Đường dẫn truy cập

Nam-Bắc Triều Tiên đồng ý mở thêm các cuộc đàm phán


Ông Chun Hae-sung, giới chức phụ trách về chính sách thống nhất của Nam Triều Tiên và bà Kim Sung-hye, giới chức cao cấp thuộc Ủy ban Thông nhất trong Hòa bình của Bắc Triều Tiên họp tại làng Bản Môn Điếm
Ông Chun Hae-sung, giới chức phụ trách về chính sách thống nhất của Nam Triều Tiên và bà Kim Sung-hye, giới chức cao cấp thuộc Ủy ban Thông nhất trong Hòa bình của Bắc Triều Tiên họp tại làng Bản Môn Điếm
Sau các cuộc thảo luận dai dẳng Nam Triều Tiên đã chấp nhận yêu cầu của Bắc Triều Tiên rằng cuộc đối thoại được tổ chức ở thủ đô Seoul của Nam Triều Tiên trong tuần này không gọi là đàm phán cấp bộ trưởng.

Lần đầu tiên trong mấy năm qua, các giới chức của 2 chính phủ đối nghịch mới trực tiếp mở cuộc họp tại ngôi làng đình chiến Bản Môn Điếm. Cuộc họp suốt Chủ nhật cho đến sáng sớm thứ Hai kéo dài 18 giờ đồng hồ.

Sau khi kết thúc cuộc họp - tại tòa nhà Freedom House nằm về phía Nam Triều Tiên trong Khu vực An ninh Hổn hợp - Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Kim Hyung-suk đọc một tuyên bố ngắn ở Seoul, nhưng không trả lời câu hỏi của các nhà báo.

Ông Kim nói cả 2 bên đồng ý gọi cuộc họp sắp tới là ‘cuộc đàm phán liên chính phủ’ nhằm thảo luận các vấn đề nên được giải quyết càng sớm càng tốt, chẳng hạn như tiếp tục lại các dự án của 2 nước ở Bắc Triều Tiên: Khu Công nghiệp Kaesong và khu du lịch ở núi Keumgang (núi Kim Cương)

Ông Kim nói 2 bên cũng thỏa thuận sẽ thảo luận về việc nối lại các cuộc gặp gỡ giữa những gia đình trên bán đảo bị ly tán.

Phát ngôn viên Kim nói thêm rằng cả 2 phía đồng ý thành lập các phái đoàn gồm 5 đại diện. Người đứng đầu phái đoàn của Nam Triều Tiên sẽ là Bộ trưởng Bộ Thống nhất.

Thống tấn xã chính thức của Bắc Triều Tiên sau đó cho biết phái đoàn của họ sẽ được dẫn đầu bởi ‘thẩm quyền thuộc cấp bộ trưởng.”

Từ năm 2007 đến nay 2 bên không mở cuộc đối thoại cấp bộ trưởng nào.

Sau vòng đàm phán sơ khởi cấp công tác vào sáng Chủ nhật, các viên chức Bộ Thống nhất ở Seoul loan báo rằng Bắc Triều Tiên đã thỏa thuận mở các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng.

Tuần trước, chính phủ cộng sản Bắc Triều Tiên đã yêu cầu mở lại cuộc đối thoại Liên Triều sau một thời gian đưa ra những lời lẽ đầy hiếu chiến, cùng với các vụ thử nghiệm phi đạn và hạt nhân đầy khiêu khích, khiến cho tình hình căng thẳng trên bán đảo này lên đến mức cao nhất từ nhiều thập niên qua.

Bình Nhưỡng cũng bày tỏ sự tức giận về các vụ tập trận chung hàng năm giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên, trong đó có các chuyến bay của các máy bay oanh tạc có khả năng mang võ khí hạt nhân của Mỹ.

Các cuộc thảo luận trực tiếp đánh dấu một sự đảo ngược thái độ đáng kể của miền bắc, hiện đang chịu các biện pháp trừng phạt của quốc tế về việc phát triển phi đạn đạn đạo và võ khí hạt nhân.

Tình trạng chiến tranh trên bán đảo này trên cơ bản vẫn có hiệu lực từ năm 1953, khi cuộc chiến Triều Tiên kết thúc bằng một thỏa thuận hưu chiến nhưng không có hiệp định hòa bình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG