

Khoản tiền phạt dự tính là 13 tỷ đôla mà ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ đã đồng ý đóng cho chính phủ có liên hệ đến các thương vụ tài chính lỏng lẻo trong những năm trước cuộc suy thoái trầm trọng của Hoa Kỳ chỉ là một trong nhiều cuộc điều tra đang diễn tiến.

JPMorgan Chase đã thương lượng khoản tiền phạt với Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ hồi cuối tuần qua. Đây là khoản tiền phạt lớn nhất từ trước đến giờ mà một công ty Hoa Kỳ phải đóng.

Nhưng chính phủ đã từ chối đề nghị của ngân hàng chấm dứt một cuộc điều tra hình sự xoay quanh chất lượng của các chứng khoán bán cho các nhà đầu tư bao gồm hàng ngàn khoản cho vay để mua nhà mà nguời vay không trả được. Sự kiện này khiến các chứng khoán gần như vô giá trị.

Chuyên gia phân tích ngân hàng Bert Ely nói với đài VOA rằng trong những năm trước cuộc suy thoái kinh tế Hoa Kỳ vào 2008, các ngân hàng thường tham gia vào những vụ xét duyệt sơ sài về khả năng tài chính của người vay nợ truớc khi cho họ vay tiền.

Ông Ely nói: “Có rất nhiều thua lỗ. Và bất cứ khi nào có thua lỗ thì các nhà đầu tư chịu thua lổ bắt đầu truy tầm kẻ xấu. Và chẳng may có rất nhiều kẻ xấu trong doanh nghiệp tài trợ địa ốc, và trong mọi khía cạnh, thì JPMorgan chỉ là một trong nhiều kẻ xấu.”

Ông Ely nói “một trong những điều trớ trêu” là một phần vấn đề của JPMorgan là họ đã mua lại, theo lời yêu cầu của chính phủ, 2 cơ sở tài chính thua lỗ, là ngân hàng đầu tư Bear Stearns và Ngân hàng Washington Mutual.

Nhưng JPMorgan nay chịu trách nhiệm về các tập tục cho vay tại 2 ngân hàng, cũng như các hành động của chính mình.

Chính phủ cũng đang cứu xét các tập tục cho vay và bán chứng khoán tại các ngân hàng lớn khác của Hoa Kỳ, trong đó có Bank of America, Goldman Sachs và Morgan Stanley.

Theo ông Ely, trong khi các cơ sở tài chính Hoa Kỳ không phải là không có lỗi về vai trò của mình trong cuộc suy thoái trầm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 1930, các hành động của họ cũng là một phần nguyên do vì sự kiện các luật lệ Hoa Kỳ khuyến khích cho vay tiền để thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Ông Ely nói tiếp: “Tôi sẽ lập luận rằng rất nhiều hoạt động này và mức độ hoạt động thực sự là sản phẩm của một quy định về ngân hàng của Hoa Kỳ và các luật về thuế khích lệ việc vay tiền từ phía cả các doanh nghiệp lẫn cá nhân.”

Chưa định ngày tháng để chung quyết thỏa thuận của JPMorgan với chính phủ. Thương vụ này đòi khoản tiền phạt là 9 tỷ đôla, với 4 tỷ trả cho những người vay tiền mua nhà. Hàng triệu người vay tiền đã mất nhà cửa khi không trả được nợ sau khi bị cho nghỉ việc.

Ngân hàng đã dành riêng ít nhất 23 tỷ đôla dự trữ để trang trải những vụ giải quyết và chi phí pháp lý có liên quan đến các hành động trước và sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Ông Ely nói có thể phải thêm vài năm nữa thì mới hoàn tất được tất cả các cuộc điều tra của Hoa Kỳ về các hoạt động của các cơ quan tài chính trước cuộc suy thoái.