Sau gần 10 năm đàm phán và nỗ lực vận động, ngày 30 tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội, EU và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã ký chính thức EVFTA (Hiệp định thương mại tự do EU Việt Nam). Để được EU đồng ý ký EVFTA, Quốc hội cộng sản Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 98 của ILO, và hứa sẽ tiếp tục phê chuẩn Công ước 105 vào năm 2020, và Công ước 87 vào năm 2023. Đây là 3 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế ILO kiên quyết yêu cầu cộng sản Việt Nam phải phê chuẩn. Đồng thời Việt Nam sẽ phải cho phép công nhân được phép thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở độc lập trong các doanh nghiệp theo luật Lao động sửa đổi sẽ được thông qua vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2019.
Nhưng với các tổ chức chính trị, xã hội dân sự và toàn thể những người Việt Nam yêu chuộng tự do, dân chủ và công lý, như thế vẫn là chưa đủ bởi nhà cầm quyền cộng sản đang vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng. Họ tiếp tục sách nhiễu, bắt giữ, xét xử những người hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến từ đầu năm 2019 tới nay. Đặc biệt trong một tháng qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ công an, các trại giam ra sức áp bức các tù nhân lương tâm, khiến họ phải tuyệt thực đã hơn 30 ngày.
Đảng Việt Tân và Hội Anh Em Dân Chủ đã tới Brussel, Vương quốc Bỉ trong trong hai ngày 9 và 10 tháng 7 để vận động các Nghị sĩ trong Nghị viện Âu châu quan tâm đến tình trạng nhân quyền rất xấu tại Việt Nam trước khi xem xét thông qua EVFTA.
Trong lần vận động này, chúng tôi lựa chọn các Nghị sĩ đang làm việc trong lĩnh vực nhân quyền và thương mại. Đặc biệt là họ có sự hiểu biết và quan tâm đến nhân quyền tại Việt Nam và họ cũng có ảnh hưởng tới các Nghị sĩ khác trong Nghị viện Âu châu.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là Nghị sĩ Pascal Durand đại diện của CH Pháp, Nghị sĩ Ismael Ertug và Nghị sĩ Anna Cavazzini đại diện của CHLB Đức, Nghị sĩ Miapetra Kumpula Natri đại diện của Phần Lan, Nghị sĩ và là Tân Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Maria Arena đại diện của Vương quốc Bỉ, cô Miriam Lena Horn cố vấn chính sách thương mại cho Nghị sĩ Joachim Schuster.
Khi nghe chúng tôi trình bày về những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, sự hủ bại, tham nhũng của chế độ cộng sản, đặc biệt là việc đàn áp các tù nhân lương tâm trong các nhà tù. Các Nghị sĩ đều rất bất bình, thậm chí phẫn nộ. Các Nghị sĩ đều hứa sẽ quan tâm đặc biệt tới tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và cũng sẽ chia sẻ thông tin với các đồng nghiệp của họ. Các Nghị sĩ sẽ chuyển các câu hỏi và các yêu cầu để phái đoàn của Ủy ban Thương mại EU chất vấn nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam dự kiến vào tháng 10 tới đây.
Đặc biệt Tân Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Maria Arena (vừa được bầu vào sáng ngày 9 tháng 7 năm 2019), bà Nghị sĩ yêu cầu chúng tôi tức tốc chuẩn bị hồ sơ để Nghị viện Âu châu ra một nghị quyết về vi phạm nhân của cộng sản Việt Nam ngay trong tháng 7. Nhưng đáng tiếc là không kịp thời gian để đưa vào nghị trình, đành để tới tháng 9.
Nghị sĩ Maria Arena đã bày quan điểm cứng rắn là chống thông qua EVFTA cho Việt Nam, bà nói: “Một mình tôi là chưa đủ, nhưng tôi sẽ vận động các đồng nghiệp của tôi.”
Nghị sĩ Maria Arena cũng hứa tổ chức buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam giúp các Nghị sĩ trong Nghị viện Âu châu hiểu rõ hơn về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam để họ có quyết định đúng đắn về EVFTA.
Các Nghị sĩ cho chúng tôi biết rằng có tới gần 60% số Nghị sĩ được bầu mới trong cuộc bầu cử vừa qua. Phần đông các Nghị sĩ này không thích các chế độ cộng sản, đặc biệt họ rất phẫn nộ khi nghe tới các vi phạm nhân quyền.
Đảng Việt Tân và Hội Anh EM Dân Chủ chỉ là nhóm đầu tiên tham gia vận động Nghị viện mới được bầu của EU, chúng tôi biết còn có rất nhiều các tổ chức NGO quốc tế, các tổ chức nhân quyền, xã hội dân sự của người Việt trên thế giới cũng đang nỗ lực chuẩn bị đến Brussel để vận động.
Bởi vậy, đây là cơ hội tốt để chúng ta vận động các Nghị sĩ trong Nghị viện châu Âu quan tâm mạnh mẽ về các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, góp phần bảo vệ các quyền con người và thúc đẩy tiến trình dân chủ cho Việt Nam đúng như tham vọng của EU khi đàm phán EVFTA, PCA,... với cộng sản Việt Nam.