Hàn Quốc dè dặt đáp lại lời kêu gọi mới đây của ông Kim Jong Un đề nghị cải thiện quan hệ song phương. Trong thông điệp đầu năm mới, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên nói Bình Nhưỡng “sẽ tiến hành các nỗ lực khó khăn để khai triển các cuộc đàm phán giữa hai nước Triều Tiên và cải thiện quan hệ song phương.”
Chưa có triển vọng đàm phán
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Thống nhất ở Seoul Jeong Joon-hee hôm nay tuyên bố chưa có kế hoạch tức thời để đề nghị bất cứ cuộc đàm phán mới nào với Bình Nhưỡng.
Thay vì thế, ông Jeong quyết định đáp lại lời chỉ trích gay gắt mà ông Kim nhắm vào Nam Triều Tiên trong bài phát biểu khi lãnh tụ Bắc Triều Tiên gọi mục tiêu tái thống nhất trong hòa bình của Tổng thống Park Geun-hye là một hình thức trá hình đòi “thay đổi chế độ” ở miền Bắc.
Ông Jeong Joon-hee nói, “Chúng tôi kêu gọi Bắc Triều Tiên đối mặt với nỗ lực của chúng tôi nhằm thiết lập một nền tảng cho việc tái thống nhất trong hòa bình, và dồn nỗ lực thiệt lập một kỷ nguyên tái thống nhất hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thông qua sự tin cậy giữa hai nước Triều Tiên.”
Tiếp theo các cuộc đàm phán liên Triều đã sụp đổ hồi tháng 12, Seoul dường như có lập trường cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng.
Hai ngày đàm phán cấp cao hồi tháng 12 đã không đạt được tiến bộ về các dự án khiêm tốn, phi chính trị như mở các cuộc đoàn tụ thường xuyên cho cá gia đình bị phân ly khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt và tiếp tục các hoạt động du lịch xuyên biên giới.
Sau đó, Ngoại trưởng Nam Triều Tiêu Yun Byung-se nêu ra rằng tình trạng thiếu lòng tin giữa hai miền Bắc và Nam đã gây khó khăn đáng kể cho mọi cuộc đối thoại. Ông Yun hạ giảm tầm quan trọng của một cuộc họp thượng đỉnh giữa bà Park và ông Kim cho đến khi nào Bắc Triều Tiên hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của họ.
Ngoài ra, chuyên gia phân tích về Bắc Triều Tiên Kim Yong-hyun thuộc trường Đại học Dongguk ở Seoul cho rằng với các cuộc bầu cử quốc hội dự kiến vào tháng 4, có nhiều phần chắc chính quyền của bà Park sẽ chấp nhận rủi ro tách rời những người ủng hộ bảo thủ của mình khi tham gia các cuộc thương nghị với miền Bắc gây nguy cơ về mặt chính trị.
Ông Kim Yong-hyun nói, “Vào thời điểm này, khó mà tạo được một bầu không khí để mở các cuộc đàm phán giữa hai nước Triều Tiên.”
Chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên
Your browser doesn’t support HTML5
Mặc dầu ông Kim Jong Un không đề cập đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng trong bài phát biểu đầu năm, có các dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên có thể đang chuẩn bị thử nghiệm các khả năng vũ khí nhiệt hạch của họ.
Bộ Chỉ huy Phòng vệ Hóa chất, Sinh học và Phóng xạ của Nam Triều Tiên hôm qua báo cáo rằng Bình Nhưỡng có thể đang xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ để sản xuất tritium, một chất đồng vị phóng xạ cần thiết để chế tạo các vũ khí hạt nhân tinh vi hơn.
Viện nghiên cứu 38 North của Hoa Kỳ, chuyên về hình ảnh vệ tinh thương mại có độ phân giải cao trong khu vực, tuần trước nói rằng Bắc Triều Tiên đang đào một đường hầm mới. Địa điểm của đường hầm mới này là Punggye-ri, nơi Bình Nhưỡng đã tiến hành 3 cuộc thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006, 2009 và 2013.
Các hoạt động này hỗ trợ cho khẳng định của Sở Tình báo Quốc gia ở Seoul hồi tháng 10 cho rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư.
Tranh luận về ảnh hưởng của Trung Quốc
Năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã đe dọa phóng một hỏa tiễn tầm xa và tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư. Các giới chức ở Seoul đã cho rằng Trung Quốc có công thuyết phục miền Bắc tự chế không khởi sự các cuộc thử nghiệm vũ khí khiêu khích để đổi lấy việc mở rộng phát triển kinh tế tại biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Bắc Triều Tiên Bruce Bechtol tại trường đại học bang Texas ở Angelo nghi ngờ về việc Trung Quốc vận dụng mức độ ảnh hưởng đó đối với Bắc Triều Tiên. Mặc dầu bang giao đã cải thiện hồi gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã căng thẳng kể từ khi Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp chế tài mà LHQ áp đặt đối với Bình Nhưỡng vì nước này tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ ba vào năm 2013.
Ông Bechtol nói sự tự chế hạt nhân mới đây của Bắc Triều Tiên có thể là do những trì hoãnh kỹ thuật nhiều hơn là trì hoãn dưới áp lực kinh tế và chính trị.
Ông nói, “Có thể không có điều gì hơn thế. Có thể là không có liên quan gì đến phía Trung Quốc. Thực ra điều đó rất có thể xảy ra.”
Tháng trước, ông Kim Jong Un cũng tuyên bố là Bắc Triều Tiên hiện sở hữu một quả bom H, mạnh hơn các quả bom nguyên tử đã thử nghiệm trước đây. Hoa Kỳ bác bỏ lời tuyên bố của ông Kim là vô căn cứ, nhưng cảnh báo rằng các tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên đề ra một nguy cơ nghiêm trọng cho hòa bình và an ninh toàn cầu.