Nam, Bắc Triều Tiên đàm phán cấp cao lần đầu tiên sau 6 năm

Bà Kim Sung-hye, giới chức cao cấp thuộc Ủy ban Thống nhất trong Hòa bình Bắc Triều Tiên bắt tay một sĩ quan Nam Triều Tiên trước khi bước qua lằn ranh quân sự tại làng Bản Môn Điếm, ngày 9/6/2013.

Các giới chức Nam Triều Tiên đang bày tỏ hy vọng việc nối lại các cuộc đàm phán cấp cao với miền Bắc kình địch, dự trù diễn ra tại Seoul vào ngày thứ tư, sẽ dẫn đến việc xoa dịu căng thẳng trên bán đảo. Tử thủ đô Nam Triều Tiên, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye bày tỏ hy vọng về cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên với miền Bắc mà chính phủ của bà sẽ chủ trì.

Hôm nay, trong cuộc họp hàng tuần với các bí thư cấp cao, bà Park tuyên bố bà trông đợi các cuộc đàm phán vào thứ tư tuần này sẽ tiến hành “một cách nhanh chóng.”

Cuộc gặp gỡ ở cấp cao như thế lần chót diễn ra vào năm 2007. Ðó là trước khi quan hệ giữa hai nước Triều Tiên - hiện không có quan hệ ngoại giao – xấu đi dưới thời người tiền nhiệm của bà Park là ông Lee Myung-bak. Ông đã nhất quyết liên kết việc trợ cho miền Bắc nghèo khó với tiến bộ quan ngoại giao quốc tế nhằm chấm dứt các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Hai nước Triều Tiên đã mở các cuộc đàm phán kéo dài với các giới chức cấp trung tại làng đình chiến Bản Môn Ðiếm suốt từ chủ nhật cho tới sáng sớm hôm nay.

Họ đã đạt được thỏa thuận một phần về một nghị trình, sẽ bao gồm cách thức hồi phục hai dự án liên doanh liên Triều ở miền Bắc, đó là Khu Công nghiệp Kaesong và khu du lịch ở núi Kim Cương. Họ cũng đồng ý thảo luận việc nối lại các cuộc họp giữa các gia đình bị phân ly ở bán đảo.

Ngoài những điều đó, theo nhận xét của một giới chức cấp cao Bộ Thống Nhất Nam Triều Tiên, ông Chun Hae-sung, thì vẫn còn tình trạng thiếu hòa hợp.

Theo ông Chun, không đạt được thỏa thuận ở mức phái đoàn và về nhiều tiết mục trong nghị trình, và đó là lý do vì sao Seoul và Bình Nhưỡng đã công bố các thông cáo riêng rẽ.

Miền Bắc nói các cuộc thảo luận ở Seoul cũng sẽ bao gồm việc làm thế nào để kỷ niệm các thông cáo và tuyên bố chung trước đây vào các năm 1972 và 2002, cũng như “giao thông và liên lạc tư nhân cùng việc theo đuổi các nỗ lực hợp tác.”

Sau phiên họp sáng Chủ nhật ở Bản Môn Ðiếm, Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên tuyên bố đã đạt được thỏa thuận về cuộc đối thoại trực tiếp cấp bộ trưởng ở Seoul. Nhưng, đến sáng hôm sau, đặc điểm của cuộc họp đã được điều chỉnh xuống thành “các cuộc đàm phán giữa giới hữu trách liên Triều.”

Một số chuyên gia phân tích mau chóng suy luận rằng miền Nam đã chấp nhận việc miền Bắc từ chối không chính thức coi cuộc họp ấy là “các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng.”

Một phát thanh viên của Bắc Triều Tiên đọc phiên bản của Bình Nhưỡng của văn kiện lẽ ra phải là một thông cáo báo chí chung trong buổi phát thanh 7 giờ sáng thứ hai.

Phát thanh viên này nói mỗi phái đoàn sẽ gồm 5 thành viên, với phái đoàn miền Bắc được đặt dưới sự lãnh đạo của một “giới chức có thẩm quyền ở cấp bộ.” Nhưng thông báo không nêu danh giới chức này sẽ là ai.

Các bài tường thuật của giới truyền thông ở Seoul nói các giới chức Nam Triều Tiên đã hối thúc miền Bắc đồng ý gửi ông Kim Yan Gon, giám đốc Cục Mặt trận Thống nhất, được coi là người tương đối ôn hòa về các vấn đề liên Triều.

Các vị bộ trưởng của hai nước Triều Tiên thường xuyên họp với nhau từ năm 2000 cho đến năm 2007, nhưng kể từ đó thì không họp nữa.

Tuần trước, miền Bắc Cộng sản đề nghị nối lại cuộc đối thoại liên Triều sau một thời gian đưa ra các luận điệu gay gắt và thực hiện những cuộc thử nghiệm phi đạn và hạt nhân, khiến cho căng thẳng trên bán đảo lên tới các mức cao nhất từ nhiều thập niên.

Bình Nhưỡng cũng bầy tỏ sự phẫn nộ về các cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp thường niên giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên năm nay gồm cả các chuyến bay của phi cơ ném bom của Mỹ có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Các cuộc thảo luận trực tiếp đánh dấu một biến chuyển đáng kể đối với miền Bắc, hiện đang bị đặt dưới các biện pháp chế tài quốc tế vì việc nước này phát triển phi đạn đạn đạo và vũ khí hạt nhân.

Vụ xung đột kéo dài 3 năm ở Triều Tiên đã kết thúc năm 1953 bằng một lệnh hưu chiến thay vì một hòa ước, khiến cho, trên nguyên tắc, bán đảo vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh.