Tổng thống Yudhoyono cho biết các lý do cho việc thay đổi 12 trong số 34 người đứng đầu các bộ của Indonesia là để cải thiện thành tích và tính hữu hiệu của chính quyền. Khi loan báo cuộc cải tổ nội các đã được trông đợi, tổng thống nhấn mạnh rằng tiến trình tuyển chọn dựa vào những cuộc hội ý rốt ráo với các nhà lãnh đạo chính trị thuộc một số đảng phái.
Tổng thống Indonesia nói tiến trình cải tổ mang tính hệ thống, đáng tin cậy, được hoạch định kỹ càng và xét tới một số yếu tố.
Các chuyên gia phân tích thời cuộc nói chính trị cũng đóng một vai trò. Mặc dầu Tổng thống Yudhoyono đã thắng một cách áp đảo khi ông tái đắc cử năm 2009 với hơn 60 phần trăm số phiếu, đảng Dân chủ của ông chỉ nắm quyền kiểm soát 25 phần trăm số ghế tại Quốc hội. Để đạt được một thế đa số hữu hiệu ở quốc hội, tổng thống đã phải mời các đảng đối thủ tham gia một đại liên minh và dành các chức vụ trong nội các cho các giới chức đảng đối lập.
Bình luận gia chính trị Wimar Witoelar nói, vì sự sắp xếp này, tổng thống đã bổ nhiệm một số thành viên đảng đối thủ trong nội các tìm cách phá hoại chương trình làm việc của ông.
Ông Witoelar nói: “Đó là những người, lợi dụng chức vụ trong nội các cho các mục đích chính trị. Những người làm đảo lộn các chính sách của chính phủ vì lợi ích đảng phái. Và những người không có thành tích hoạt động gì cả. Vì thế theo tôi nghĩ, có 3 khuyết điểm mà các bộ trưởng trong nội các vướng phải là sự thiếu hiệu năng, sự bất trung và một chương trình làm việc không rõ ràng.”
Nội các mới vẫn còn các thành viên của các đảng khác. Đảng Golkar, hiện nắm quyền hành đáng kể tại Hạ viện, vẫn còn giữa 3 chức vụ trong nội các. Nhưng những vị bộ trưởng mới của các bộ quan trọng về sách lược như các Bộ Công ty Quốc doanh, Năng lượng, Thương mại, Luật pháp và Nhân quyền đều thuộc đảng Dân chủ của Tổng thống.
Theo ông Witoelar, một điều cũng không kém phần quan trọng là sự thay đổi mà tổng thống đã không thực hiện, bất kể áp lực của chủ tịch đảng Golkar là doanh gia Aburizal Bakrie.
Ông Witoelar nói tiếp: “Đối với tôi, điều không thay đổi quan trọng nhất là để cho Bộ trưởng Tài chính Agus Martowardojo giữ nguyên chức, bất kể áp lực mạnh và gần như là hăm dọa của chính trị gia kiêm doanh gia nhiều thế lực nhất trong nước, mà tổng thống không chịu khuất phục.”
Ông Witoelar cho rằng chính sách tài chính lành mạnh đã là nền tảng của nhiệm kỳ ông Yudhoyono, giúp ông duy trì được niềm tin của các nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế vững chắc.
Trong các lãnh vực khác, như xây dựng cơ sở hạ tầng cấp thiết và gia tăng sự tiếp cận về chăm sóc sức khỏe và giáo dục, tổng thống đã không đạt được thành quả tốt như vậy.
Và, các kết quả thăm dò tỷ lệ ủng hộ ông Yudhoyono đang sút giảm, từ 60 phần trăm vào năm 2009 xuống chỉ còn 47 phần trăm, cùng với những vụ tai tiếng của các nhân vật lớn như ông Muhgammad Nazaruddin, cựu thủ quỹ đang Dân chủ bị cáo buộc lấy cắp hơn 352 triệu đôla, đã làm suy yếu chính quyền của ông Yudhoyono.
Bất kể các thay đổi trong thành phần nội các, ông Witoelar và các quan sát viên chính trị khác tin rằng bế tắc chính trị sẽ tiếp tục bóp nghẹt các chương trình lập pháp quan trọng.
Cải tổ nội các Indonesia có phần chắc không chấm dứt được bế tắc chính trị
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã loan báo những thay đổi quan trọng trong thành phần nội các của ông. Các chuyên gia phân tích nói rằng cuộc cải tổ nội các được trông đợi lâu nay là một hành động nhằm củng cố hậu thuẫn chính trị và nâng điểm ủng hộ tổng thống đang trên đà đi xuống. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Brian Padden gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1