Cái giá 330.000 đô la để chứng minh khái niệm này chắc chắn làm cho một miếng thịt băm trở thành một món ăn được sản xuất với phí tổn cao nhất từ trước cho đến nay.
Đây là chuyện đang xảy ra tại trường đại học Maastricht ở Hà Lan. Nhà nghiên cứu Mark Post và nhóm của ông bắt đầu bằng một mẩu sinh thiết từ bắp thịt của một con bò và hiện nay bắt đầu nuôi cấy các miếng mô tế bào cơ bắp trên các đĩa Petri trong phòng thí nghiệm.
Ông Post nói: “Chúng tôi cam kết tạo ra vài ngàn mô nhỏ này và sau đó nhập lại lại thành một miếng thịt băm.”
Người Hà Lan dường như là một trong những dân tộc có những toán nghiên cứu tân tiến nhất trên thế giới tìm cách sản xuất thịt mà không phải giết súc vật.
Ông Post muốn chứng tỏ là khẩu vị về thịt ngày càng tăng trên thế giới có thể được thỏa mãn theo một phương thức hữu hiệu và thân thiện đối với môi trường hơn.
Ông Post nói: “Đây là một sự phối hợp giữa hai việc, lo gìn giữ môi trường và sản xuất thực phẩm cho thế giới. Và thứ hai chỉ thuần túy là một sự chú ý đến việc sử dụng công nghệ thay đổi đời sống.”
Ông Post công nhận là ông cần phải chứng tỏ là những miếng thịt băm sản xuất từ đĩa Petri có thể tiết kiệm chi chí và phải ngon miệng. Ông hy vọng sẽ hấp dẫn được khẩu vị của giới tiêu thụ qua những lời tuyên bố như “không con vật nào phải chịu thống khổ để có miếng thịt này.”
Nhưng một miếng thịt bằm sản xuất từ ống nghiệm? Ý tưởng này hoàn toàn không hấp dẫn chút nào đối với ông Seth Tibbott ở Hood River, Oregon.
Ông Tibbott nói: “Nó làm tôi ghê rợn.”
Lấy công tâm mà xét, ông Tibbott là một người thiên vị. Doanh nhân ăn chay này thành lập công ty Turtle Island Foods, sản xuất ra loại thực phẩm từ rau đậu gọi là Tofurky, một loại đậu phụ được chế biến có mùi vị như gà tây.
Ông Tibbott nói: “Đây là một trong những sản phẩm chủ lực của chúng tôi, Gà tây chay quay có nhồi ở bên trong..”
Con rể của ông Tibbott và là phó chủ tịch công ty nói dùng đậu nành chế biến để bắt chước chất xơ và thớ thịt của gà là một việc làm khó khăn nhất. Ông Jaime Athos nói đây là điều đáng để theo đuổi, nhưng..
Ông Athos nói: “Cải tiến một ít chất lượng sản phẩm thực sự là phương cách để thực hiện việc này. Sẽ có một bước nhảy vọt vào một lúc nào đó, nhưng tôi không thấy sẽ làm được chuyện này trong tương lai gần.”
Những người tại công ty Turtle Island Foods ước chừng có khoảng 3% dân số Mỹ là những người ăn chay, và họ không nhất thiết cần phải có thịt giả với mùi vị như thật.
Ông Seth Tibbott thấy có một thị trường lớn hơn nữa trong giới tiêu thụ giòng chính, tức là những người không ăn chay. Những người này có thể sử dụng thức ăn chay, không có thịt, nếu những sản phẩm này trông và có mùi vị như thịt thật.
Ông Tibbott nói: “Trong công nghiệp này, họ gọi là những người ăn chay tùy hứng và tùy theo là quí vị xét đến những cuộc nghiên cứu nào, số người này chiếm từ 30 đến 40% dân Mỹ.”
Qua cửa sổ văn phòng ông Tibbot, ông có thể nhìn ngắm các nhà thầu xây một xưởng Tofurky mới dọc theo sông Columbia. Cơ xưởng này sẽ giúp công ty đang phát triển mạnh tăng gấp ba mức sản xuất bắt đầu vào năm tới.
Trong khi đó, nhiều công ty cạnh tranh mới bắt đầu khởi nghiệp hứa sẽ có đột phá trong việc sản xuất các món thịt chay. Một loại thịt gà giả được chế biến bằng đậu nành và những người sáng chế hy vọng không những nó chỉ có mùi vị như thịt gà nhưng hình thức và các thớ giống hệt thịt gà.
Giáo sư Patrick Brown thuộc trường đại học Stanford thành lập một công ty khác. Những nhà khoa học về thực phẩm của ông xử lý chất đạm của cây và dầu ăn theo một tiến trình không được tiết lộ. Lý thuyết của ông Brown là kinh tế dựa trên trọng lượng và giá cả là yếu tố chính trong việc chinh phục những người thích ăn thịt.
Ông Brown nói: “Điều chúng tôi dự định căn bản là sản xuất các mặt hàng cạnh tranh được bằng giá rẻ hơn và không thể phân biệt được là thịt giả hay thật đối với giới tiêu thụ thích thịt hay sữa. Tôi nghĩ đây là phương cách duy nhất để thực sự chinh phục thị trường.”
Ông Brown mới đây thuyết trình tại Vancouver, Canada nơi ông mô tả công nghiệp chăn nuôi như là “một ngành sắp bị công nghệ phá vỡ.”
Giám đốc của Hiệp Hội các Nhà Chăn nuôi, ông Jack Field, đáp lại rằng chính những doanh nhân sản xuất thịt giả có phần chắc mới phải bước đi trên con đường gập ghềnh trước ý thích của giới tiêu thụ.
Ông nói ông tin tưởng ”thịt bò thật mới là món trong bữa ăn hằng ngày, hiện tại cũng như trong tương lai.”
Có một số ngày càng tăng những thức ăn chế từ các loại rau đậu để thay thế thịt trên các kệ hàng ở Hoa Kỳ, để đáp ứng với quan tâm của người tiêu dùng giảm hay bỏ thịt trong thức ăn hàng ngày của họ. Những sản phẩm này bán rất chạy, nhưng hầu hết không lừa được khẩu vị của những người thích ăn thịt. Do đó các nhà khoa học và những công ty thực phẩm tiếp tục nghiên cứu và phát triển những sản phẩm thịt giả mà theo như tường trình của Thông tín viên Tom Banse đã trở nên ngày càng giống với thịt thật.