Đường dẫn truy cập

Thủ tướng VN ra lệnh ‘xử lý’ các trang blog chỉ trích đảng, nhà nước


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
please wait

No media source currently available

0:00 0:04:35 0:00
Tải xuống


Chính phủ Việt Nam ra lệnh xử lý các trang blog được nhiều người biết đến mà nhà nước tố cáo là có nội dung ‘bịa đặt, xuyên tạc’, chống lại lãnh đạo đảng cộng sản.

Công văn hỏa tốc số 7169 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông, và Ban Tuyên giáo ngày 12/9 yêu cầu ‘điều tra’ và ‘xử lý nghiêm’ những người tham gia các trang blog cụ thể như Dân Làm Báo, Quan Làm Báo, và Biển Đông.

Công văn từ Văn phòng chính phủ nói các trang báo mạng này đăng tin vu khống, bôi nhọ lãnh đạo, kích động chống đảng và nhà nước, tạo dư luận xấu trong xã hội. Vẫn theo cáo buộc của chính phủ Việt Nam, các nội dung đăng trên các trang blog này là ‘thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch’.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan báo chí của đảng và nhà nước phải tăng cường đăng bài vở, thông tin để phản bác các thông tin trên các trang blog này.

Ngoài ra, Công văn của chính phủ cũng cấm cán bộ nhà nước không được đọc hay loan truyền thông tin trên các trang mạng bị gọi là có nội dung xấu chống đảng và nhà nước.

Chỉ thị 7169 của chính phủ Việt Nam khiến công luận một lần nữa bày tỏ quan ngại về quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, và tự do bày tỏ ý kiến của người dân tại Việt Nam, những nhân quyền căn bản mà Hà Nội đang bị thế giới lưu ý.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền Phóng viên Không biên giới có trụ sở tại Pháp cho rằng chỉ thị mới này là một bằng chứng cụ thể nữa cho thế giới thấy rằng người dân tại Việt Nam không có quyền tự do ngôn luận và tự do bày tỏ quan điểm, những ý kiến bất đồng hay chỉ trích nhà nước thường gặp nguy hiểm và bị trấn áp bằng mọi cách.

Bà Lucie Morillon thuộc tổ chức Phóng viên Không biên giới, phát biểu với VOA Việt ngữ:

“Chúng ta thấy chính phủ Việt Nam hết sức trở nên lo ngại trong thời gian gần đây đặc biệt kể từ khi Mùa xuân Ả Rập bắt đầu. Họ muốn siết chặt quản lý thông tin để củng cố quyền lực vì lo sợ quyền hành bị lung lay trước những sự thật phơi bày trên những trang báo công dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh động sự quan tâm của công luận quốc tế. Chúng tôi hy vọng sẽ không ai bị ‘trừng phạt’ theo công văn 7169 của Thủ tướng chỉ thị vì những blogger này chỉ trình bày quan điểm, phơi bày sự thật, những việc làm đó có ích cho sự phát triển xã hội. Chúng tôi mong nhà nước Việt Nam dồn công sức nhiều hơn để xử lý các quan chức tham nhũng thay vì là dốc sức tìm cách bắt bớ hay đe dọa những người tố cáo, lên án tiêu cực trong xã hội.”

Trong số các trang tin không theo báo chí lề phải của nhà nước bị nhắm mục tiêu, Dân Làm Báo là một trong những trang thu hút đông đảo độc giả, cộng tác viên, và các blogger cả trong lẫn ngoài nước, với các thông tin cập nhật tin tức-thời sự liên quan đến tình hình chính trị-xã hội Việt Nam và các bài phản ánh quan điểm của công dân về mọi mặt, trong đó có nạn quan chức nhà nước tham nhũng, tình trạng vi phạm nhân quyền trong nước, và các vấn đề chính trị nhạy cảm.

Một trong những ngòi bút có góp bài cho Dân Làm Báo, blogger Trần Sơn, phản ứng trước chỉ thị 7169 của chính phủ:

“Chúng tôi viết cho những người bình dân, thế nhưng mà không ngờ là trang báo của chúng tôi đã tác động đến cả tầng lớp quan chức. Hệ thống chính trị đã bắt đầu sợ sự thật. Chính những điều đó sẽ làm cho chúng tôi sẽ viết nhiều hơn, sẽ đóng góp nhiều hơn để cho trang báo của chúng tôi phong phú hơn. Không thể tắt tiếng nói của công luận đâu. Không thể được đâu. Không bao giờ. Tất cả những gì Dân Làm Báo đã viết là sự thật 100% như một trang báo nghiêm túc.”

Từ cuối năm 2010, Dân Làm Báo đã bị chặn tường lửa và thường xuyên bị tin tặc tấn công. Báo này cho biết bắt đầu từ tối ngày 11/9, cơ quan chức năng đã tăng cường chặn tường lửa khiến số người truy cập giảm khoảng 30%.

Bất chấp sự đe dọa từ nhà nước, trang Dân Làm Báo khẳng định quyết tâm sẽ tiếp tục hoạt động để cổ xúy thông tin đa chiều.

Theo thống kê của tổ chức Phóng viên Không biên giới, Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 5 nhà báo và 19 blogger trong nỗ lực bóp nghẹt các tiếng nói chỉ trích chính quyền.

VOA Express

XS
SM
MD
LG