Đường dẫn truy cập

Philippines sẽ lại tiếp tế cho binh sĩ ở Biển Đông sau khi bị Trung Quốc ngăn chặn


TƯ LIỆU - Thủy quân lục chiến, thành viên của một phân đội đóng quân trên tàu BRP Sierra Madre, tham gia lễ hạ cờ trên tàu, tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Biển Đông, ngày 29 tháng 3, 2014.
TƯ LIỆU - Thủy quân lục chiến, thành viên của một phân đội đóng quân trên tàu BRP Sierra Madre, tham gia lễ hạ cờ trên tàu, tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Biển Đông, ngày 29 tháng 3, 2014.

Lực lượng vũ trang Philippines ngày thứ Bảy cho biết họ sẽ một lần nữa tìm cách tiếp tế cho binh lính đồn trú trên một con tàu han gỉ từ thời Thế chiến thứ hai trên một bãi san hô ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc ngăn chặn một nỗ lực trước đó bằng vòi rồng.

"Việc thực thi các quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng tôi là minh chứng cho niềm tin vững chắc của chúng tôi vào trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, vốn là nền tảng cho hòa bình và ổn định khu vực," phát ngôn viên lực lượng vũ trang Medel Aguilar cho biết trong một phát biểu.

Manila đã gửi công hàm phản đối ngoại giao đối với Bắc Kinh trong tháng này sau khi lực lượng hải cảnh của Trung Quốc sử dụng vòi rồng và có những hành động "nguy hiểm" nhằm ngăn Philippines gửi đồ tiếp tế tới cho những binh sĩ ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông trong khi Malaysia, Việt Nam, Brunei, Đài Loan và Philippines có những yêu sách khác nhau đối với một số khu vực nhất định.

Ông Aguilar nói Manila kêu gọi tất cả các bên liên quan tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của Philippines, đồng thời nói thêm rằng Manila ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không phản hồi ngay yêu cầu bình luận. Hải cảnh Trung Quốc hôm 7 tháng 8 cho biết họ đã yêu cầu Philippines không gửi tàu đến bãi cạn và không gửi "vật liệu xây dựng dùng để sửa chữa và gia cố quy mô lớn" cho tàu chiến.

Philippines đã cố tình cho tàu chiến này mắc cạn vào năm 1999 như một phần trong yêu sách chủ quyền của mình đối với bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này.

Nhiệm vụ tiếp tế được lên kế hoạch "là một minh chứng rõ ràng cho quyết tâm của chúng tôi đứng lên chống lại các mối đe dọa và sự cưỡng ép, cũng như cam kết của chúng tôi trong việc duy trì pháp trị," lực lượng vũ trang Philippines nói.

Năm 2016, một phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế đã vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông.

Trung Quốc không công nhận phán quyết này và đã xây cất các đảo nhân tạo với đường băng và phi đạn đất đối không ở Biển Đông.

Diễn đàn

XS
SM
MD
LG