Đường dẫn truy cập

Hội đàm Syria sẽ có sự khởi đầu khó khăn


Tổng thống Syria Bashar Assad (phải) nói chuyện với Đặc sứ Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura ở Damascus, ngày 10/11/2014.
Tổng thống Syria Bashar Assad (phải) nói chuyện với Đặc sứ Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura ở Damascus, ngày 10/11/2014.

Sau khi bị trì hoãn từ Thứ Hai, hội đàm dự kiến sẽ bắt đầu vào Thứ Sáu với nhiều khả năng sẽ là một con đường dài đi đến hòa bình ở Syria. Đến nay xung đột ở đất nước này đã bước vào năm thứ 6 và đã làm 250 ngàn người thiệt mạng.

Chỉ vài giờ trước khi hội đàm bắt đầu, vẫn chưa rõ ai sẽ tham gia. Các nhà tổ chức nói đây sẽ không phải là hòa đàm mà chỉ là các cuộc đối thoại nhằm đặt nền móng cho các cuộc đàm phán.

Các đại diện chính phủ Syria quyết định tham dự sau khi thảo luận hồi đầu tháng này với Đặc sứ Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura ở Damascus.

Cho dù có những vấn đề gai góc đặt ra do chiến dịch leo thang của chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn lẫn từ phía phe đối lập bị rạn nứt trong đó có cả những kẻ khủng bố al Qaida và Nhà nước Hồi giáo, song đặc sứ LHQ coi cuộc hội đàm là bước khởi đầu quan trọng.

Ông De Mistura hôm Thứ Ba đã gửi đi lời mời tham gia hội đàm. Ông cho biết sẽ không công bố danh sách người dự cho đến khi hội đàm bắt đầu.

Để chuẩn bị cho hội đàm để sau này tổ chức đàm phán là một việc khó khăn và dễ đổ vỡ. Hội đàm sẽ khởi động trong bối cảnh bạo lực không ngừng diễn ra.

Hôm Thứ Ba, hai quả bom đã giết chết 19 người ở Hims, một căn cứ của chính phủ Syria. Nhóm Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm. Nhóm này bị LHQ xếp hạng là khủng bố và không được mời đến hội đàm.

Các nhà tổ chức đã làm việc đến phút chót để tránh cho hội đàm không bị phá hỏng trước khi nó bắt đầu. Họ đã bỏ những bên có tiềm năng gây rắc rối ra khỏi danh sách tham dự.

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ dọa ngừng ủng hộ cho tiến trình này, Pháp đã thông báo Đảng Người Kurd ở Syria PYD – được cả Nga và Mỹ ủng hộ - đã bị loại. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói đặc sứ de Mistura đã báo với ông là phía LHQ đã không gửi giấy mời cho PYD. “Nhóm PYD của người Kurd đang gây ra nhiều vấn đề nhất”, ngoại trưởng Pháp nói.

Kế hoạch đặt ra ở Geneva là các bên sẽ ở các phòng riêng, không gặp nhau trực diện.

Các nhà phân tích nói điều quan trọng là thực hiện được một việc gì đó. David Butter, chuyên gia về chính trị Trung Đông tại tổ chức Chatham House ở London nói dù kết quả từ hội đàm không có gì chắc chắn nhưng nó có tác dụng báo hiệu rằng cộng đồng thế giới đang làm việc để chấm dứt một cuộc xung đột dường như vô tận và gây mất ổn định to lớn.

Sức ép buộc các bên tham gia hội đàm chủ yếu đến từ bên ngoài, với Mỹ, Liên hiệp Châu Âu, Nga, Thổ Nhĩ Kỹ và Arập Saudi đều thúc đẩy để có một giải pháp.

Ở phương Tây, sự cấp thiết càng tăng do các vụ tấn công khủng bố ở Paris và ở Mỹ, cũng như do cuộc khủng hoảng di dân. Số người di dân chủ yếu từ Syria và Iraq đi đến Tây Âu dự kiến đạt 4 triệu người vào cuối năm sau. Các quan chức nói riêng trong 3 tuần đầu năm 2016, gần 40.000 người đã đi vào Tây Âu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG