Đơn vị ở Indonesia của Đại công ty P.T. Freeport McMoran đã bị buộc phải ngưng các hoạt động sản xuất tại mỏ đồng và vàng khổng lồ của họ ở Tây Papua hồi tối thứ Hai và ngày hôm nay.
Công ty này loan báo tạm ngưng hoạt động sau khi một đường ống chuyển đồng và vàng tới hải cảng bị đứt ở nhiều chỗ, và các thợ mỏ dùng các loại máy móc hạng nặng để ngăn chận đường sá.
Một phát ngôn viên của Freeport nói rằng đường ống đó bị phá hoại. Công ty này từ chối bình luận về vấn đề ai là người gây ra sự hư hại. Khoảng 80% thợ mỏ của Freeport đang đình công sang tới tháng thứ nhì.
Trong lúc cuộc điều đình giữa công ty với nghiệp đoàn không mang lại một thỏa thuận về vấn đề tăng lương, cuộc đình công xung quanh mỏ này đã nẩy sinh nhiều hành vi bạo lực.
Tuần trước, một vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát gây tử vong cho 1 người và làm bị thương 6 người khác. Thứ 6 vừa qua, 3 công nhân bị bắn chết trong một vụ phục kích mà giới hữu trách nghi phiến quân Papaua đòi ly khai là thủ phạm.
Thợ mỏ tại mỏ vàng Grasberg của công ty Freeport, nơi sản xuất hơn 90% số vàng của công ty, có mức lương tối thiểu từ 1,5 đến 3 đô la một giờ. Đây là mức lương thấp nhất trong tất cả các mỏ của Freeport trên thế giới.
Ông Julius Parorongan, một phát ngôn viên của Nghiệp đoàn Freeport cho biết đình công là cách tốt nhất để thu hút sự chú tâm của công ty đa quốc này.
Ông Parorongan nói: "Đây là những gì mà chúng tôi phải làm để buộc giới quản trị đáp ứng đòi hỏi của mình. Chúng tôi sẽ đình công cho đến ngày 15 tháng 11 hoặc cho tới khi chúng tôi có được một thỏa hiệp phù hợp. Chúng tôi đòi có mức lương 7 đô la rưỡi một giờ trong khi mức lương thấp nhất của thợ mỏ của Freeport ở Mỹ là 30 đô la một giờ. Vì vậy tôi nghĩ rằng công ty có thể đáp ứng đòi hỏi của chúng tôi một cách dễ dàng."
Các nhà phân tích cho rằng điều kiện tồi tệ của đường sá và những cơ sở hạ tầng khác trong khu vực hẻo lánh ở miền đông Indonesia làm gia tăng chi phí khai thác mỏ và kiềm hãm mức lương của thợ mỏ.
Trong giai đoạn đầu của cuộc đình công, công ty Pfreeport đã tuyển mộ công nhân ngoài nghiệp đoàn và đã có thể tiếp tục sản xuất với 80% công suất. Nhưng vụ đóng cửa hôm thứ hai có phần chắc sẽ gây ra những thiệt hại đáng kể cho Freeport và chính phủ Indonesia.
Giáo sư Kurbuti của Đại học Indonesia là một chuyên gia về kinh tế học hầm mỏ. Ông nói rằng vụ đóng cửa này sẽ có hai tác động chính.
Ông Kurbuti nói: "Thứ nhất, nó sẽ có một ảnh hưởng tiêu cực đối với các hoạt động kinh tế ở khu vực xung quanh, bởi vì đối với hầu hết những người sinh sống ở Timika, đời sống kinh tế của họ lệ thuộc vào những hoạt động khai thác hầm mỏ. Thứ nhì là, nguồn thu của chính phủ sẽ giảm đi. Đó sẽ là một con số rất lớn nếu họ không thể tìm ra một giải pháp."
Freeport là người thọ thuế lớn nhất của chính phủ Indonesia, với số thuế nộp cho chính phủ trong nửa đầu năm nay là hơn 1 tỉ đô la. Việc mỏ này đóng cửa khiến cho nguồn thu của chính phủ bị giảm chừng 6,7 triệu đô la mỗi ngày.
Giáo sư Kurtubi tin rằng công ty Freeport sẽ phải chấp nhận đòi hỏi tăng lương của công nhân, nếu họ muốn tiếp tục hoạt động với công suất 100% trong tương lai.
Ông Kurtubi nói tiếp: "Vâng, tôi nghĩ rằng Freeport nên thỏa mãn đòi hỏi của người lao động khi họ chỉ đòi 7,5 đô la một giờ. Tôi nghĩ rằng đòi hỏi này tương đối hòa hoãn, tương đối tốt, có thể chấp nhận, vì tiền công trung bình trong công ty Freeport là 20 đô la một giờ cho cùng một loại sản phẩm."
Mặc dù nghiệp đoàn thợ mỏ đã hối thúc chính phủ giúp đỡ để giải quyết vấn đề, Bộ trưởng Năng lượng và Khoáng sản Indonesia, ông Darwin Zahedy Saleh loan báo hồi tối thứ 3 rằng công ty Freeport Indonesia sẽ sản xuất trở lại trong tuần này với công suất 50%, bất chấp cuộc đình công đang tiếp diễn và ống dẫn quặng bị hư hại.
Tại Indonesia, sự bất mãn ngày càng tăng về lợi nhuận của các đại công ty đã đưa tới những vụ đình công làm cho mỏ đồng và vàng lớn nhất thế giới phải tạm thời đóng cửa. Với thiệt hại mỗi ngày ước chừng 6,7 triệu đô la, các nhà phân tích cho rằng công ty Freeport có thể sẽ phải thỏa mãn yêu cầu tăng lương của công nhân. Từ Jakarta, thông tín viên Kate Lamb của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.