Ghi chép sau Tết

  • Lê Dung

Ghi chép sau Tết

“Kỉ niệm là cuốn nhật kí mà chúng ta mang theo suốt cuộc đời mình” Oscar Wilde - “The Importance of Being Honest”

Tôi biết là tôi hay có cái giọng hoài niệm. Hỏi lí do, chắc tôi không biết câu trả lời. Tết sắp hết mà tôi lại xin được bắt đầu nói về Tết. Nói, theo cách cảm nhận của riêng mình.

***

Những ngày giáp Tết, Hà Nội lạnh hơn bình thường. Cái lạnh tê tái kèm lất phất mưa phùn. Ra đường, ai cũng khăn áo, găng tay, tất chân kín mít mà răng vẫn còn va vào nhau lập cập. Cái kiểu lái xe bạt mạng rất “Hà Nội ngày nay” dường như bị cái lạnh của không khí và cái vội của Tết đến gần thúc đẩy càng lúc càng tăng tốc độ. Đường xá ken kín người, ai cũng vội vội vàng vàng, mặt mũi đăm chiêu. Xung quanh tôi đặc quánh không khí Tết. Đài, báo liên tục đưa tin về những chuyến bay, chuyến tàu đã được đặt hết chỗ, các loại vé chui, vé giả xuất hiện trên thị trường... Chủ các vườn hoa Đà Lạt báo về hoa năm nay cạn kiệt, kéo theo giá hoa tăng vọt một cách bất thường. Các vườn đào Hà Nội thu lu, run rẩy trong cái lạnh cắt da cắt thịt. Những gốc đào chẳng gom đủ được hơi ấm để đẩy những chồi hoa ra khỏi lớp vỏ xù xì. Người Hà Nội lo âu Tết không có nổi cành đào chơi Tết. Những cành đào, cành mai, cành mơ rừng trên vùng núi Tây Bắc, Lào Cai, Sơn La… bị chặt phá vô tội vạ ùn ùn theo những chuyến xe tải kéo về Hà Nội, bày bán khắp nơi. Những gánh hàng lá dong, lạt tre, măng khô, củ kiệu… đã bắt đầu tấp nập ngược xuôi, tràn ngập các chợ quê, chợ tỉnh…; và sinh viên của tôi bắt đầu đếm ngược ngày được về quê ăn Tết.

***

Những ngày Hà Nội còn khó khăn, tôi cảm nhận về cái Tết dường như sớm lắm. Từ hai, ba tháng trước Tết, tôi đã thường nghe mẹ nói: “Hộp kẹo này để dành ăn Tết con nhé” hay “Đang mùa đỗ, để mẹ viết thư cho bà ngoại ở quê mua một ít để dành gói bánh chưng”. Mua được một tấm áo, đôi dép mới, mẹ cũng bảo: “Dành đến Tết mặc con ạ”. Giọng mẹ nghe tội tội, như nài nỉ, và không hiểu sao anh em tôi chẳng bao giờ nỡ trái ý mẹ. Chữ “để dành” trở nên quen thuộc với chúng tôi. Căn nhà hẹp của gia đình tôi biến thành một cái bách hóa thu nhỏ với một ít cái này, một chút cái kia. Mẹ cần mẫn dành dụm, thu vén để các con có một cái Tết “bằng bạn bằng bè”, để khách khứa đến nhà khỏi ra về mà không có được một tách trà nóng, trẻ con không có được một cái kẹo cho vào túi, và nhiều đứa sẽ để dành tiếp, nhiều ngày nữa, cho đến khi Tết qua, cái kẹo lại trở thành niềm ao ước. Giờ tôi chỉ cần dành một tiếng trong bất kì một siêu thị nào vào sáng 30 Tết là có thể bê về nhà một cái bách hóa lớn gấp năm gấp mười lần ngày xưa, nhưng mẹ tôi đã không còn nữa.

Hình như cái con bé mười hai, mười ba tuổi là tôi ngày đó giỏi hơn tôi bây giờ: lúc đó tôi còn có thể nói là mình có biết chút ít về nữ công gia chánh. Cứ khoảng một tuần trước Tết là xô, chậu, nồi, soong dung dăng dung dẻ khắp nơi trong nhà. Mẹ dạy tôi làm mứt: mứt gừng, mứt bí đao, mứt cà rốt, mứt khoai tây… Mẹ bày tôi pha nước vôi sao cho đủ độ, dạy cách đun rửa liu riu ra sao để mứt ngấm đường, khô se mà không cháy, cách dùng cái muỗng nhỏ gạn lớp nước đường đặc quánh dưới đáy chậu để rưới lên lớp mứt bên trên, cách đảo nhẹ nhàng sao để miếng mứt còn đang mềm khỏi nát vụn… Phải khó khăn lắm tôi mới ghi nhớ được từng đó điều căn dặn. Và còn khó hơn nữa để làm theo. Đôi khi mẹ đi vắng đâu đó một vài tiếng, dặn tôi trông chậu mứt. Mải chơi trốn tìm với lũ trẻ cùng khu tập thể, thảng hoặc tôi mới nhào về, vớ lấy đôi đũa khoắng loạn cái đám khoai tây tội nghiệp đó lên, rồi nhào đi tiếp. Về nhà, nhìn những miếng khoai gãy làm đôi, mẹ chỉ thở dài.

Có lẽ điều khiến tôi mê nhất là gói bánh chưng. Tôi thường xách một chiếc ghế nhỏ, ngồi bên cạnh mẹ ở bể nước khu tập thể ngắm cảnh mọi người tấp nập rửa lá, vo gạo, đãi đỗ. Tiếng cười nói râm ran. Đôi khi tôi xin mẹ cho phụ giúp. Cầm chiếc khăn nhỏ, nhúng vào nước, tôi vuốt nhẹ dọc theo chiều dài của chiếc lá dong xanh rờn đặt trên mâm, bên này lá, rồi bên kia lá… Tôi có thể bó gối hàng giờ liền nhìn cậu tôi gói bánh: lưng bát nếp này, nửa bánh đậu xanh này, hai miếng thịt ướp hành tiêu, rồi lại một lớp đậu, một lưng gạo. Tôi không hiểu nổi vì sao cậu có thể gói cái đám oặt oẹo đó thành chiếc bánh vuông vắn, đầy đặn. Bao giờ mẹ cũng cẩn thận dặn cậu gói riêng hai chiếc bánh nhỏ, thật ngon cho hai anh em tôi, của tôi đánh dấu bằng một chiếc lạt đỏ, còn của anh tôi chỉ đơn giản một chiếc lạt thường. Hai chiếc bánh đó bao giờ cũng được đặt lên trên cùng, và được vớt ra đầu tiên khi nồi bánh chín tới. Cái cảm giác náo nức, bồn chồn của những ngày Tết đó, tôi sẽ không bao giờ gặp lại nữa.

Những ngày Tết là những ngày tôi nhớ mẹ, nhớ anh nhiều nhất.

***

Mùng một Tết tôi thức dậy từ năm giờ sáng. Quanh tôi im lìm, một sự yên lặng gần như tuyệt đối. Tôi muốn ngồi, trong cái tĩnh lặng hiếm hoi mỗi năm chỉ có một lần trên mảnh đất đang ngày càng ồn ào, náo nhiệt này, để cảm nhận những giây phút đầu tiên của một năm mới, chỉ có mình và cái khái niệm thật mơ hồ: đất trời. Tôi bỗng thấy nhớ vô cùng tiếng pháo giòn tan những đêm giao thừa, những sáng mùng một năm xưa, nhớ mùi khói pháo nồng ấm, lan tỏa khắp nơi trong không gian, nhớ những xác pháo hồng rải đầy những ngõ nhỏ và những đứa trẻ xúng xính trong bộ đồ mới còn thơm mùi hồ chạy loăng quăng kiếm tìm những quả pháo lép đem về chơi đồ hàng. Tôi nhớ những tối lũ trẻ chúng tôi quây quần quanh nồi bánh chưng, khuôn mặt hồng rực, lấp lánh trong ánh lửa bập bùng, nhớ mùi thơm nồng bốc lên từ những nồi nước lá mùi già mẹ mua về để chúng tôi tắm ngày ba mươi Tết, nhớ tiếng cười giòn tan của lũ bạn năm xưa... Nhớ... Và nhớ... Nỗi nhớ dịu dàng, man mác mà da diết những kỉ niệm đẹp và thân thương của một thời nay đã không còn. Năm cũ đã lặng lẽ đi qua. Năm mới lặng lẽ tới. Và tôi, lặng lẽ ngồi đây chào đón một năm mới bắt đầu.

Có đúng không khi tôi nói rằng tôi có nhiều điều để nhớ, để thương những ngày Tết hơn các con tôi bây giờ?

Hà Nội mùng 5 Tết Tân Mão 2011

* Blog của Lê Kim Dung là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.