Trung Quốc dường như đang xây một đường băng trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, theo các ảnh vệ tinh được AP phân tích, nhưng các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để xác định đây có phải là đường băng hay không.
Việc xây đắp trên đảo Tri Tôn cũng tương tự như trên 7 hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp thuộc quần đảo Trường Sa vốn có đường băng, bến tàu và các hệ thống quân sự, mặc dù vào lúc này quy mô của nó có vẻ nhỏ.
Đường băng, như được thấy trên hình, sẽ dài hơn 600 mét, đủ để chứa máy bay cánh quạt và máy bay không người lái, nhưng không phục vụ được chiến đấu cơ hoặc máy bay ném bom, phân tích của AP cho biết.
Trên các bức ảnh cũng có thể thấy rất nhiều dấu vết xe cộ chạy khắp đảo, cùng với những thứ dường như là container và thiết bị xây dựng.
Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp chủ quyền, nhưng thường xuyên đưa tàu chiến thực hiện ‘các hoạt động tự do hàng hải’ gần các đảo do Trung Quốc nắm giữ trên Biển Đông. ĐảoTri Tôn là trọng tâm của một trong những chiến dịch đó hồi năm 2018.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã xây dựng một cảng nhỏ và các tòa nhà trên đảo Tri Tôn, cùng với sân bay trực thăng và các cụm radar. Hai bãi đất rộng trên đảo có một ngôi sao của quốc kỳ Trung Quốc và hình búa liềm tượng trưng cho Đảng Cộng sản cầm quyền.
Trung Quốc từ chối cho biết chi tiết về những thứ họ xây dựng trên đảo ngoài việc nói rằng nó nhằm giúp bảo đảm an toàn hàng hải toàn cầu. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc rằng họ đang quân sự hóa tuyến hàng hải quan trọng này và nói rằng họ có quyền làm những gì họ muốn trong lãnh thổ mà họ có chủ quyền.
Không chắc là đường băng?
Tuy nhiên, ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, bày tỏ nghi ngờ cấu trúc này là một đường băng.
Ông Poling được ABC dẫn lời cho biết phân tích ban đầu của AMTI không cho thấy một đường băng khả dụng trên đảo Tri Tôn. Ông giải thích rằng các hình ảnh không cho thấy bằng chứng về sân đỗ, đường lăn hoặc cơ sở hạ tầng khác cấu thành một đường băng.
“Nó quá ngắn, quá hẹp, không giống bất kỳ đường băng nào mà Trung Quốc đã xây dựng ở bất cứ nơi đâu trên Biển Đông”, ông Poling được ABC dẫn lời nói.
“Tôi không nói rằng không có khả năng về một đường băng như thế, nhưng tôi không thấy có bằng chứng thuyết phục nào để chứng tỏ điều đó cả”.
Ông nói thêm rằng căn cứ không quân tân tiến nhất của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa - trên đảo Phú Lâm mà phía Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng – vốn chỉ cách đó khoảng 160 km, vì vậy rất khó xác định mục đích của cấu trúc đang được xây này.
“Nếu Trung Quốc có thể hạ cánh máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, máy bay vận tải hạng nặng gần đó, vậy tại sao họ lại xây dựng một đường băng sơ sài chỉ có thể xử lý các máy bay cánh quạt nhỏ?” ông lập luận.
Dường như đó cũng có thể là bờ kè hoặc đường xe chạy đắp cao, ông Poling được ABC dẫn lời nói. “Có thể sẽ có những công trình đáng chú ý được xây trên các khu vực mới hoặc kết nối với bờ kè, nhưng nó vẫn chưa được xây”, ông nhận định.
Do đó, chuyên gia này cho rằng chưa cần phải ‘diễn giải quá mức’ các hình ảnh mà AP thấy được là đường băng tiềm năng.
VOA đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam ở Washington để hỏi về vấn đề này và được họ chuyển cho câu trả lời của Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Bà Hằng nói: “Lập trường nhất quán của Việt Nam về vấn đề này là tất cả các hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa diễn ra mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Những hoạt động như vậy sẽ làm phức tạp thêm tình hình và gây bất lợi cho hòa bình, ổn định và an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.
Trung Quốc đã giành toàn quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa sau một trận hải chiến ngắn ngủi vào năm 1974.
Việt Nam tăng cường xây cất
Trong khi đó, Việt Nam cũng đang tăng tốc việc xây cất của riêng mình trên những thực thể mà họ nắm giữ thuộc quần đảo Trường Sa để củng cố sự hiện diện quân sự, tờ Manila Times cho biết.
Dự án này, vốn do Bộ Quốc phòng và hải quân Việt Nam chỉ đạo, bao gồm xây dựng và mở rộng các cơ sở quân sự và các cơ sở khác trên Đảo Phan Vinh (Pearson Reef) và Đá Tiên nữ (Pigeon Reef) mà Hà Nội kiểm soát trên thực tế, tờ Manila Times đưa tin.
Theo một tài liệu của Việt Nam mà Manila Times có được, những rủi ro tiềm tàng dẫn đến xung đột trên Biển Đông và quần đảo Trường Sa làm gia tăng bất ổn trong khu vực, và bằng cách củng cố sự hiện diện của Việt Nam ở Trường Sa, ‘áp lực quân sự đối với các nước láng giềng có thể tăng lên’.
Dự án này có ngân sách xây dựng ước tính 6,4 nghìn tỷ đồng (tương đương 270 triệu đô la Mỹ), bao gồm nạo vét và bồi đắp để có chỗ xây một bến tàu lớn, cũng như nâng cấp các cơ sở tên lửa và phòng không, cũng theo tờ báo này của Philippines.
Hà Nội có kế hoạch xây nhà ở trên đảo không chỉ cho quân nhân, mà còn cả dân thường, cùng với giao thông, hệ thống năng lượng và cơ sở xử lý nước thải và chất thải.
Tờ Nikkei Asia đã đặt câu hỏi với phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng về việc xây cất này nhưng bà Hằng nói bà không có thông tin gì.
“Hàng ngàn cây cối sẽ được trồng trên các đảo để che giấu các công trình xây dựng và che chắn tầm nhìn từ trên không”, một nguồn tin nắm rõ tình hình nói với Nikkei Asia, và cho biết thêm rằng việc Việt Nam quân sự hóa các đảo của họ đặt ra mối đe dọa lớn cho Philippines.
Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington hồi tháng 12, việc bồi đắp của Việt Nam ở Trường Sa đã tăng tốc trong nửa cuối năm 2022 và họ đã bồi đắp thêm khoảng 220 ha trong suốt một thập kỷ.
“Đợt bồi đắp này của Việt Nam cũng có thể tạo cớ các bên tranh chấp khác như Trung Quốc hoặc Philippines tiến hành tiếp việc bồi đắp của chính họ để đáp trả”, Harrison Pretat, phó giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á được Nikkei Asia dẫn lời cho biết.
Tạo lợi thế cho Trung Quốc?
Trao đổi với VOA, Thạc sỹ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và là chuyên gia theo dõi tình hình Biển Đông, nhận định rằng nếu quả thật Trung Quốc đang xây đường băng trên đảo Tri Tôn thì đây có thể là ‘chiến thuật đánh lạc hướng’.
Ông dẫn ra vụ việc hồi năm 2014 khi thế giới đang tập trung chú ý vào sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã lặng lẽ bồi đắp các thực thể ở Trường Sa mà không bị để ý rồi sau đó quân sự hóa chúng.
Ông Việt đã điểm lại một loạt sự cố ồn ào do Trung Quốc gây ra trên Biển Đông trong thời gian qua, chẳng hạn như cho tàu khảo sát Hướng Dương Hồng với sự hỗ trợ của tàu hải cảnh vào quấy nhiễu liên tục vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rồi Malaysia và mới đây nhất là việc Bắc Kinh chặn tàu của Philippines đến tiếp tế cho chiến hạm mắc cạn của họ ở Bãi Cỏ Mây, tức Scarborough Shoal.
Vị chuyên gia này cho rằng nếu Bắc Kinh có thêm đường băng trên đảo Tri Tôn thì ‘năng lực quân sự của họ trên Biển Đông sẽ được tăng cường’, vì máy bay Trung Quốc bay từ đảo Hải Nam có thể dừng lại ở đây để tiếp nhiên liệu rồi bay tiếp xa hơn về phía nam Biển Đông.
Tuy nhiên, cũng theo lời ông Việt thì để đáp trả Trung Quốc, Việt Nam ‘không nên chạy theo việc quân sự hóa Biển Đông’. “Việt Nam có thể tôn tạo các đảo nhưng chỉ để dùng cho mục đích dân sự”, ông nói.
“Việt Nam sẽ phải kiềm chế tối đa để không tạo cớ cho Trung Quốc tiến hành xung đột quân sự,” ông nói thêm.
Mặt khác, Hà Nội có thể nghiên cứu khởi kiện Trung Quốc như Manila đã làm vì việc xây cất đường băng ở đảo Tri Tôn ‘tàn phá môi trường biển, khiến các sinh vật xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng’.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn