Giới chức Ðức đến Tòa Bạch Ốc để bàn về vấn đề do thám

Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ NSA bị cáo buộc đã nghe lén điện thoại của Thủ tướng Ðức Angela Merkel hơn một thập niên.

Các giới chức cấp cao của Ðức và các giới chức an ninh quốc gia Hoa Kỳ đang họp tại Washington để bàn về những cáo giác cho rằng gián điệp Mỹ đã nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel.

Phái đoàn Ðức gồm phối hợp viên tình báo của bà Merkel, ông Guenter Heiss. Theo dự trù, họ sẽ họp tại Toà Bạch Ốc với giám đốc cơ quan tình báo Hoa Kỳ James Clapper, cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice và các giới chức khác.

Washington cho biết hiện nay họ không nghe lén các cú điện thoại của bà Merkel và trong tương lai sẽ không làm như thế, nhưng đã gạt đi những thắc mắc liệu họ đã theo dõi các cú gọi của bà trước đây hay không, có thể là từ năm 2002, 3 năm trước khi bà lên làm thủ tướng Ðức.

Thủ tướng Merkel đã lên tiếng đích thân phản đối về việc Hoa Kỳ theo dõi điện thoại di động của bà trong một cuộc điện đàm hồi tuần trước với Tổng thống Barack Obama, và nói không thể tha thứ được việc do thám bạn bè như thế.

Nay Berlin muốn Hoa Kỳ, cùng với Pháp, đồng ý trước cuối năm nay, về một thỏa thuận “không do thám” giữa các đồng minh.

Trong khi đó, uỷ ban quyền dân sự của Nghị Hội Âu châu tiếp tục đi thăm Washington, gặp chuyên gia về các vấn đề châu âu thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia NSA. Họ sẽ thảo luận về ảnh hưởng của vụ tai tiếng do thám đối với công dân trong Liên hiệp châu Âu.

Người đứng đầu NSA, tướng Keith Alexander, nói với một một uỷ ban Quốc Hội hôm qua rằng tin tức nói là cơ quan thu thập các hồ sơ điện thoại của hàng triệu công dân EU là hoàn toàn sai lạc.

Tướng Keith Alexander nói với các cơ quan gián điệp Âu châu chia sẻ các hồ sơ đó với NSA. Tướng Alexander nói chi tiết được sử dụng để bảo vệ các lực lượng Hoa Kỳ và Âu châu ngoài chiến trường và công dân ở nhà.

Ông nói: “Nói một cách hoàn toàn rõ ràng, đây không phải là thông tin chúng tôi thu thập của công dân Âu châu. Nó tiêu biểu cho thông tin mà chúng tôi và các đồng minh NATO đã thu thập để bảo vệ các nước chúng tôi và hỗ trợ cho các hoạt động quân sự.”

Giám đốc NSA nói các báo chí Âu châu đã diễn dịch sai các tài liệu bị cựu nhân viên hợp đồng tình báo Edward Snowden đánh cắp. Ông này hiện đang bị truy nã và xin tỵ nạn ở Nga.

Tin tức nói rằng NSA thu thập hồ sơ điện thoại và theo dõi thông tin liên lạc của 35 nhà lãnh đạo thế giới đã gây căm phẫn trong hàng triệu người Mỹ thuộc mọi thành phần chính trị.

Nhưng ông Alexander nói việc sưu tập dữ liệu Internet và điện thoại to lớn trên toàn thế giới đã ngăn chặn được 13 âm mưu tấn công khủng bố ở Hoa Kỳ và 25 âm mưu ở châu Âu trong những năm vừa qua.

Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper cũng ra trước Quốc Hội hôm nay, nói rằng thu thập thông tin về các nhà lãnh đạo thế giới là một “nguyên tắc cơ bản” của tình báo Hoa Kỳ. Ông nói điều đó là cần thiết để tìm hiểu các chính sách của các nhà lãnh đạo nước ngoài và ý đồ của họ có thể tác động ra sao đối với Hoa Kỳ.

Khi được hỏi liêu các đồng minh Hoa Kỳ cũng do thám Hoa Kỳ hay không, ông Clapper đáp, “dứt khoát là có.”

Ông Clapper gọi những tiết lộ của Snowden là “cực kỳ tai hại đối với khả năng bảo vệ đất nước của chúng tôi.” Nhưng ông nói “chúng tôi không do thám một cách bừa bãi,” mà chỉ “cho các mục đích tình báo hữu ích.”