Giới blogger phản đối công văn 7169 của Thủ tướng Việt Nam

Công văn 7169 mới ban hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang gây tranh cãi trong công luận, nhất là giới viết blog và những ai quan tâm đến các trang báo công dân trên mạng như Dân Làm Báo, Quan Làm Báo, và Biển Đông. Công văn chỉ thị nghiêm trị những người xây dựng các trang báo không thuộc nhà nước này vì cho rằng các trang mạng ấy bôi nhọ lãnh đạo. Ba blogger từ ba miền Bắc-Trung-Nam của đất nước tham gia cuộc thảo luận trên Tạp chí Thanh Niên hôm nay nói lên phản ứng của họ về chỉ thị này.



Trà Mi: Về công văn 7169 của Thủ tướng vừa ban hành liên quan tới các trang mạng như Dân Làm Báo, Quan Làm Báo, và Biển Đông, là những người trong cuộc, những người quan tâm, những người có góp bài cho Dân Làm Báo, các bạn có suy nghĩ gì khi biết thông tin về công văn này?

Blogger Trương Ba Không từ Bắc Cạn: Đối với tôi chả có gì để nói hơn nữa về những điều mà chính quyền Việt Nam đang làm với người dân nói chung, và với giới blogger nói riêng. Đó là tận cùng của sự thật vọng rồi chị ạ.

Blogger Huỳnh Công Thuận ở Sài Gòn: Công văn 7169 này đối với giới blogger, tôi thấy nó cũng không có ảnh hưởng gì hết. Những gì đúng với luật pháp, lương tâm thì mình cứ làm thôi. Công văn này nói rõ là cấm xuyên tạc, nói xấu, sai sự thật. Mình nói đúng sự thật lấy gì mình sợ. Hôm trước có một blogger đã phát biểu rồi, rằng Thủ tướng mà viết những câu văn như vậy thấy sao vô duyên quá, không đúng tầm của một Thủ tướng.

Trà Mi: Trong công văn này có ghi rõ ‘điều tra, xử lý nghiêm’ những người tham gia xây dựng Dân Làm Báo. Các anh là những ngòi bút chấp bút góp bài cho Dân Làm Báo, các anh có nao núng trước điều đó?

Blogger Trương Ba Không từ Bắc Cạn: Tôi khẳng định luôn là chúng tôi không khuất phục. Chúng tôi sẽ vẫn cất cao tiếng nói chính kiến của mình bởi vì tiếng nói của chúng tôi là tiếng nói của sự thật.

Blogger Huỳnh Công Thuận ở Sài Gòn: Chưa có công văn này từ trước giờ đã bị cấm đoán rồi. Đâu phải cần có công văn này đâu. Dân Làm Báo cũng đã bị đánh sập bao nhiêu lần, nhưng cứ đánh thì mọc lên lại. Chứ họ có cho đâu. Rõ ràng cấm là cấm nói sai sự thật, cấm tuyên truyền, phản đối, chống đảng, chống nhà nước. Tôi không chống ai hết. Áp bức, bất công, sai pháp luật là tôi chống thôi. Đảng không đảng, tôi không cần biết, không quan trọng đối với tôi.

Blogger Huỳnh Trọng Hiếu tại Quảng Nam: Việc nhà cầm quyền cấm đoán tất cả dân trong nước tiếp xúc với các nguồn thông tin đa chiều, hạn chế những tiếng nói đối lập thì trước nay họ đã làm từ rất lâu rồi. Họ hạn chế tuyệt đối quyền tự do ngôn luận và tất cả các quyền dân sự và quyền chính trị đối với toàn bộ dân tộc này. Mà bây giờ công văn này lại ra đời trong thời điểm này, tôi nghĩ nó có vấn đề riêng của nó.

Trà Mi: ‘Vấn đề riêng của nó’ ở đây ý anh là thế nào?

Blogger Huỳnh Trọng Hiếu tại Quảng Nam: Nguyễn Tấn Dũng cố ý muốn đánh vào Quan Làm Báo chứ không phải là hai trang blog ‘thái độ’ còn lại. Ông ta cần làm như vậy với mục đích ‘công báo tư thù’. Tôi nghĩ đây thuộc về vấn đề những tranh chấp quyền lợi trong nội bộ đảng cộng sản giữa phe nhóm của Nguyễn Tấn Dũng với phe nhóm của Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng.

Trà Mi: Trên cơ sở nào Hiếu cho rằng công văn này nhắm mục tiêu chính là ‘Quan Làm Báo’?

Blogger Huỳnh Trọng Hiếu tại Quảng Nam: Trang Dân Làm Báo có thể nói đó là một trang blog đối lập, đưa những thông tin bất lợi cho chế độ cộng sản, lúc nào cũng bị đặt tường lửa. Việc này họ đã làm từ trước tới nay, tại sao họ lại đưa ra công văn này để làm gì? Trang Biển Đông chỉ đăng tải những nội dung liên quan vấn đề Biển Đông, không thách thức sự cầm quyền của đảng cộng sản. Còn nội dung của Quan Làm Báo, tất cả thông tin đưa ra nhằm mục đích tấn công Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh của ông ta.

Trà Mi: Hồi nãy bạn có nói công văn 7169 giới hạn quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin ở Việt Nam, vốn là một điều không lạ đối với những người yêu chuộng dân chủ. Nếu có lập luận cho rằng công văn này không giới hạn quyền tự do ngôn luận vì nó không cấm người ta nói, nhưng nó chỉ cấm những điều nhà nước cho là ‘chống phá’, ‘bôi nhọ’. Ý kiến các bạn thế nào?

Blogger Trương Ba Không từ Bắc Cạn: Rất lấy làm thú vị với phân tích của bạn Hiếu. Tôi nghĩ mình hoàn toàn có quyền suy luận như thế. Nhưng ở đây tôi quan tâm nhiều tới ảnh hưởng của công văn ấy đối tới quyền tự do ngôn luận như thế nào. Nói về quyền tự do ngôn luận, chúng ta sinh ra mỗi người đều có những tiếng nói khác nhau. Có những tiếng nói khác nhau thì tôi mới cho đó là quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến của mình. Xâm phạm điều này cá nhân tôi cực lực lên án.

Trà Mi: Nhà nước cũng nói họ tôn trọng ý kiến phản biện, những cái mà họ cấm ở đây là vì theo họ, đó là những quan điểm hoàn toàn ‘bịa đặt’.

Blogger Trương Ba Không từ Bắc Cạn: Thế nhưng mà thực tế hiện nay, họ chưa bao giờ làm nổi một việc là chứng minh cho chúng tôi thấy là nó ‘bịa đặt’ chỗ nào, ‘xuyên tạc’ chỗ nào. Trong khi đó, chúng tôi chỉ đòi hỏi họ có một sự kiểm chứng thì họ không làm được. Cho nên, rõ ràng anh đã không chứng minh được những điều đó là ‘xuyên tạc, bịa đặt’ thì chúng tôi, những người tham gia hay theo dõi những trang này, có quyền tin hay không tin vào những thông tin trên đó chứ.

Blogger Huỳnh Trọng Hiếu tại Quảng Nam: Mục tiêu của việc này, theo tôi, là do người ta lo lắng niềm tin vào chế độ cộng sản sẽ không còn nữa. Chính quyền cộng sản tồn tại ngày nào, ngày đó họ sẽ còn hạn chế quyền tự do ngôn luận của công dân để duy trì, bảo vệ quyền lợi của chế độ. Nếu không hạn chế quyền tự do ngôn luận, chắc chắn sẽ có nhiều người biết đến những cái xấu xa trong guồng máy nhà nước, guồng máy lãnh đạo.

Trà Mi: Nói tới quyền tự do ngôn luận trong đó có quyền tự do tiếp cận thông tin, xin hỏi các bạn, về phương diện thông tin, giá trị và tác dụng của những trang đang bị nhắm mục tiêu này ra sao?

Blogger Huỳnh Trọng Hiếu tại Quảng Nam: Dân Làm Báo đăng tải rất nhiều thông tin cổ võ cho dân chủ-đa nguyên, đa đảng, tự do. Nó thách thức quyền lực của đảng cộng sản.

Blogger Huỳnh Công Thuận ở Sài Gòn: Trong ba trang này, chính là Dân Làm Báo rất là có lợi cho người đọc là nhân dân. Những người nào vô đó đọc sẽ biết được thông tin nhiều chiều. Lượng thông tin trên đó nhiều, nhanh, thực tế, luôn kèm hình ảnh rất sát. Dân Làm Báo hay một điểm nữa là không có và không cần lực lượng cộng tác viên chính thức. Ai thấy bài nào được thì đăng lên chứ không cần biết có phải cộng tác viên hay không. Quan Làm Báo thì nhắm vào đối tượng chính là gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng.

Blogger Trương Ba Không từ Bắc Cạn: Tôi ủng hộ trên tư cách người đọc. Tự chúng tôi sẽ trang bị cho mình những kiến thức để hiểu biết được những thông tin tốt hay chưa tốt. Tôi cũng mong rằng nhà nước Việt Nam với 700 tờ báo của họ thoải mái nói, thì hãy để cho các trang blog này được quyền nói thoải mái. Còn người tiếp cận thông tin, trong thời đại văn minh như bây giờ, người ta không nhầm lẫn đâu.

Trà Mi: Các bạn ghi nhận hiệu ứng từ sau khi có công văn này trong giới blogger, độc giả, hay những người quan tâm như thế nào?

Blogger Huỳnh Công Thuận ở Sài Gòn: Văn bản này không có giá trị. Thực tế nhất là hai bữa nay từ sau khi có công văn, xuất hiện Vua Làm Báo, Đảng Làm Báo, Ma Làm Báo…Nào giờ không ai biết trang Biển Đông là gì, nhưng khi có công văn này ra, người ta cố tình tìm đọc trang này.

Blogger Trương Ba Không từ Bắc Cạn: Tác dụng mong muốn của họ để hạn chế mọi người đọc và tham gia viết bài, tôi nghĩ có hiệu ứng ngược.

Trà Mi: Dẫu là có những hiệu ứng ngược ngay sau khi có những quyết định từ chính phủ đối với những tiếng nói phản biện, nhưng chung cuộc, thực tế cho thấy những gì chính phủ muốn nhắm mục tiêu, họ cũng đạt được những mục tiêu đó. Những blogger mà họ nghĩ rằng phản biện, chống đối nhà nước, họ cũng đã xử lý. Bằng chứng cho thấy không ít các blogger bị bắt giam, bị lãnh án, các trang blog hay web không theo lề phải của nhà nước cũng bị đánh sập hoặc không thể hoạt động được lâu dài. Đó là tác dụng trên thực tế của những biện pháp từ phía nhà nước. Theo các bạn, ba trang blog liệu sẽ đi về đâu dựa vào tình hình thực tế tại Việt Nam?

Blogger Trương Ba Không từ Bắc Cạn: Trong kịch bản thực tế hiện nay, việc họ nhắm vào đâu thì hoàn toàn ở đó có thể là mục tiêu bị trừ khử. Điều đó hoàn toàn có khả năng xảy ra trong tầm tay của họ. Nhưng bằng chứng cho thấy sau mỗi đợt truy quét, đóng cửa các trang blog thì hầu như lại xảy ra một hiệu ứng giống như ‘nấm mọc sau mưa’, xuất hiện hàng loạt các trang khác thậm chí còn có phần hơn như thế.

Blogger Huỳnh Trọng Hiếu tại Quảng Nam: Dân Làm Báo hay các trang của Đàn Chim Việt, Dòng Chúa Cứu Thế đã bị đánh phá từ lâu nay rồi. Tất cả những độc giả của các trang blog này là những người quan tâm đến vấn đề chính trị-thời sự ở Việt Nam. Cho nên, khi các trang này bị sập, bị phá, bị đặt tường lửa, người ta vẫn tìm cách vô thôi. Nó vẫn tồn tại mặc dù có thể gặp nhiều khó khăn.

Trà Mi: Đó là nói về tác dụng tức thời và hiệu ứng lâu dài của những chính sách ngăn chặn các trang blog phản biện tại Việt Nam. Là những người góp bài hoặc ủng hộ cho các trang blog này, trước công văn của chính phủ đòi dẹp các trang bị cho là ‘phản động, xuyên tạc’ như thế, các bạn chuẩn bị cho mình tinh thần như thế nào, cách ứng phó ra sao để có thể tiếp tục bảo vệ những trang báo mà các bạn cho là cần thiết và hữu ích cho xã hội?

Blogger Huỳnh Công Thuận ở Sài Gòn: Đối với tôi chuyện đó rất bình thường. Tôi vẫn ủng hộ tối đa và tôi công khai ủng hộ. Công an có hỏi tôi cũng nói thế vì các trang đó viết lên sự thật. Riêng Quan Làm Báo, tôi nghĩ, có thể sẽ tự dẹp vì cách viết và bài vở trên đó nặng về tính cách cá nhân và phe phái. Còn Dân Làm Báo rõ ràng là trang báo dành cho người Việt Nam đọc. Thông tin trên đó rất trung thực. Nói về thông tin ‘sai trái, vu khống, bôi nhọ’, tôi dám nói là mấy trăm tờ báo kia kìa. Đài truyền hình VTV của nhà nước nói người biểu tình chống Trung Quốc nhận tiền từ thế lực nước ngoài, hứa trưng ra chứng cứ, nhưng rốt cuộc đâu có. Đó mới là bôi nhọ, xuyên tạc, nói xấu, không đúng sự thật. Còn Dân Làm Báo nói chỗ nào không đúng sự thật, chỉ cho tôi coi.

Trà Mi: Là những người quan tâm đến Dân Làm Báo, góp bài cho Dân Làm Báo, trước những biện pháp mạnh tay của chính phủ đối với trang này, nếu có cơ hội nói chuyện hoặc gióng lên tiếng nói của mình với giới hữu trách, các bạn sẽ nói gì?

Blogger Huỳnh Công Thuận ở Sài Gòn: Sẵn sàng lãnh án nếu bị ghép tội, nhưng viết là vẫn viết, không có gì để sợ hết. Đúng sự thật thì tôi cứ đưa tin. Còn anh nếu muốn ghép tội, vu khống, bắt bớ kiểu nào thì anh cứ làm. Vì công lý, sự thật, người ta sẵn sàng viết tiếp.

Trà Mi: Anh Thuận khẳng định ý chí theo đuổi sự thật và công lý. Các bạn khác, nếu có cơ hội nói với người hữu trách nguyện vọng của mình trước công văn 7169, các bạn sẽ nói gì?

Blogger Trương Ba Không từ Bắc Cạn: Thứ nhất, về những hiệu ứng tức thời và lâu dài của công văn này để bóp nghẹt tiếng nói sự thật, quyền tự do ngôn luận, tôi muốn nói với họ rằng họ hoàn toàn chỉ có thu được hiệu ứng ngược. Họ đang sử dụng uy quyền của nhà nước đối với chúng tôi, nhưng điều đó cũng không ngăn cản được tiếng nói sự thật của chúng tôi, không ngăn cản được sự ủng hộ của chúng tôi đối với các tiếng nói khách quan thông qua các trang blog này để phản ảnh những tiêu cực trong xã hội. Đúng như câu nói rằng đã đến lúc ‘Chó cứ sủa và đoàn người vẫn cứ tiến.’

Trà Mi: Đó là nguyện vọng với những người hữu trách. Một thông điệp chia sẻ với những độc giả trong xã hội về những trang báo này, Hiếu sẽ nói gì?

Blogger Huỳnh Trọng Hiếu tại Quảng Nam: Tự do ngôn luận là quyền thiêng liêng của con người được quy định trong Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị. Không bất kỳ một chính quyền nào, một thế lực nào trên thế giới có quyền tước bỏ đi cái quyền thiêng liêng đó của một con người. Muốn tìm chân lý, phải bỏ công đi tìm và phải dùng khả năng tư duy của mình để nhận thức vấn đề đúng sai, không ai có thể làm thay chúng ta. Phải tự đi tìm nguồn thông tin đa chiều thật sự cho mình để nhận thức về xã hội hiện đang như thế nào và hiểu được thế giới hiện nay đang bước những bước đi to lớn thế nào.

Trà Mi: Cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho chương trình, chia sẻ cảm nghĩ liên quan công văn 7169 nhắm tới các trang blog phản biện ở Việt Nam.

Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Phóng viên Không biên giới, Việt Nam thuộc nhóm ba nước đứng đầu thế giới về giam cầm blogger và những người thể hiện quan điểm bất đồng chính kiến trên mạng, sau Trung Quốc và Iran, với ít nhất 19 blogger đang bị giam giữ. Việt Nam hiện xếp thứ 172 trên 179 quốc gia trong bảng xếp hạng về Chỉ số tự do báo chí 2011-2012 và nằm trong danh sách ‘Kẻ thù của Internet’ do Phóng viên Không biên giới thực hiện. Báo cáo của Ủy ban Bảo vệ Ký giả quốc tế CPJ cho biết Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia kiểm soát truyền thông nghiêm ngặt và khắc nghiệt nhất tại khu vực Châu Á.

Qúy vị và các bạn muốn chia sẻ quan điểm với chương trình, xin vui lòng gửi vào mục Ý kiến ngay bên dưới bài đăng trên trang nhà voatiengviet.com. Để nhận các câu chuyện hằng tuần của Tạp chí Thanh Niên đài VOA gửi trực tiếp vào máy tính của mình, mời các bạn đăng ký dịch vụ RSS miễn phí và tải PODCAST từ trang chính của Ban Việt Ngữ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ www.voatiengviet.com.