Cách nay hai năm, VOA Tiếng Việt đã có dịp trò chuyện với một nữ vận động viên gốc Việt đa tài và đầy nghị lực. Bị bỏ rơi tại một cô nhi viện ở Sài Gòn, đến khoảng hai tuổi, cô được một gia đình người Mỹ sống tại Australia nhận làm con nuôi. Bắt đầu tập thể hình từ năm 6 tuổi, nhiều năm sau, người ta biết đến cô không chỉ với tư cách là một nữ lực sĩ thể hình mà còn là một chuyên gia huấn luyện thể thao, một nhà sản xuất, một đạo diễn, một ngôi sao truyền hình và điện ảnh, một tác giả viết sách, nhà sáng lập tổ chức từ thiện Amazin Lethi Foundation, một nhà hoạt động cho quyền của người nhiễm HIV, và gần đây nhất là một đại sứ toàn cầu cho tổ chức Vietnam Relief Services (VRS). Cô là Amazin Lethi. Trong cuộc trò chuyện lần này với đài VOA, cô Amazin đã kể cho chúng tôi nghe thêm về những điều mà cô đã, đang, và hy vọng sẽ thực hiện được cho trẻ em bị nhiễm HIV ở Việt Nam.
Your browser doesn’t support HTML5
VOA: Xin chào chị Amazin, VOA rất vui vì lại được trò chuyện với chị lần này. Trong hai năm vừa qua, điều tuyệt vời nhất mà chị đã đạt được là gì?
Amazin Lethi: Hai năm trước đây, khi tôi trở thành đại sứ toàn cầu cho VRS, một con đường đã mở ra trước mắt tôi để tôi không chỉ có thể làm những dự án địa phương mà còn cả những dự án quốc gia ở Việt Nam, thêm vào cả những dự án được thực hiện ở nông thôn Việt Nam, những nơi khá khó khăn để có thể tìm tới.
Đầu tiên chúng tôi làm việc ở trại trẻ mồ côi Bình Lục, nằm cách phía bắc Hà Nội không xa. Chúng tôi xây một thư viện và một lớp học máy tính ở đó. Kể từ đó, chúng tôi tiếp tục di chuyển tới Yên Bái, một khu vực đồi núi ở Việt Nam và xây một thư viện tại đó. Đây là một món quà thực sự rất tuyệt vời bởi vì một vài những đứa trẻ ở Yên Bái mà chúng tôi gặp phải đi bộ chân trần 8 tiếng để tới trường, các em phải ở lại trường trong tuần và thứ 6 lại đi bộ thêm 8 tiếng nữa để về nhà. Vì thế việc có một thư viện để các em có thể tới ngồi đọc sách, đối với chúng ta, chúng ta thường coi việc này là hiển nhiên và bỏ qua không để ý vì chúng ta có rất nhiều sách nằm khắp nhà, nhưng những đứa trẻ ở đây không có được một món quà căn bản như thế.
Chúng tôi vừa hoàn thành xong việc xây một thư viện ở đó và bây giờ chuyển sang trường Văn Hồ ở Sơn La. Những đứa nhỏ ở đây cần nước sạch, chăm sóc y tế, và thư viện. Chúng tôi đang hy vọng có thể giúp những đứa trẻ ở đây nữa. VRS đã cho tôi phương tiện để tới được những nơi mà trước đây tôi chưa từng nghe nói tới. Ở đó trẻ em và cộng đồng gặp phải rất nhiều khó khăn. Vào tháng 9 này sẽ là kỷ niệm tròn hai năm tôi làm đại sứ cho VRS. Thật tuyệt vời.
VOA: Được biết chị vừa trở thành đại sứ toàn cầu cho Athlete Ally, một tổ chức có trụ sở ở Mỹ, nhằm chấm dứt hội chứng sợ và kỳ thị người đồng tính và chuyển giới trong lĩnh vực thể thao, và tạo ra một sự bình đẳng trong thể thao cho tất cả mọi người. Chị biết đến tổ chức này như thế nào?
Amazin Lethi: Tôi mới biết tới họ một năm trước đây và chúng tôi bắt đầu trao đổi với nhau về việc tôi muốn đạt được điều gì dựa vào nguồn gốc sắc tộc của tôi và dựa vào việc tìm tiếng nói chung từ thể thao nhằm tạo ra sự thay đổi trong xã hội. Ngoài ra họ cũng muốn tiến tới gần hơn với cộng đồng người châu Á. Đối với họ, để có một đại sứ cho cộng đồng người Việt là một điều rất thú vị. Thể thao là một điều rất lớn trong cộng đồng ở Việt Nam. Mọi người thích bơi, thích chơi tennis, bóng đá. Với diễn đàn mà tôi đã thiết lập trong cộng đồng ở Việt Nam, nó phù hợp với những gì mà Athlete Ally mong muốn đạt được cho tổ chức của họ.
VOA: Vai trò của chị với tư cách là đại sứ toàn cầu cho Athlete Ally là gì?
Amazin Lethi: Vai trò của tôi với tư cách là một trong những đại sứ của Athlete Ally là kết nối cộng đồng châu Á và người Việt với những công việc, dự án của Athlete Ally, và đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng rằng thể thao là dành cho tất cả mọi người và những lời nói có thể khiến người khác tổn thương. Những lời nói mà chúng ta nói ra trên sàn đấu, trong phòng thay quần áo, khi chúng ta nói chuyện với nhau, nói chuyện với huấn luyện viên, với các vận động viên khác là rất quan trọng, bởi lẽ cho dù giới tính của bạn là gì, xu hướng giới tính của bạn là gì, cho dù bạn có nhiễm HIV hay không, thể thao là dành cho tất cả mọi người. Vì lẽ đó mà bạn hoàn toàn có thể trở thành một thành viên trong đội hay một vận động viên độc lập chơi thể thao mà không phải chịu đựng sự phân biệt đối xử hay sự kỳ thị nào chỉ bởi vì giới tính thật hay tình trạng sức khỏe của mình. Đó là thông điệp mà cả Athlete Ally và bản thân tôi muốn gửi tới cộng đồng của mình. Đồng thời tôi cũng muốn tìm tới những vận động viên và các tổ chức thể thao trong cộng đồng cam kết rằng họ sẽ không phân biệt đối xử với bất cứ ai.
VOA: Ngoài ra hồi gần đây chị cũng vừa trở thành một khách mời của Tòa Bạch Ốc và được vợ chồng Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đón tại nhà riêng. Xin chị chia sẻ đôi chút về hai sự kiện này?
Amazin Lethi: Tôi đã nhận được lời mời tới Tòa Bạch Ốc và buổi tiếp đón riêng tại nhà của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden. Tôi là nhà hoạt động người Việt duy nhất về nhân quyền cho người HIV có mặt ở đó. Đối với tôi đó là một điều tuyệt vời khi có dịp chia sẻ với mọi người những gì đang diễn ra ở Việt Nam, những công việc mà tôi đang làm cho cộng đồng HIV ở Việt Nam, cho cộng đồng thể thao, trong việc cổ súy sự bình đẳng và nhận thức bên trong cộng đồng.
VOA: Như vậy chị đã có dịp gặp gỡ Tổng thống Obama và Phó tổng thống Joe Biden…?
Amazin Lethi: Rất tiếc là ngài tổng thống đã không ở đó nhưng ngài Phó tổng thống Joe Biden có mặt ở buổi tiếp đãi tại nhà riêng của ông và tôi đã có cơ hội nói chuyện với ông ở đó. Tôi cũng đã trò chuyện với phu nhân của ông Biden, bà Jill Biden, cùng những nhà hoạt động khác tại Tòa Bạch Ốc. Qua đó mà tôi có dịp chia sẻ những công việc mà tôi làm trong cộng đồng ở Việt Nam và những gì xảy ra ở Việt Nam.
VOA: Theo chị đâu là những khó khăn, thách thức khi làm việc để vận động cho người nhiễm HIV?
Amazin Lethi: Các nước phương Tây phát triển khác những nước đang phát triển. Tôi chọn thể thao vì thể thao đưa mọi người xích lại gần nhau. HIV là một vấn đề rất nặng nề chứ không hề hấp dẫn khi nhắc tới. Tất cả mọi người thích đi xem bóng đá, thích tham gia vào các hoạt động thể thao, và đó là điều đưa mọi người và cộng đồng lại gần nhau. Từ đó mà bạn có thể nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội quan trọng như vận động cho quyền của các trẻ em bị nhiễm HIV và đồng thời giáo dục mọi người về người HIV. Ví dụ như bạn hoàn toàn có thể làm bạn với một đứa trẻ hay một ai đó nhiễm HIV dương tính. Việc truyền nhiễm HIV không giống như cảm cúm mà có thể xảy ra dễ dàng như vậy. Tôi nghĩ một trong những thách thức khó nhất là có thể phá vỡ sự kỳ thị và phân biệt đối xử đó, và bình thường hóa chuyện đó. Tôi nghĩ chúng ta nói càng nhiều về vấn đề đó thì chúng ta càng có thể khiến nó trở nên bình thường hơn. Với tư cách là một nhà vận động cho người nhiễm HIV, một điều rất quan trọng khác là nhờ tới sự giúp đỡ của những người của công chúng cùng nói về chuyện này bởi lẽ họ có số lượng người hâm mộ của riêng họ. Nếu càng có nhiều người nói về nó trên báo chí thì chúng ta càng có cơ hội phá vỡ những vòng luẩn quẩn kỳ thị rồi phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV dương tính.
VOA: Trong quá trình làm việc để vận động cho quyền của người nhiễm HIV, câu chuyện hay điều gì đáng nhớ nhất đối với chị tính cho tới bây giờ?
Amazin Lethi: Bạn biết không, bạn không cần phải làm gì nhiều để thay đổi cuộc đời một ai đó. Khoảnh khắc kỳ diệu nhất đối với tôi là khi tôi xuống cộng đồng và gặp những đứa trẻ bị HIV. Thông thường bạn chỉ cần gặp chúng một lần là chúng đều rất háo hức rồi vì chúng không được nhiều người tới thăm như thế. Tôi nghĩ một điều rất quan trọng với chúng khi chúng thấy có ai đó đến từ cộng đồng của chúng quay trở lại và giúp đỡ chúng. Khi bạn gặp chúng lần thứ hai, chúng có thể nhận ra bạn thực sự nghiêm túc muốn làm điều gì đó cho chúng. Ví dụ như chị Phạm Thị Huệ ở Hải Phòng, chị có một lớp học tin học nhỏ cho những đứa trẻ bị nhiễm HIV. Chúng tôi đã giúp cung cấp internet, bồn lọc nước, và chúng tôi hy vọng có thể cung cấp thêm cho các em những chiếc máy tính đã dùng một lần nhưng vẫn còn tốt và được tân trang lại. Chỉ những điều nhỏ bé như vậy thôi, tôi có thể nhìn ra được sự thay đổi ở lũ trẻ. Khi đó lũ trẻ chỉ là những đứa trẻ bình thường, muốn đi học và hòa nhập với xã hội, sống như những người khác mà thôi.
VOA: Một câu hỏi nhỏ bên lề, chị có thể nói tiếng Việt không?
Amazin Lethi: (Cười...) Thực ra tôi đang học tiếng Việt đấy nhưng chưa đủ để có thể nói chuyện. Tôi chỉ có thể nói được một vài từ.
VOA: Vậy chị giao tiếp với các bạn nhỏ ở Việt Nam như thế nào?
Amazin Lethi: Có rất nhiều người mà tôi làm việc cùng ở Việt Nam không nói tiếng Anh và tôi thì vốn tiếng Việt không đủ, và đó là điều mà tôi muốn làm trong năm tới, đó là thực sự chìm đắm vào nền văn hóa quê hương của mình hơn bằng cách học thêm các khóa học tiếng Việt hơn. Nhưng bạn biết không, chúng tôi luôn tìm cách để có thể giao tiếp được với nhau. Chị Phạm Thị Huệ không nói chút tiếng Anh nào cả và chúng tôi trao đổi với nhau bằng cách viết bằng tiếng Việt. Tôi phải dùng từ điển và thực ra thì tôi mất rất nhiều thời gian hơn để viết email. Khi chúng tôi gặp nhau thì chị ấy có nói một chút tiếng Anh với tôi. Nhưng bạn biết đấy, lòng thương và sự tốt bụng là một thứ ngôn ngữ toàn cầu. Bạn không nhất thiết cần phải nói ra bằng miệng bởi vì có một sự thấu hiểu chung điều mà cả hai đều muốn cùng đạt được với nhau trong việc giúp đỡ những người bị nhiễm HIV, đặc biệt là những đứa trẻ. Tôi thực ra có một đội ngũ ở Việt Nam có thể nói tiếng Việt.
VOA: Dự định sắp tới của chị là gì?
Amazin Lethi: Năm sau tôi có mục tiêu khởi động một trại hè thể thao cho trẻ em nhiễm HIV. Ban đầu là ở Hà Nội nhưng tôi muốn biến nó thành một hoạt động trải khắp cả nước. Qua những hoạt động thể thao, một điều quan trọng đó là các em có thể học được những kỹ năng trong cuộc sống như làm việc tập thể, chọn cho mình một mục tiêu, hay học cách cống hiến hết mình để làm một việc gì đó. Trại thể thao của chúng tôi cũng sẽ mở các lớp dạy tiếng Anh, văn hóa, và lịch sử Việt Nam. Tôi hy vọng chúng tôi có thể mời những doanh nhân từ cộng đồng tới để kể câu chuyện của chính họ nhằm tạo nguồn cảm hứng và truyền cho các em sức mạnh. Có thể dạy cho các em những kỹ năng sống đầy đủ trong khi vẫn giúp các em có được những giây phút vui chơi thoải mái là điều rất quan trọng, bởi lẽ rất nhiều em trong số này có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, rất nhiều em có bố mẹ đã qua đời vì AIDS và các em sống với ông bà trong tình trạng khó khăn. Một số em được đi học nhưng một số em không thể đi học vì bị phân biệt đối xử hoặc có thể không có tiền đi học. Vì vậy mà khi tham gia trại hè thể thao này, các em có thể hoàn toàn quên đi những điều trên.
Thực ra tôi cũng đang có dự định hợp tác với một số câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng ở Việt Nam cũng như ở quốc tế, ở Anh chẳng hạn. Một số câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng của Anh đã đặt Việt Nam làm ưu tiên của họ. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về HIV bởi vì những vận động viên hay câu lạc bộ thể thao nổi tiếng có diễn đàn và người hâm mộ riêng của họ cho nên tiếng nói của chúng ta có thể vươn xa hơn.
Và ngoài ra vào ngày 7/9 sắp tới, tổ chức VietPro tại London, Anh quốc sẽ tổ chức một giải chạy có tên Crayon Run để gây quỹ cho tổ chức từ thiện của tôi hướng tới các trẻ em nhiễm HIV dương tính ở Việt Nam.
VOA: Rất tuyệt vời. Một lần nữa VOA xin được cám ơn chị Amazin rất nhiều đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn của chúng tôi ngày hôm nay. Xin chúc chị sẽ thành công trong các hoạt động sắp tới và trong cuộc sống.
Your browser doesn’t support HTML5