Nhân công đòi cải thiện điều kiện làm việc và phúc lợi phá hủy một dây chuyền sản xuất của một xưởng do Trung Quốc làm chủ gia công hàng may mặc cho nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển Hennes & Mauritz. Đây là một trong những vụ tranh chấp lao động bạo động nhất tại Myanmar trong nhiều năm qua.
Theo giới phân tích, tranh chấp kéo dài một tháng nay với các cuộc tấn công ban quản trị cho thấy chính phủ của bà Aung San Suu Kyi nhất thiết phải ban hành những cải cách xã hội và lao động, đồng thời phải trấn an các nhà đầu tư đang tìm cách xâm nhập vào quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới sau nhiều thập niên cô lập này.
Sản xuất tại công ty Hangzhou Hundred-Tex Garment (Myanmar), một trong 40 nhà cung cấp cho H&M tại Myanmar, đã bị đình chỉ kể từ 9 tháng 2, theo nguồn tin từ công nhân và ban quản lý công ty.
Trong một tuyên bố, công ty có trụ sở tại Thụy Điển này nói rằng “Tập đoàn H&M quan ngại sâu sắc về xung đột mới đây và quan hệ kinh doanh của chúng tôi với xưởng sản xuất vào lúc này được đình chỉ.” Tuy nhiên công ty từ chối không cho biết chi tiết về ảnh hưởng của việc này đối với chuỗi cung cấp toàn cầu của công ty.
Các nhà hoạt động lao động nói vụ phản kháng tại trung tâm thương mại Yangon dẫn tới các thiệt hại về trang thiết bị, cao ốc, và xe cộ cho thấy tình trạng thiếu bảo vệ công nhân trong ngày dệt may Myanmar.
Tranh chấp bắt đầu khi một cuộc đình công xảy ra vào cuối tháng 1 năm nay sau vụ sa thải một lãnh tụ công đoàn địa phương, công nhân và ban quản trị công ty cho biết. Công nhân đòi hỏi cải thiện hệ thống đánh giá năng lực lao động và bảo hiểm sức khỏe tốt hơn cho người lao động.
Vào ngày 9 tháng 2 tranh chấp này biến thành bạo động, khiến cho xưởng sản xuất phải đóng cửa. Các đoạn video Reuters có được cho thấy hàng chục nữ công nhân bao vây và đánh một quản trị viên Trung Quốc đang tìm cách chạy thoát. Một quản trị viên công ty và một giới chức sở lao động địa phương công nhận tính xác thực của đoạn video này.
Vào cuối tháng 2, hàng trăm công nhân xông vào xưởng sản xuất và làm thiệt hại nhiều cơ sở trong đó có máy dệt, máy vi tính và máy camera an ninh.
Tòa đại sứ Trung Quốc tại Myanmar mô tả sự kiện này là một “cuộc tấn công” và đã “nghiêm túc yêu cầu” chính phủ Myanmar quy trách nhiệm những người liên quan.
Vụ tranh chấp này khiến H&M quan ngại vì công ty được tiếng là đứng đầu trong số những doanh nghiệp lớn tăng tiến quyền của công nhân và trả lương thỏa đáng.