Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh

Your browser doesn’t support HTML5

Đêm 24 tháng 3 tại Sài Gòn, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã tổ chức lễ trao giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 10.

Sinh tiền, ông Hồ Chí Minh từng chê cụ Phan đã đưa ra chủ thuyết cải lương, khi cụ Phan kêu gọi người Việt cần khai dân trí, chấn dân khí và hậu dân sinh.

Do đó, như lời ông Chu Hảo, phó Chủ tịch Hội Đồng Quản Lý Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh, dù đã 10 năm trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh, nhưng sức lan tỏa về truyền thông vẫn còn rất hạn chế:

“Lần này là lần thứ 10, chúng tôi vui mừng thông báo là sẽ có thêm 5 vị tân khoa và 1 vị danh nhân nữa, được tôn vinh như sẽ được công bố ngay sau đây. Mỗi lần công bố giải và tôn vinh danh nhân văn hóa là mỗi lần chúng tôi, muốn được cùng với quý vị và các bạn có mặt tại khán phòng này, ôn lại tinh thần khai sáng, ý chí tự trị tự cường, khát vọng dân chủ của Phan Châu Trinh, nhà cách mạng bất bạo động đầu tiên của Việt Nam, như cụ Huỳnh Thúc Kháng đã từng khẳng định.

Phải làm cho đồng bào chúng ta quen phản đối, khích lệ họ phản đối trong giới hạn pháp luật, mỗi khi họ là nạn nhân của một sự bất công, hoặc một sự nhũng lạm nào đó. Báo chí phải phản đối là cần thiết để tố cáo một cách vô tư tất cả những sự lạm quyền, tất cả những sai lầm mà người cai trị có thể mắc phải.
Ông Chu Hảo

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ nhiễu nhương của nhân loại. Dường như, ở khắp mọi nơi trên thế gian này cái ác đang thắng cái thiện ở tầm vĩ mô ngay ở cơ tầng văn hóa giáo dục dối trá và bạo lực tràn lan trong xã hội trên phạm vi toàn cầu. Nước ta, không những không là một ngoại lệ, mà còn có nguy cơ trở thành một thí dụ điển hình. Bởi vậy những lời kêu gọi thống thiết của cụ Phan cách nay hơn một thế kỷ, vẫn còn nguyên giá trị thời sự”.

Như lời ông Chu Hảo, cụ Phan coi dân chủ cấp bách hơn độc lập và coi việc dùng luật pháp, cai trị quy củ có thể quét sạch hủ bại. Cụ Phan cho rằng thay vì chăm chăm bạo lực như ông Hồ Chí Minh đưa ra, hãy noi gương Nhật Bản trong kiến thiết quốc gia.

Thông qua việc trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh, những thành viên như ông Chu Hảo đang vận động những người cùng chí hướng thức tỉnh dân chúng, tuyên truyền tư tưởng dân quyền:

“Phải làm cho đồng bào chúng ta quen phản đối, khích lệ họ phản đối trong giới hạn pháp luật, mỗi khi họ là nạn nhân của một sự bất công, hoặc một sự nhũng lạm nào đó. Báo chí phải phản đối là cần thiết để tố cáo một cách vô tư tất cả những sự lạm quyền, tất cả những sai lầm mà người cai trị có thể mắc phải. Ai không nói gì là tán thành. Sự nhẫn nhục hoặc đúng hơn là sự câm lặng làm cho chính quyền tin rằng nhân dân thỏa mãn, và chính quyền sẽ yên ngủ coi như đã làm tròn phận sự”.

Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 10 đã trao giải Nghiên cứu cho giáo sư Trịnh Văn Thảo ở Pháp vì những đóng góp đặc sắc trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa và lịch sử Việt Nam cận và hiện đại.
Giải Nghiên cứu cho giáo sư Trần Đình Sử ở Hà Nội vì những đóng góp to lớn và lâu dài trong lĩnh vực nghiên cứu văn học.

Giải Dịch thuật cho nữ dịch giả Nguyễn Hồng Nhung vì những công trình dịch thuật công phu và đặc sắc văn học và triết học Hungari.

Giải Việt Nam học cho Nhà Việt Nam học người Canada Alexander Woodside vì những công trình nghiên cứu uyên bác và đặc sắc về lịch sử Việt Nam.

Học giả, nhà thơ, nhà văn, danh nhân văn hóa Phan Khôi được vinh danh là danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại.