Các quan chức Liên Hiệp Quốc tại Geneva đã xúc tiến cuộc đàm phán hòa bình vào ngày thứ Sáu về việc chấm dứt chiến tranh ở Syria, bất chấp sự kiện nhóm đối lập chính của Syria tuyên bố tẩy chay.
Cuộc đàm phán bắt đầu vào chiều thứ Sáu với một cuộc họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố Geneva giữa Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc ở Syria, Staffan de Mistura, và một phái đoàn của chính phủ Syria do Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc, Bashar Ja'afari, dẫn đầu.
Sau cuộc họp, ông de Mistura nói chuyện với báo giới và cho biết ông hy vọng sẽ gặp gỡ những đại diện của nhóm đối lập, Ủy ban Thương thuyết Cao cấp (HNC), vào Chủ nhật.
"Tôi có lý do xác đáng để tin rằng họ đang thực sự cân nhắc rất nghiêm túc, và do đó ở trong một vị thế, có lẽ là vào Chủ nhật, để thực sự bắt đầu cuộc thảo luận với họ, để có thể tiến hành cuộc đàm phán giữa các bên ở Syria," ông de Mistura nói.
Nhóm này, đã hội họp tại Riyadh, cho biết sẽ gửi một nhóm nhỏ những đại diện đến Geneva vào cuối ngày thứ Bảy để nói chuyện với những quan chức của Liên Hiệp Quốc, nhưng "không phải để thương thuyết."
HNC trước đó tuyên bố sẽ không tham gia cuộc đàm phán sau khi yêu cầu của họ không được đáp ứng cho việc chấm dứt những cuộc không kích của chính phủ Syria và của Nga nhắm vào thường dân, và ngừng vây hãm trong khu vực mà họ kiểm soát.
Hôm thứ Sáu, nhóm này cho biết họ đã quyết định gửi một phái đoàn sau khi nhận được "những bảo đảm." Một phát ngôn viên không cho biết chi tiết những bảo đảm này là gì.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hoan nghênh sự tham gia của HNC. "Hoa Kỳ hoan nghênh quyết định quan trọng của Ủy ban Thương thuyết Cao cấp thuộc phe đối lập Syria tham dự cuộc thương thuyết được Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Geneva," ông nói trong một thông cáo.
Cuộc đàm phán này là nỗ lực đầu tiên đạt được hòa bình kể từ khi những cuộc thương thuyết đổ vỡ vào năm 2014.
Tiến trình hòa bình khó khăn
Cuộc nội chiến ở Syria đã kéo dài gần năm năm, làm thiệt mạng 250.000 người và khiến hàng triệu người tản cư. Cuộc xung đột cũng đã chứng kiến sự ra đời của nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo và gây ra một làn sóng khổng lồ những người tị nạn đổ tới Tây Âu.
Những trận chiến ở Syria đã gia tăng cường độ kể từ tháng 9 khi Nga bắt đầu những cuộc không kích yểm trợ Tổng thống Bashar al-Assad, chống lại những nỗ lực của những nhóm đối lập được Mỹ, một số thành viên của Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ả-rập Saudi hậu thuẫn.
Bối cảnh phức tạp này làm cho tiến trình hòa bình đặc biệt khó khăn.
Với sự yểm trợ của Nga, lực lượng của Assad đã có những bước tiến đáng kể. Các nhà phân tích cho rằng chính phủ có rất ít động lực để đàm phán với phe đối lập yếu ớt và manh mún.
Ngay cả với phe đối lập tham gia cuộc đàm phán, các nhà phân tích tỏ ra bi quan. Nadim Shehadi, Giám đốc Trung tâm Fares tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher ở thành phố Boston, nhận thấy có ít cơ hội thành công.
"Chúng ta đang gây áp lực để phe đối lập chứng tỏ rằng họ đoàn kết, chặt chẽ, rằng họ có sự lãnh đạo mạnh mẽ và họ có một viễn kiến, có chính sách và một sự đồng thuận nhất định về tương lai và tôi không nghĩ là họ được như vậy. Tôi không nghĩ rằng họ sẽ được như vậy trong tương lai gần, và tôi không nghĩ rằng họ có thể," ông nói.
Cuộc đàm phán trước đó đã được định ngày khởi sự vào ngày 25 tháng 1 nhưng các cuộc thảo luận về việc ai nên đại diện phe đối lập khiến cho cuộc đàm phán bị trì hoãn đến thứ Sáu.