Các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam đang nạo vét và bồi đắp các đảo ở quần đảo Trường Sa dường như là một động thái nhằm chống lại hành vi quyết đoán của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.
Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Washington vào trung tuần tháng này cho biết trong một báo cáo rằng Việt Nam tiếp tục bồi đắp các đảo thuộc quần đảo Trường Sa gần đây, bắt đầu vào năm 2021, và đáng chú ý nhất tại bãi ngầm Barque Canada, mà Việt Nam gọi là Bãi Thuyền Chài hay Đảo Thuyền Chài.
Tăng tốc lấn biển từ tháng 7/2023
Báo cáo cho hay Việt Nam đã mở rộng diện tích mặt bằng thêm 0,84 km² (210 mẫu Anh) trong năm qua.
Còn theo Sáng kiến Thăm dò Tình hình Chiến lược biển Đông (SCSPI), một tổ chức nghiên cứu của Trung Quốc, việc cải tạo của Việt Nam trên Bãi Thuyền Chài đang tiến triển nhanh chóng và đã trở thành một trong những thực thể lớn nhất thuộc quyền chiếm đóng của Việt Nam ở Quần đảo Trường Sa.
Hôm 22/11, nhóm nghiên cứu của Trung Quốc cho biết trên trang X, trước đây là Twitter, rằng trong 4 tháng qua, gần 0,56 km² đã được mở rộng, có thể liên quan đến việc xây dựng sân bay thứ hai trên các thực thể do Việt Nam chiếm đóng.
Trung Quốc tuyên bố quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là lãnh hải của riêng mình và đang mở rộng các cơ sở quân sự trên các chuỗi đảo.
XEM THÊM: Giới chuyên gia: Việt Nam tăng cường bồi đắp bãi cạn ở Trường SaSCSPI, nhóm nhà nghiên cứu được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, nói rằng trong khi Trung Quốc và Philippines thường xuyên lên tiếng tranh chấp ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas), một bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam lại “lặng lẽ” thực hiện một số bước đột phá lớn trong hoạt động bồi lấn ở quần đảo Trường Sa. SCSPI nói thêm rằng, tính đến thời điểm hiện tại, phần mặt bằng lấn biển thêm đã là 3,22 km².
Đại sứ quán Trung Quốc và Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Washington của Mỹ, cũng như Bộ Ngoại giao hai nước đều không trả lời khi VOA đề nghị đưa ra bình luận.
Ứng phó với Trung Quốc
Trao đổi với VOA qua email, ông Gregory Poling, Giám đốc AMTI, nhận xét: “Việc tiếp tục nạo vét và xây dựng cho thấy Việt Nam vẫn rất lo lắng về hành vi quân sự hóa và cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông và đang nỗ lực đảm bảo để Việt Nam có thể duy trì quyền tiếp cận các bãi cạn và vùng biển mà Hà Nội tuyên bố chủ quyền”.
“Cho đến nay, việc bồi đắp này có vẻ mang tính chất phòng thủ và vẫn ở quy mô nhỏ hơn so với quy mô của Trung Quốc”, ông Poling đưa ra quan sát. “Nhưng việc sử dụng máy nạo vét cắt hút, mặc dù với công suất hạn chế, vẫn là một vấn đề đáng chú ý”.
Kể từ lần AMTI theo dõi những nỗ lực này gần nhất vào tháng 12/2022 đến nay, Việt Nam đã tạo thêm 1,33 km² mặt bằng, nâng tổng diện tích đất xây dựng hiện tại lên 3 km².
AMTI cho hay vào tháng 10/2023 Việt Nam bắt đầu nạo vét mới tại hai tiền đồn bổ sung.
Theo ông Poling, việc Việt Nam sử dụng máy nạo vét cắt hút có tính hủy hoại môi trường cao hơn nhiều so với các phương pháp nạo vét trước đây và việc này có thể bị truyền thông Trung Quốc đả kích cho rằng Việt Nam là kẻ gây bất ổn thực sự trong các tranh chấp.
Theo trang Dredging Today, máy nạo vét dạng cắt hút có thể “cắt đất đá cứng thành các mảnh thông qua việc sử dụng đầu cắt quay. Trang này nói về công năng của máy: “Vật liệu được hút bằng máy bơm nạo vét và thải ra khu vực lắng đọng thông qua các đường ống xuyên biển và xuyên đất liền”.
Viện nghiên cứu Mỹ cho biết tổng diện tích bồi lấn của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4 con số hơn 12,9 km² đất do Trung Quốc tạo ra từ năm 2013 đến năm 2016, nhưng diện tích bồi đắp của Việt Nam lớn hơn bất kỳ nước có tranh chấp nào khác ngoài Trung Quốc.
Các quốc gia khác như Brunei, Malaysia, Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển này.
Your browser doesn’t support HTML5
Không có sự lựa chọn nào khác
Ông Raymond Powell, giám đốc Dự án Myoushu ở Biển Đông thuộc Đại học Stanford, Mỹ, người quan sát các tranh chấp gần đây trên vùng biển cho VOA biết rằng kể từ năm 2013, Việt Nam và các quốc gia khác cũng có yêu sách chủ quyền đã theo dõi việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo và cộng đồng quốc tế phản đối nhưng hầu như không có tác dụng thực tế.
“Hiện nay các thực thể đã là những căn cứ quân sự được quân sự hóa hoàn toàn mà từ đó Trung Quốc triển khai sức mạnh một cách hiệu quả vào sâu vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng”, ông Powell nói với đài VOA tiếng Việt qua WhatsApp vào ngày 20/11. “Vì vậy, Việt Nam đã rút ra kết luận rằng họ có rất ít sự lựa chọn, chỉ còn cách đáp lại bằng chiến dịch bồi đắp như vậy cho chính mình”.
Ông Powell nói rằng có vẻ như các bên tranh chấp khác ở Biển Đông – như Philippines và Malaysia – cuối cùng sẽ cảm thấy buộc phải thực hiện các bước tương tự mà thôi. “Trung Quốc chắc chắn sẽ chú tâm đến những nỗ lực đó và cho rằng chúng vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC), nhưng việc Trung Quốc vi phạm trắng trợn hàng loạt thỏa thuận đó khiến tiếng nói của nước này không còn đáng tin cậy về vấn đề tranh chấp nữa”, vẫn theo ông Powell.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, tiến sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia phân tích tình hình Biển Đông, nêu nhận định với VOA về lý do bồi đắp các bãi ngầm của Việt Nam:
“Việt Nam dường như đã có một bài học rằng nếu không xây dựng được các mô hình để gìn giữ các thực thể mà Việt Nam đang chiếm giữ thì điều này sẽ rất khó khăn”.
“Thời điểm hiện nay là lúc thuận lợi khi mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và cả Mỹ đang có những bước tiến và như vậy Việt Nam phải tranh thủ để Việt Nam có thể giữ được những thực thể này mà Việt Nam đang kiểm soát”.
“Ngoài ra, những ngư dân Việt Nam đi đánh bắt thì có những trạm để cứu hộ, cứu nạn trên biển…”
“Đây là những lý do vì sao Việt Nam đã bồi đắp, như một số thông tin cho biết Việt Nam bồi đắp Bãi Thuyền Chài”.
Được hỏi liệu Trung Quốc sẽ có phản ứng gì trước việc bồi đắp này của Việt Nam, tiến sĩ Hoàng Việt đưa ra ý kiến cá nhân:
“Chắc chắn là Trung Quốc sẽ không hài lòng. Trang SCSPI của Trung Quốc đưa tin rằng ‘Trong lúc Philippines và Trung Quốc đang căng thẳng trên Biển Đông thì Việt Nam lặng lẽ bồi lấp trên Trường Sa’. Thế thì chắc chắn Trung Quốc sẽ không hài lòng vì chắc chắn Trung Quốc không muốn quốc gia nào làm như vậy”.
“Có lẽ rằng Việt Nam cũng hiểu được giới hạn của Trung Quốc ở mức độ nào, mặc dù Trung Quốc không hài lòng, nhưng Trung Quốc không có lý do gì để ngăn cản Việt Nam bởi vì bản thân Trung Quốc cũng bồi lấp rất lớn, thậm chí còn quân sự hóa. Mức độ bồi lấp của Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều so với của Trung Quốc…”
“Còn việc Trung Quốc tức giận đến mức ngăn cản Việt Nam thì tôi nghĩ là không có. Và có lẽ Việt Nam cũng đã tính toán được điều này”.
Ông Vũ Đức Khanh, một luật sư và đồng thời là giáo sư khoa Luật tại Đại học Ottawa, Canada, nói với VOA: “Tôi nghĩ chúng ta phải chấm dứt tình trạng này, Việt Nam sẽ không lợi khi bồi đắp. Nếu không, Trung Quốc sẽ là nước được hưởng lợi duy nhất. Vì những gì Việt Nam làm được thì Trung Quốc còn làm tốt hơn gấp trăm lần!”.
Luật sư Khanh cho rằng cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, phải phát huy quyền lực của mình để ổn định tình hình này.
Theo truyền thông Việt Nam, Đảo Thuyền Chài là cụm đảo chìm gồm 3 điểm A, B, C nằm cách bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa 309 hải lý, được hải quân nước này chiếm đóng từ năm 1987.
Cụm đảo này được xem là lá chắn vòng ngoài bảo vệ sườn phía Đông của các tỉnh Nam Trung bộ; cùng các đảo trong cụm và trong quần đảo Trường Sa “tạo thành thế trận liên hoàn bảo vệ cho mình và các đảo khác chống lại sự xâm chiếm, chiếm đóng xen kẽ của lực lượng nước ngoài xung quanh đảo”, theo báo Long An.
Trang này cho biết thêm rằng từ năm 2015 đến nay, đảo được Quân chủng Hải Quân “đầu tư mở rộng luồng vào đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn công tác đến thăm, kiểm tra đảo cũng như hỗ trợ ngư dân vào tránh trú mỗi khi thời tiết xấu”.
Trang Kinh tế Đô thị vào tháng 11/2022 viết rằng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức triển khai dự án trồng rau, cây xanh, và nuôi vịt biển trên các đảo ở Trường Sa trong hai năm 2023 – 2024, bao gồm cả đảo “Thuyền Chài mở rộng”, với mục tiêu nhằm “tạo môi trường đất, giá thể phù hợp với môi trường biển đảo để phát triển một số cây trồng, vật nuôi và cây phủ xanh cảnh quan trên đảo”, đồng thời “cung cấp thực phẩm tại chỗ cho cán bộ, chiến sỹ”.
Vào cuối năm 2022, AMTI đưa ra thông tin là Việt Nam đã mở rộng thêm khoảng 220 hecta tại ít nhất 5 đảo và bãi ngầm tại Trường Sa trong một thập niên qua.
Một nghị quyết của Chính phủ Việt Nam ban hành vào tháng 4/2023 có đặt ra mục tiêu “xác định các khu vực có thể lấn biển, đảo nhân tạo để phát triển kinh tế-xã hội và khu vực nhận chìm ở biển trong trường hợp các vật liệu nạo vét không đổ được trên bờ”.
Hà Nội hiện kiểm soát 27 thực thể ở Biển Đông, vẫn theo AMTI.
Cơ quan nghiên cứu này cho biết nói rằng hoạt động cải tạo đang diễn ra “thể hiện một động thái lớn nhằm củng cố vị thế của nước này ở quần đảo Trường Sa”.