1.
Mỗi con người ngày nay mang trong mình một di vật. Với tôi là chiến tranh và tiểu thuyết. Chiến tranh của suốt tuổi hoa niên không bao giờ chấm dứt và tiểu thuyết của một thời đại đã biến mất. Không biết từ bao giờ tôi nghiệm ra tuổi thơ của mình vẫn chưa chấm dứt. Tiếng súng AK trong đêm tối Tết Mậu Thân còn hộc lên như nhát búa. Tiếng súng in sâu vào tâm trí mà tôi không hay.
Lần đầu tiên tôi nghe tiếng súng sát cạnh nhà. Cả ánh lửa của trái hoả tiễn vút qua cửa sổ rồi nổ ầm rung chuyển trước khi khói bốc lên cao. Căn phòng tôi ở lầu hai, trông xuống xóm Chùa. Mẹ sai chị Ni tháo chấn song sắt của ô cửa sổ trông sang hãng Sáo công ty. Mẹ dặn nếu Việt Cộng đập cửa, u dẫn các em chui qua cửa sổ, lần theo mái ngói xuống nhà ông bà Văn Chung. U Đào vâng dạ. Tròng mắt u đầy kinh hãi. Thầy vắng nhà, xuống Long An khai trương rạp hát. Nhà không đàn ông nhưng mẹ vẫn bình tĩnh thu xếp mọi thứ. Một túi quần áo, một túi gạo và tư trang gói trong khăn lụa. Mẹ sắp xếp với kinh nghiệm tản cư từ Hà Nội. Câu chuyện tản cư chúng tôi nghe không biết bao nhiêu lần, cả nhà chạy về quê nội, rồi ông bị đấu tố, trói giật cánh khuỷu ở hàng rào ngôi nhà bây giờ là uỷ ban tỉnh Vĩnh Phú. Thầy và chú Ích bị trói quỳ ở giếng, nhảy dù Tây bất ngờ nhảy xuống Phú Thọ, bắn nhau trong vườn và bà nội lạc đạn, chết trên đường tải thương. Dường như từ ngày đó, ông im lặng. Từ ngày đó thầy và mẹ không còn ủng hộ Việt Minh.
U có ủng hộ Việt Minh không? U đang đứng run rẩy, mãi u mới thưa bẩm: Thưa mợ, thế còn đồ đạc trong nhà ai trông? Mợ cho con ở lại trông chừng. Mẹ gạt: Bổn phận u là trông các em. Nhà này bỏ của chạy lấy người, u quên Phú Thọ rồi à.
U sắp sụt sùi. U từng chứng kiến bao cảnh gia đình tôi chạy loạn. Ngày xưa còn con gái vào ở cho gia đình ông, u có thương bà nội như thương mẹ bây giờ, u nghĩ gì khi vốc đất lấp mả hoang cho bà ven vệ đường? Chắc u ít kỷ niệm với đất Quảng của u bằng đất Bắc. Ít gắn bó với quê u như gắn bó với gia đình tôi. U lưu lạc phương nào làm sao từ đất Quảng Ngãi lại ra đến Phú Thọ, rồi theo thầy mẹ về thành, rồi di cư vào Nam. Sao u không theo Việt Minh mà theo về vùng tạm chiếm? Họ đấu tranh cho giai cấp của u mà. Nhiều năm sau này tôi hỏi: Sao gọi Sài Gòn là vùng tạm chiếm? Phải gọi Lộc Ninh, Phước Long là vùng tạm chiếm mới đúng. U trả lời u chả biết. Và tôi cũng không biết. Nhưng năm 68 tôi hãy còn bé, tôi chưa biết đặt những câu hỏi khó như vậy. Tôi chưa biết chuyện gì xảy ra. Đất nước đang chiến tranh, tôi không hề biết. Mai Thảo đang viết tiểu thuyết, tôi không hay. Tôi chỉ biết đến u Đào và con đường từ nhà ra đến chợ Tân Định. Mỗi sáng u cầm tay giắt tôi băng qua đường, đi về hướng nhà thờ. Rồi u mua cho tôi cây kem, khi bịch bánh cay, trước khi u mỉm cười đứng ngó tôi bước chân qua cánh cổng sắt có các dì phước hung ác đứng canh. U Đào, u là ai? Cho đến bây giờ, hai mươi năm sau khi viết truyện Gia Phả, tự phong mình làm Thiếu Đế, vị hoàng đế cuối cùng của triều Trần, cho nhân vật u Đào đi ở cho tộc Trần, nuôi dưỡng Linh từ quốc mẫu Trần Thị, tôi vẫn chưa biết u là ai. Tên tuổi, làng quê, chánh quán của u, gia cảnh của u ra sao, u còn trinh hay không? Tôi chỉ biết u sống với gia đình mình từ lúc thầy còn trai trẻ, mẹ chưa về làm dâu, chúng tôi sinh nở trên tay u, trên hai cánh tay ẵm bồng của u, cho đến buổi tối Mậu Thân u tình nguyện ở lại giữ nhà.
Chúng tôi hét: Không, u đi với tụi con, u không được ở lại!
Chúng tôi níu lấy u làm như đã sắp chia cách.
Mẹ gắt: Im! Tiếng chân người đi lạo xạo ngoài cửa. Tiếng đập cửa ở các nhà chung quanh. Mẹ thì thào: Ni lên phòng ông tắt cây đèn trần. Nhanh. Chị Ni quýnh quáng trong lúc mẹ tắt cây đèn nhỏ thắp trên bàn thờ. Chúng tôi cứng người vì sợ hãi, bàn chân tôi lạnh như nước đá. Tôi lại bấu lấy u, đeo cứng lấy u không cho u nhúc nhích. Tôi chưa hình dung thế nào là Việt Cộng nhưng biết mẹ rất sợ những con người ngoài cửa. Tiếng đập cửa mỗi lúc một lớn. Tiếng quát tháo bắt mở cửa, lẫn tiếng gia đình Pharmacie Dung khẩn khoản. Pharmacie Dung sát vách nhà tôi. Mẹ bảo u cho các em chui qua cửa sổ. Mau. U Đào bắt đầu run. Chị cả giục Vũ nhanh lên! Tôi rướn người, uốn lưng luồn giữa hai chấn song. Bên trên trời đầy sao. Cả một vòm trời đầy sao bất chợt lấp lánh trên nền tím lạ thường. Phải sau này tôi mới hiểu vẻ đẹp của sự bất trắc. Nền trời khuya ửng những đám cháy hoà với các giải mây đen làm thành màu tím. Mãi sau này tôi mới nghi hoặc những tín hiệu của trời đất, các đốm sao muốn báo hiệu nguy biến, như trong chuyến hải trình vượt biên, giữa đêm tôi chợt khám phá biển chớp sao trước khi tàu chìm. Nhưng năm 68 tôi còn bé, lần đầu tiên trông thấy nền trời khuya không phản chiếu ánh điện. Gió mát từ kênh Nhiêu Lộc đưa tiếng còi hụ ở xa.
- Vũ nhanh lên! Chị cả thúc giục.
Tiếng súng nổ lúc đó. Tiếng súng nổ ran ngay trước cửa nhà. Tiếng súng nổ mạnh lắm. Lính Mỹ trên binh đinh Yên Đỗ đối diện bắn xuống mặt đường Hai Bà Trưng. Tôi nghe tiếng đạn chọc trên lớp nhựa. Tiếng đạn nạo lòng đất. Tiếng la hét, tiếng chạy huỳnh huỵch. Mẹ hốt hoảng lôi tuột tôi xuống. Cả nhà núp dưới bàn thờ. Lúc này tiếng súng liên tục. Tiếng súng đập vào hai lớp cửa sắt rung như bị nện búa. Tất cả đồ đạc lay chuyển. Không phải chúng tự chuyển động mà mỗi khi bích kích pháo rớt, tiếng ầm như sát bên cạnh, cả nhà lại nhốn nháo chạy từ vách tường bên này sang vách tường bên kia, hất đổ lọ bình, xô lệch bàn ghế.
Tiếng súng át tất cả, nổ từng tràng, từng chập rồi đứt quãng, rồi lại râm ran. Chúng tôi theo dõi gương mặt mẹ để đoán chừng an nguy. Gương mặt mẹ căng thẳng tột độ. Mẹ cũng đang theo dõi tiếng súng với hy vọng lính Mỹ tiếp tục bắn trả. Gương mặt mẹ khi ấy hẳn giống gương mặt mẹ ở Phú Thọ. Như mẹ kể lại. Mẹ đã khẩn cầu rồi vui sướng xiết bao khi viên quan ba Tây chạy đến. Chậm một phút nữa là thầy và ông nội các con bị họ giết. Họ tra khảo để khảo của. Gương mặt mẹ lo lắng pha lẫn hy vọng. Hy vọng lính Mỹ tiếp tục chống trả. Sau này tất cả chị em chúng tôi đều cùng tự hỏi: Vì sao dân tộc chống Pháp giành độc lập mà gia đình chúng tôi lại mừng rỡ khi lính Tây nhảy dù xuống? Vì sao tướng Salan khi ném 3 tiểu đoàn Nhảy dù xuống Phủ Đoan, Đoan Hùng, Phú Thọ trong cuộc hành binh Lorraine đã vô tình cứu sống gia đình tôi? Vì sao Việt Minh muốn thắt cổ thầy, muốn hành quyết ông? Gia đình chúng tôi không làm việc cho Tây, mà yêu đất nước này. Ông không phải là địa chủ, nhà không có đất. Ông thừa kế hiệu thuốc Bắc của cố, mở thêm gian bán vải, ông chú có tiệm bánh trung thu. Có gì giàu sang đâu mà phải tội. Có cái gì đó trái ngược đến phi lý. Vì những con người giành độc lập là những con người tàn nhẫn, triệt hết tất cả những ai khác biệt. Chú Minh về sau giải thích như vậy. Nhưng vì sao ông cố là người Trung Hoa, gia đình tôi là một gia đình Trung Hoa chạy loạn sang Việt Nam lại can dự vào cuộc chiến này, mà thầy đứng hẳn về phía miền Nam, hy vọng Bắc tiến? Tôi không hiểu.
Năm 68 tôi chưa biết thắc mắc. Tôi chỉ là đứa bé kinh sợ mỗi khi tiếng đạn chọc vào lớp cửa sắt. Lớp sắt rung lên như tiếng nấc trong lòng tôi cố kềm hãm. Tôi chỉ biết thúc đầu gối vào mạn sườn u và ôm u chặt cứng. Tiếng đạn sẽ mãi mãi, vĩnh viễn, không bao giờ biến mất. Kể cả sau Mậu Thân. Chúng chốt xoáy trong trí óc tôi một đầu đạn vô hình. Chúng chọc thủng tấm màn lịch sử buộc phải tự tìm hiểu.
Tôi nhắm chặt mắt, bưng tai, dúi mặt vào ngực u tìm sự bảo bọc, tìm cả sự êm ái mà chỉ có u mới có thể đem đến cho tôi vì mẹ luôn cứng rắn. Đến khi u bế xốc tôi lên, tôi mở mắt nhìn thấy lửa cháy cuồn cuộn phừng phừng trên các dẫy nhà phía sau đường Đặng Tất trong xóm Chùa. Cháy, cháy, mợ ơi. Cháy. U hốt hoảng. Mẹ quát: U đưa các em xuống lầu. Mau. Ni hứng nước vào các chậu, nếu lửa lan đến nhà mình thì dội. Mẹ sắp xếp, phân bố công việc cho tất cả mọi người. K, anh cả xách túi áo quần. Chị N, chị cả kéo bịch gạo. U bế tôi xuống bếp. Sân bếp tối om. Tiếng ống nước chảy chị Ni đang hứng vào chậu kêu như thác.
Đến khi súng ngớt, chị Ni thì thầm: Họ rút đi rồi. May lính Mỹ đóng trước nhà mình. Tôi nhớ đến toà binh đinh quét vôi trắng, kế bảo sanh viện Lương Kim Vi, hằng ngày có những người lính cao lớn, ngón tay to bằng quả chuối hay ngoắc vẫy lũ trẻ chơi đánh đáo trong xóm, thảy những phong kẹo cao su. Thầy cấm không cho tôi lượm và cấm lai vãng đến gần. Toà binh đinh đồ sộ trước cửa, chỉ cần tôi lên lầu ba là nhìn thấy, ngay bên kia đường, trên sân thượng có chất bao cát. Mấy người lính gác hay đi qua đi lại trên nóc sân thượng hút thuốc. Tôi nhớ người lính da đen có đôi mắt lồi trắng dã mà chúng tôi gọi là ông kẹ. Tôi tưởng tượng ông kẹ đang bắn nhau với Việt Cộng. Tôi tưởng tượng chú Hải, chú Diệp, chú Các, chú Xá đang bắn nhau với Việt Cộng. Thầy ở đâu? Tôi nhớ thầy da diết. Tôi thèm được thầy hôn vào má, những cọng râu cứng của thầy làm tôi rùng mình. Tôi chưa biết lo lắng, nhưng tôi nhớ thầy, loáng thoáng hiểu thầy gặp nguy hiểm, tôi đọc nhẩm bài kinh Kính Mừng mà các sơ dạy trong trường để cầu nguyện cho thầy. Nhưng tôi chỉ đọc được mấy câu Kính mừng María đầy ơn phước, đức chúa trời ở cùng bà… rồi thiếp vào giấc ngủ. Trong giấc ngủ là một quãng vắng bình yên mà trí nhớ tôi không lưu trữ.
Sáng hôm sau tôi thức giấc dưới chân bàn thờ Phật, bức hình ông vẫn hiền từ bên cạnh hình bà nội chết trẻ. Tôi nằm giữa những cánh mai vàng lấm tấm rụng trên đất. Cành mai sáng mùng một còn vàng hoe bây giờ đã sớm rụng. Mùi nhang ngào ngạt. Mẹ đang khấn vái trước bàn thờ vẫn còn đầy hoa quả. Đĩa chôm chôm. Đĩa soài cát. Đĩa nhãn mọng. Quả dưa hấu to tướng và bốn cặp bánh chưng của cô Cắm gói. Tôi kêu đói. U nói để u đi chiên bánh chưng. Cả nhà túm tụm ở tầng thờ. Tôi biết đêm qua u Đào bế tôi lên trong giấc ngủ. Tôi dụi mắt nghe chị Ni nói đặc công nằm vùng uýnh binh đinh Mỹ thua rồi. Chúng tôi chạy ra cửa. Mẹ la: U không cho các em ra ngoài. U cản. Chúng tôi tiu nghỉu đứng sau hai lớp cửa sắt kín bưng. Ngôi nhà thiếu ánh sáng âm u. Trong bóng tối yên lặng tôi đếm những lỗ thủng trên tấm sắt, nắng rọi qua như những ống hơi ai luồn qua cửa, những ống hơi sáng trong vơ vẩn bụi bay theo đường ống. Tôi lấy tay chận ánh sáng, đưa qua đưa lại trước lỗ thủng trước khi áp sát vào lỗ sắt rồi xoè ra xem chiến tranh đã in lên bàn tay mình chưa. Bàn tay tôi trắng trẻo không dấu vết. Chiến tranh vẫn còn phía bên kia đường. Tôi an tâm. K đang châu mắt vào một lỗ thủng. K vừa nhìn vừa nói có mấy xác chết trước hiệu phở Bình. Tôi cũng châu mắt vào xem. Qua lỗ thủng, trên mặt đường một xác đàn ông tênh hênh không thấy mặt. Một xác khác nằm úp tay quặp dưới bụng. Một xác nữa ruột đổ ra mặt đường. Chung quanh có lớp sẫm sền sệt. Không thấy súng, chỉ có một cái khăn ca rô sọc ngang sọc dọc vất lây lất gần nắp cống. Tôi cố ngước nhìn lên binh đinh Mỹ, nhưng mấy cái lỗ đạn quá thấp, quỳ gối cũng không nhìn thấy, chỉ thấy cái bục gác trống không.
Đến trưa nhà ông Thanh Tùng chạy sang đập cửa nói đánh lớn ở kho quân cụ, bộ tư lệnh hải quân bị vây rồi. Mẹ không cho mở cửa. Cô Ốn điện thoại báo tin chú Ốn kẹt ở cổng số 4 bộ Tổng Tham Mưu chưa biết sống chết. Chú Sâm bị bắn chết ở Tổng Nha Cảnh Sát. Chú Diệp, chú Các, chú Hải ứng chiến không có tin tức. Việt Cộng đã vào Sài Gòn. Chú Hênh từ dưới Chợ Lớn điện tiếp: Chị Bảo, Pá em sang với cô Cắm bị kẹt ở cầu chữ Y rồi, đánh lớn lắm, tụi nó về nhiều lắm. Chế Màn hỏi anh Pảo có tin tức gì không? [Còn tiếp 1 kỳ]