Nhóm 20 quốc gia có một sự đồng thuận về đường hướng nào cần phải theo về mặt tiền tệ. Đó là lời của bộ trưởng tài chính Canada, ông Jim Flaherty. Ông Flaherty phát biểu hôm nay ngay trước khi các bộ trưởng tài chính của khối G20 và các thống đốc ngân hàng trung ương bắt đầu cuộc họp tại Nam Triều Tiên.
Ông Flaherty nói: “Chúng ta cố gắng đi đến một kế hoạch hành động nhằm ngăn tránh được sự cám dỗ của một số nuớc muốn bảo vệ tiền tệ của họ bằng những phương sách khác nhau.”
Ông giải thích rằng không có thành viên nào trong khối G20 muốn đối đầu hay rời khỏi hội nghị mà không đạt được một thỏa thuận.
Các giới chức của nước chủ nhà Nam Triều Tiên tiên đoán sẽ đạt được một vài tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề tiền tệ.
Ngày càng có thêm những mối quan ngại rằng nhiều quốc gia có thể đua nhau hạ giá chỉ tệ của mình để bảo vệ hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhiều kinh tế gia cảnh báo chớ nên trông đợi có được một thỏa thuận ngoạn mục nào tương tự như Hiệp định Plaza năm 1985, giải quyết trị giá đồng đôla Mỹ.
Trước phiên họp G20, các vị bộ trưởng của các nền kinh tế trong khối G7 đã hội ý với nhau. Ông Flaherty của Canada, người chủ tọa những cuộc hội đàm đó, nói rằng đã có một “sự trao đổi quan điểm thẳng thắn” tại cuộc họp không chính thức.
Trung Quốc, trong tư cách là nền kinh tế số 2 trên thế giới, đứng trước áp lực phải ngưng kiểm soát đồng nhân dân tệ, mà Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu và Nhật Bản cho rằng bị đánh giá quá thấp.
Đồng đôla bị giảm giá đã khiến lượng tiền đổ vào nhiều hơn ở Á châu, nơi đầu tư có lời hơn. Nhưng nhiều người lo ngại rằng luồng tiền đổ vào này có thể gây tình trạng mất ổn định cho các nền kinh tế.
Nhưng nhà nghiên cứu Jeong Young-Sik tại Viện Khảo cứu Kinh tế Samsung ở Seoul không dự đoán châu Á sẽ có chung một lập trường tại cuộc họp G20 này.
Ông Jeong trông đợi Nhật Bản, trong tư cách một nước phát triển cao độ, sẽ có một lập trường gần hơn với lập trường của Hoa Kỳ. Ông giải thích rằng Nam Triều Tiên và Trung Quốc sẽ nhậy cảm hơn đối với việc tăng giá chỉ tệ của họ.
Trước đây trong tháng này, Bộ trưởng tài chính Nhật Yoshihiko Noda đã tuyên bố vai trò của Nam Triều Tiên là chủ trì hội nghị thượng đỉnh sẽ bị nêu ra nghi vấn nếu như nước này liên tục can thiệp để làm suy yếu chỉ tệ của họ là đồng won.
Nhưng hôm nay, ông Noda cũng bác bỏ một đề nghị của Hoa Kỳ rằng tất cả các quốc gia trong khối G20 đồng ý về mộït chỉ tiêu cho cán cân chi phó hiện thời để xoa dịu căng thẳng về tiền tệ. Ông gọi các mục tiêu định bằng con số là “thiếu thực tế.”
Trong một bức thư gửi cho các thành viên G20, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Timothy Geithner hối thúc các nước đang có mức thặng dư mậu dịch cao – nổi bật là Trung Quốc – nên thay đổi các chính sách để tăng cường các nguồn tăng trưởng nội địa và hỗ trợ cho mức cầu trên toàn thế giới. Đồng thời, ông nói các nước có mức thâm hụt mậu dịch và ngân sách, như Hoa Kỳ, nên tập trung vào các chính sách bền vững để cắt giảm thâm hụt về cả hai mặt.
Cuộc họp ở Nam Triều Tiên kết thúc vào ngày mai, nhắm mục đích xác định nghị trình cho hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 vào tháng tới ở Seoul.
Các nhà quyết định chính sách của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và những người đứng đầu Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đang có mặt tại Nam Triều Tiên. Cuộc họp trong hai ngày, bắt đầu hôm nay, tập trung vào việc ngăn tránh một cuộc chiến tranh tiền tệ có thể dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nữa. Từ Gyeongju, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.