Đường dẫn truy cập

Các nước châu Á cố gắng quản lý nguồn vốn đầu tư


Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss Kahn hôm thứ Năm cảnh báo chớ nên dùng tiền tệ làm “vũ khí” để tạo lợi thế thương mại
Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss Kahn hôm thứ Năm cảnh báo chớ nên dùng tiền tệ làm “vũ khí” để tạo lợi thế thương mại

Các nền kinh tế của châu Á đang phấn đấu để duy trì nguồn vốn đầu tư thật mạnh. Các nhà lãnh đạo tài chính thế giới e ngại việc duy trì như vậy có thể gây bất ổn cho hệ thống tài chính toàn cầu và dẫn đến một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Hôm thứ Sáu, đồng yen ở mức cao nhất từ 15 năm qua so với đồng đôla, Thủ tướng Naoto Kan nói rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi các động thái “quá đáng” trong tỷ giá trao đổi, và sẽ có hành động cần thiết.

Ngân hàng Trung ương Nhật mới đây đã can thiệp vào thị trường để làm suy yếu đồng yen. Nếu loại tiền này mạnh, nó sẽ làm hại xuất khẩu, một lĩnh vực quan trọng để Nhật phục hồi kinh tế.

Nhưng lãnh đạo tài chính thế giới lo ngại các sự can thiệp vào thị trường có thể tạo ảnh hưởng dây chuyền, khiến các ngân hàng trung ương khác làm theo, dẫn đến một “cuộc chiến tranh tiền tệ.”

Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss Kahn hôm thứ Năm cảnh báo chớ nên dùng tiền tệ làm “vũ khí” để tạo lợi thế thương mại.

Trong quá khứ, các ngân hàng trung ương châu Á quản lý đồng tiền của mình một cách năng nổ. Trong 10 năm qua, họ đã nới lỏng cách quản lý, nhưng trong mấy tuần qua, hiện tượng can thiệp có dấu hiệu trồi lên lại.

Song Seng-Wun, kinh tế gia chính của ngân hàng CIMB ở Singapore nói rằng các ngân hàng trung ương châu Á không cố gắng ngăn chận đồng tiền của họ khỏi lên giá. Thay vào đó, họ chỉ nâng giá theo cách không gây xáo trộn cho nền kinh tế của họ. Ông giải thích:

“Họ chỉ quản lý đồng tiền theo cách ít gây nguy hại cho doanh nghiệp, và dễ dự báo hơn; bởi vì nếu ta cho nó chuyển động quá nhanh, sẽ khó lập kế hoạch, nếu không nói là bất khả.”

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt đồng nguyên trong khi các bạn hàng của nước này muốn đồng nguyên nâng giá lên ít nhất 30% để điều chỉnh tình trạng định giá đồng tiền này dưới mức thực sự.

Bắc Kinh nói rằng nếu họ làm như vậy, nhiều nhà sản xuất của họ phải đóng cửa.

Có người cho rằng lãnh đạo các ngân hàng trung ương châu Á không lo tính cạnh tranh trong xuất khẩu cho bằng những hiểm nguy khi có các nguồn vốn đầu tư mạnh.

Ông Song nói rằng vì kinh tế châu Âu và Hoa Kỳ đang yếu, nhiều nhà đầu tư quay sang với các thị trường châu Á đang tăng trưởng nhanh chóng.

Hiện tượng này làm giá sinh hoạt tăng, kể cả đồng tiền các nước châu Á.

Trong mấy ngày qua, đồng tiền của Thái Lan và Malaysia ở mức cao nhất của 13 năm qua so với đôla Mỹ; đồng tiền của Nam Triều Tiên cao nhất từ 5 tháng qua, và đồng tiền của Indonesia cao nhất từ 3 năm qua. Ông Song nhận xét:

“Điều này giống như thế giới là một khay nước lớn, và nước chỉ chảy có một cạnh, trong khi cạnh kia, là châu Á, không chịu chảy. Do đó, các nhà lãnh đạo đang cố chỉnh lại chuyện này.”

Có một vấn đề là nguồn vốn đầu tư của nước ngoài có thể chạy đi rất nhanh khi có khủng hoảng.

Giữa thập niên 1990, châu Á nhận được rất nhiều nguồn vốn, nhưng khi có kinh tế suy yếu vào năm 1997, các nguồn này rút ra thật nhanh. Hậu quả là các loại tiền của châu Á mất giá nhanh chóng, bất chấp sự can thiệp của ngân hàng trung ương. Lúc đó, tình trang suy thoái nghiêm trọng và hàng vạn doanh nghiệp khắp vùng phải đóng cửa.

Ông Shin Jang-su là giáo sư kinh tế tại trường đại học quốc gia Singapore đã từng làm cố vấn cho Bộ trưởng Tài chính Nam Triều Tiên. Ông cho rằng các ngân hàng trung ương châu Á hiện nay đối mặt với vấn đề nghiêm trọng hơn năm 1997. Giáo sư Shin Jang-su nói:

“Lãi suất thấp chưa từng thầy, nếu giảm lãi suất thêm nữa sẽ có áp lực lạm phát. Hơn nữa, sau khi có cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, họ đã thực hiện nhiều cải cách thị trường để có nhiều nguồn vốn đầu tư cho nên bây giờ rất khó áp dụng lại các biện pháp kiểm soát nguồn vốn. Chẳng những vậy, lượng tiền bây giờ lớn hơn nhiều so với trước.”

Hôm thứ Năm, Tổng Giám đốc IMF Strauss-Kahn nói ông rất thông cảm thế tiến thoái lưỡng nan đó:

“Trong ngắn hạn, chúng ta không thể tái định giá đồng tiền đủ để làm nhẹ ảnh hưởng của luồng vốn. Ta cần có hành động thận trọng. Ngoài ra, ta còn cần tích lũy khoản dự trữ, và cuối cùng, trong nhiều tháng nữa, chúng ta có thể hiểu rằng một số thành tố của những biện pháp kiểm soát nguồn vốn sẽ được đặt ra.”

Ông nói tiếp trước sự phức tạp đó, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là thông qua sự hợp tác giữa nhóm 20 quốc gia.

Năm 1985, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức và Anh ký Hiệp định Plaza, để cho đôla Mỹ xuống giá, giúp Hoa Kỳ thu hẹp thâm hụt thương mại và hồi phục sau suy thoái.

Liệu một biện pháp tương tự có thể xảy ra khi có hội nghị thường niên vào tuần này tại Washington giữa IMF và Ngân hàng Thế giới, WB. Lãnh đạo chính phủ cũng có thể mang vấn đề này ra trước hội nghị cấp cao G20 ở Seoul tháng tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG