Hiệp định thương mại mà Việt Nam vừa ký kết với châu Âu mở ra cơ hội rất lớn nhưng Hà Nội cần phải cải cách rất nhiều mới có thể tận dụng hết những lợi ích nó đem lại, bao gồm thoát khỏi tình trạng lao động giá rẻ và tiếp sức cho khu vực kinh tế tư nhân, chuyên gia khuyến cáo.
Hôm 30/6, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết EVFTA sau 9 năm đàm phán để mở cửa thị trường hai bên cho nhau. Việt Nam trở thành nước thứ ba ở châu Á, sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, và là quốc gia đang phát triển đầu tiên có được hiệp định thương mại tự do với 28 nước trong khối Âu châu.
Việt Nam ngay sau khi ký hiệp định đã được dỡ bỏ hơn 85% dòng thuế đối với hàng xuất khẩu vào EU. Tỷ lệ này sau 7 năm thực thị hiệp định sẽ là 99% các dòng thuế, tức tương đương với 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Còn 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại sẽ được EU dành cho mức thuế 0% nhưng phải trong hạn ngạch.
‘Tiêu chuẩn cao’
Trao đổi với VOA, Tiến sỹ Đinh Trường Hinh, nguyên chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới và hiện là Chủ Tịch Công Ty EGAT tại Hoa Kỳ, mô tả đây là ‘cơ hội hiếm có’ cho Việt Nam mà nếu biết tận dụng sẽ giúp ‘giải quyết những vấn đề khúc mắc về kinh tế mà Việt Nam đang gặp phải hiện nay’.
Ông Hinh mô tả EVFTA vượt xa các hiệp định mậu dịch tự do thông thường để bao gồm các điều khoản về đầu tư, môi trường, sở hữu trí tuệ và cải tổ khu vực quốc doanh.
Chính vì thế mà EVFTA có những chuẩn mực không khác gì Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam ký kết với 11 nước khác trong khu vực Thái Bình Dương mặc dù sau đó chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã từ bỏ hiệp định này.
Ông Hinh cho biết nhóm cùng một nhóm đàm phán của Việt Nam đã đàm phán đồng thời cả TPP và EVFTA cho nên những ưu đãi dành cho Việt Nam trong EVFTA cũng ‘không khác gì TPP’.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng có những chỗ EVFTA không khắt khe bằng những đòi hỏi của Mỹ trong TPP. Ông lấy ví dụ nguyên tắc về nguồn gốc xuất xứ, tức là đảm bảo hàng hóa phải được sản xuất ở Việt Nam ở một mức độ nào đó mới được hưởng các ưu đãi về thuế quan khi nhập khẩu.
Ông Hinh đưa ra ví dụ ngành dệt may: trong khi TPP yêu cầu sản phẩm may mặc phải sử dụng sợi nhập khẩu từ các nước trong khối TPP thì mới được ưu đãi thuế quan thì EVFTA dễ dàng hơn một chút khi không truy đến sợi mà chỉ dừng ở vải – tức là phải sử dụng vải từ các nước đã có hiệp định thương mại tự do với EU.
“Nếu theo TPP thì khó hơn nhưng nó giúp Việt Nam phát triển được ngành sợi để dệt thành vải luôn, còn nếu đi theo EVFTA thì sẽ bỏ qua giai đoạn làm sợi mà chỉ lo vấn đề tìm nguồn vải từ đâu mà thôi,” ông Hinh giải thích và cho biết các điều kiện khác giữa hai hiệp định cũng ‘na ná như nhau’.
‘Cải tổ lần thứ hai’
Ông Hinh đánh giá EVFTA ‘có tiềm năng giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình’ để tiến lên gia nhập các nước phát triển.
Theo đó, EVFTA có thể giúp Việt Nam ở hai vấn đề mấu chốt là tăng năng suất lao động vốn đang thấp hơn so với các nước trong khu vực và vượt qua nền kinh tế chỉ sử dụng sức lao động tay chân để tiến đến có hàm lượng trí tuệ cao, ông nói.
Tuy nhiên, muốn được như vậy, Việt Nam cần phải ‘cải tổ sâu rộng’, gần như là ‘cải tổ lần thứ hai’, cũng theo ý kiến của chuyên gia này.
Ông đưa ra ví dụ của cơ hội mà EVFTA đem lại trong lĩnh vực dệt may với việc EU yêu cầu truy nguồn gốc xuất xứ từ vải tạo động lực để Việt Nam hình thành ngành công nghiệp vải để đi lên trong chuỗi giá trị.
Ngoài ra, Việt Nam có thể chuyển từ may mặc sang thiết kế hay tiếp thị sản phẩm may mặc để có giá trị gia tăng cao hơn, ông nói thêm.
“Nếu cứ tiếp tục con đường như bây giờ là chỉ nhập sợi nhập vải rồi bỏ công ra may áo sơ mi rồi bán sang các nước khác thì mức lương của công nhân Việt Nam không thể nào tăng được,” ông giải thích. “Nếu tăng lương thì các hãng xưởng họ sẽ dời nhà máy sang Campuchia hay Bangladesh. Nếu không muốn mất công ăn việc làm thì phải tiếp tục sản xuất áo sơ mi cả đời với mức lương chỉ chừng đó.”
Ông Hinh cho rằng Việt Nam phải ‘hy sinh những ngành thâm dụng lao động’ và phải cải tổ ngành giáo dục để tạo ra lực lượng lao động có trình độ cao hơn.
“Điều này đòi hỏi những chính sách khôn khéo của chính phủ để một mặt tiếp tục sản xuất những mặt hàng mình đang làm để có hàng xuất cảng và tạo công ăn việc làm cho những người có thu nhập thấp, một mặt tiếp tục khuyến khích tư nhân đầu tư trong các lĩnh vực có thể giúp Việt Nam thay đổi trong tương lai và nâng cấp các kỹ nghệ của Việt Nam đi theo chiều hướng sâu hơn,” ông nói.
‘Cần khu vực tư nhân mạnh’
Theo nhà kinh tế kỳ cựu của Ngân hàng Thế giới này, vấn đề quan trọng nhất đối với Việt Nam là ‘làm sao giúp đỡ các công ty tư nhân học hỏi các kỹ nghệ từ các doanh nghiệp FDI’, nếu không Việt Nam sẽ nhường sân chơi EVFTA cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khi các doanh nghiệp trong nước sẽ không hưởng lợi được gì.
“Việt Nam muốn tiến nhanh, tiến mạnh và tạo công ăn việc làm cho người dân Việt Nam thì các công ty Việt Nam mới là chính,” ông nhấn mạnh. “Làm sao để các công ty Việt Nam thay thế được các nhà đầu tư nước ngoài để có khả năng xuất cảng được.”
“Made in Vietnam (Sản xuất ở Việt Nam) phải chuyển thành Made by Vietnam (Sản xuất bởi Việt Nam).”
Tuy nhiên cái khó là EVFTA không cho phép chính phủ Việt Nam trợ giúp trực tiếp cho các doanh nghiệp Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan từng trợ giúp cho các doanh nghiệp của họ trong giai đoạn phôi thai.
Các biện pháp giúp đỡ mà chính phủ Việt Nam có thể làm, theo ông Hinh, là ‘giúp thông tin để biết những mặt hàng nước ngoài như thế nào’, ‘giúp đào tạo về chuyên môn, tay nghề cho công nhân’, ‘giúp lập ra các hiệp hội để tập hợp các công ty lại với nhau để bảo vệ quyền lợi của mình’.
Về thị trường trong nước, vốn được yêu cầu phải mở cửa cho các doanh nghiệp EU theo một lộ trình được quy định trong nội dung hiệp định, ông Hinh cho rằng các doanh nghiệp trong nước sẽ cạnh tranh không lại.
“Các công ty lớn ở châu Âu dễ dàng khống chế thị trường Việt Nam vì họ lớn và mạnh hơn,” ông nói.
Ông Hinh cũng dự đoán rằng sau khi EVFTA có hiệu lực thì Việt Nam sẽ gặp phiền toái ‘từ những vụ kiện tụng vì Việt Nam hay có cách chơi không sòng phẳng’.
Khi được hỏi về đóng góp của EVFTA đối với GDP Việt Nam, ông Hinh dẫn một mô hình do các kinh tế gia xây dựng từ năm 2015 cho rằng sau 7 năm, tức là đến năm 2026 khi 99% các dòng thuế được bãi bỏ, GDP Việt Nam có thể tăng thêm từ 1 đến 1,2% một năm so với kịch bản không có EVFTA.
Ông cho rằng Việt Nam từng hy vọng có được cả TPP lẫn EVFTA trước khi ông Trump lên nắm quyền. Hiện giờ, do sự rút lui của ông Trump mà Việt Nam thiếu thị trường tiêu thụ rất lớn của Mỹ.
So sánh giữa EVFTA và CPTPP (tức TPP 11 – không có Mỹ), ông Hinh cho rằng EVFTA có ‘quy mô và chiều sâu lớn hơn CPTPP’ vì sau khi Mỹ rút thì ‘CPTPP đã giảm rất nhiều những đòi hỏi mà Mỹ đặt ra trước kia’.