Khi những người châu Âu đầu tiên đặt chân đến quần đảo Hawaii xa xôi trong vùng Thái Bình Dương vào thế kỷ thứ 18, ngành ngư nghiệp ở đây đã phát triển mạnh từ nhiều thế kỷ.
Mỗi một người cai trị tại địa phương phải bảo đảm rằng ngành này sẽ mãi vững bền, theo chuyên gia xã hội học thuộc Trung tâm Giải Pháp cho Đại Dương cuả đại học Stanford. Ông nói:
”Nếu người cai trị này thấy số cá ở một bãi đánh bắt nào đó cần phải được bảo tồn-vì người ta đã đánh bắt quá nhiều- ông bèn ra lệnh Kapu ở nơi đó.”
Kapu tạm dịch là ”cấm.” Và như thế là đủ cho những dân chài ở địa phương.
Ông Kittinger cho biết ông Jams Cook, người châu Âu đầu tiên đặt chân đến Hawaii, thấy lệnh cấm được người dân tuyệt đối tuân hành. Ông nói:
”Ông James Cook mô tả là vào một ngày nào đó tất cả mọi người đều ra khơi đánh cá. Ngày hôm sau vị vua ở địa phương ra lệnh kapu, thế là không ai bén mảng đến vùng biển đó để đánh bắt nữa. Người dân răm rắp tuân thủ lệnh cấm đó”
Lệnh kapu cũng cấm đánh cá tuna gần một nửa năm,và nửa năm kia cấm đánh cá mòi.
Và chỉ có loại ngư dân chuyên nghiệp mới được phép đánh bắt cá ở vùng biển sâu và được sử dụng những loại trang cụ nào đó.
Những luật lệ đó và những phương pháp có từ ngàn xưa đã giúp môi trường sinh thái của các bãi san hô sản xuất được nhiều cá hay hơn so với ngày nay. Và họ đã làm như vậy trong gần 400 năm trước khi người châu Âu tới, theo như cuộc nghiên cứu của ông Kittinger và đồng tác giả được loan tải trên tập san về nghề cá Fish and Fisheries.
Mặt khác, ngày nay, tình trạng đánh bắt cá quá độ đang đe dọa các bãi của Hawaii và hơn nửa các bãi trên khắp thế giới.
Khi ông Kittinger nhìn vào những nỗ lực hiện tại để kiểm soát nạn đánh bắt quá đáng, ông thấy có rất nhiều điểm tương đồng với lề lối cổ xưa của Hawaii. Ông nói:
"Điều căn bản là họ có cùng những qui định mà chúng tôi dùng ngày nay. Nhưng sự khác biệt là những sách lược đó được thực thi như thế nào.”
Ông cho biết sự khác biệt đó là nếu người dân hải đảo vi phạm lệnh cấm Kapu thì rồi người đó sẽ gặp rắc rối to, có thể là sẽ bị móc mắt hay tử hình.
Và một số sách lược mà người xưa ở Hawaii áp dụng không phù hợp với những giá trị của thời hiện đại. Phụ nữ bị cấm ăn một số loại cá ngon nào đó. Và chỉ có các tù trưởng bộ lạc và chức sắc tôn giáo hạng cao mới được ăn thịt rùa, còn bàn dân thiên hạ chớ bao giờ mơ tưởng.
Chuyên gia Kittinger cho biết những luật lệ này đã có hiệu quả thực sự trong việc bảo vệ các chủng loại. Ông giải thích:
”Chúng tôi cho rằng sự kiện mà các sinh vật đó được bảo vệ phát xuất như một đáp ứng trước sự hiểu biết là những chủng loại đó có nguy cơ tuyệt chủng.”
Sống trên những hải đảo xa xôi ngay giữa đại dương mênh mông, phải đối phó với những thiên tai như bão tố, hạn hán, sóng thần v..v.. ông Kittinger nói bảo vệ nguồn cung cấp lương thực là vấn đề sinh tử cho người dân hải đảo Hawaii thời cổ xưa.
Nhưng với hệ sinh thái đại dương trên toàn thế giới đang suy thoái, chuyên gia Kittinger nói chúng ta có thể học hỏi được từ kinh nghiệm của họ. Ông nói:
”Ngày nay nếu vi phạm lệnh cấm đánh bắt cá, người vi phạm chỉ bị một hình phạt nhẹ, như phủi bụi. Điều đó cho ta thấy chúng ta không nghiêm túc trong vấn đề bảo vệ nguồn cung cấp, chúng ta phải nghiêm chỉnh hơn về các vụ vi phạm luật lệ và về những hình phạt nhắm vào những kẻ phạm luật.”
Ông không đề nghị cho áp dụng án tử hình trở lại đối với những người vi phạm, nhưng ông nói thái độ dễ dãi đối với những kẻ vi phạm ngày nay không đủ để giải quyết vấn đề.
Theo một cuộc nghiên cứu mới, khoảng 400 năm trước khi người châu Âu đến, người dân hải đảo Hawaii đã đánh bắt rất nhiều cá cũng như thời hiện đại hay còn hơn thế nữa, mà lại không làm cho số cá quanh các đảo này bị cạn kiệt. Kết quả cuộc nghiên cứu gợi ý rằng với những sách lược đúng đắn và bắt buộc thực thi, ngư nghiệp có thể đem đến rất nhiều lợi ích và tồn tại lâu dài. Trong lúc một số biện pháp mà người dân hải đảo Hawaii dùng để bảo vệ số cá đánh bắt có thể quá đáng so với tiêu chuẩn hiện nay, những người nghiên cứu nêu lên rằng các chuyên gia bảo tồn môi sinh sẽ thấy nhiều phương pháp cổ xưa lại rất quen thuộc.